Từ giảng dạy lịch sử văn học đến lý luận văn học
Đặng Anh Đào
Nếu nói cho đầy đủ, con đường vẽ lên ở đây phải là: từ lịch sử văn học đến với lý luận văn học để quay trở lại lịch sử văn học. Con đường đi ấy có lẽ là tất yếu đối với những người làm lịch sử văn học, bởi vậy, nếu có đóng góp gì mới, bài viết này cũng chỉ giới hạn ở ba điểm sau:
- Minh hoạ nó bằng sự thể nghiệm của một người làm công việc nghiên cứu, giảng dạy lịch sử văn học qua tác phẩm văn học là chủ yếu.
- Như vậy, vấn đề ở đây lại được giới hạn cụ thể hơn, đó là: từ quá trình giảng dạy, nêu lên một số vấn đề lý luận có ý nghĩa công cụ, hữu hiệu nhất đối với việc phân tích tác phẩm.
- Do những thể nghiệm này mang sắc thái riêng biệt, cá thể nên chúng tôi sẽ chỉ dừng lại ở một vài thu hoạch sâu sắc nhất ở một số nhà lý luận mà chúng tôi cảm thấy tâm đắc nhất. Do ít được tiếp xúc với sách lý luận Pháp vào cuối những năm 70, trong luận án về Balzac tôi có viết rằng: lý luận Pháp không tồn tại như một bộ môn độc lập. Ý kiến này có thể được Todorov xác nhận trong cuốn sách năm 2002 song đó chỉ là tình hình những năm 60(1). Ngoài ra, phải nhận rằng sách lý luận văn học nước khác được dịch ở Pháp, rất phong phú, từ Lukasc đến Bakhtin...
Trong quá trình giảng dạy lịch sử văn học, chúng tôi đã làm hai mảng khác nhau: giảng dạy chương trình cận và hiện đại ở trung học, sau đó giảng dạy thế kỷ XIX và XX ở đại học. Rút cục, do những điều kiện mà ở đây chúng tôi không nêu lên (vì nó thuộc phạm vi của ngành giáo dục) nên thực tế, quá trình giảng dạy lịch sử văn học được thực hiện bằng quá trình phân tích tác phẩm
I. Vấn đề liên quan đến đề tài ở đây là muốn qua sự phân tích tác phẩm riêng rẽ mà vẽ lên được một quá trình, một lịch sử của văn học, gợi lên được những liên tục và đứt quãng, ta không thể nào không tìm đến những sự khái quát, đến một số công thức, định đề – nói một cách khác đó chính là lý luận văn học. Bởi lẽ, nếu tác phẩm ấy hoặc là nhà văn ấy thực sự là lỗi lạc, thì trong bản thân những hiện tượng đột xuất ấy, thường xuất hiện những nét có tính quy luật của một nền văn học, một thời đại, một xứ sở(2). Boileau phát biểu về những đặc trưng của chủ nghĩa cổ điển khi những gương mặt sáng giá nhất của nó đã xuất hiện. Khi Engels phát biểu những luận điểm về chủ nghĩa hiện thực, thì cũng là lúc nó đã qua thời vàng son của nó. Và nếu đọc Balzac, thì chúng ta có thể ngạc nhiên vì dường như Engels không chỉ căn cứ trên tác phẩm nghệ thuật của nhà văn này, mà ông còn có những câu giống như lặp lại – hoặc chí ít – cũng là diễn giải lại một số ý của Balzac. Theo sự suy nghĩ của tôi, lý luận văn học phải là một sự tổng kết, mà không thể là một sự hướng dẫn cho sáng tác văn học. Nếu đặt ý đồ thứ hai lên hàng đầu, nó sẽ chỉ tạo ra những tác phẩm có tính công thức. Còn đối với người giảng dạy văn học, việc nghiên cứu lý luận lại có ý nghĩa chỉ đạo, hướng dẫn để hiểu thêm, để cắt nghĩa sự cảm thụ và tiếp nhận văn học.
II. Song hiệu quả ngược lại mới thực sự lý thú đối với người làm công việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử văn học qua phân tích tác phẩm. Đó là: khi ở những hiện tượng lỗi lạc, đột xuất của lịch sử văn học, xuất hiện những nét phá cách, những sự phá vỡ công thức, quy luật từng được đúc kết trong lý luận. Đó chính là lúc đi trọn vẹn con đường: tác phẩm -> lý luận -> tác phẩm. Bởi từ đó, những dấu hiệu biến chuyển, phá cách được dự báo qua chính những tác giả tiêu biểu cho một thời đã khiến họ trở thành những mũi tên chuyển hướng của lịch sử văn học và phá vỡ công thức lý luận: Rabelais, Hugo, Balzac, Flaubert; Kafka, Joyce, Proust, v.v... (nếu chỉ tính đến tiểu thuyết phương Tây).
Ở Việt Nam, ngay cả những thời kỳ mà thông thường lịch sử văn học diễn ra như một tiếp nối hơn là phủ định, nếu ta đặt vài tác phẩm được đóng khung trong cùng một quy tắc lý luận (như về thể loại chẳng hạn), ta vẫn thấy gợi lên những nét phá cách.
Ở chặng này, tác phẩm dường như “uốn nắn” lại những quy tắc của lý luận và đó cũng là lúc cả hai được nhận thức sâu thêm một bước. Ví dụ: không khí lạ lẫm, phá cách trong thể văn tế ở đầu thế kỷ XX của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) và cả một phần nào trong Văn tế Phan Châu Trinh (Phan Bội Châu). Cả hai đều được coi là viết theo thể Phú Đường luật, song nếu so sánh với một bài văn tế cùng loại, như Văn tế vua Quang Trung của Lê Ngọc Hân ở thế kỷ XIX hoặc ngay cả những bài văn tế của một tác giả như Lạc Nam vào những năm 80 của thế kỷ XX(3), ta đã thấy một nét phá cách của Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu trong ngôn từ của văn tế. Nếu sự xâm nhập ngôn từ hiện đại ở Văn tế Phan Châu Trinh còn thấp thoáng qua những phiên âm theo Hán-Việt những tên tuổi phương Tây (“Tài Mã nê đương chứa sức hô hào / Tuồng Lỗ - địch quyết ra tay đào thải”) thì ở Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, những từ mới cấu tạo càng nôm na dung dị hơn, cứ nổi bật lên ở những vế đối của câu văn biền ngẫu: “kẻ đâm ngang người chém ngược, làm cho Mã tà ma ní hồn kinh / bọn hè trước lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ”. Với sự phá vỡ quy ước ngôn từ của một hình thức quan trọng, cổ kính, những tác phẩm này đánh dấu sự biến chuyển của một chặng đường lịch sử văn học, hơn cả những bài văn tế xuất hiện sau đó 80 năm.
III. Một số vấn đề lý luận của lịch sử văn học nước ngoài cũng gợi mở cho chúng tôi những sự so sánh với văn học dân tộc, để rồi, ít nhất, nếu không tìm ra giải đáp thì cũng đặt ra một số vấn đề lịch sử văn học dân tộc. Ví dụ: trong một thời gian dài, giảng dạy lịch sử văn học phương Tây là giảng dạy lịch sử của các khuynh hướng, trào lưu, trường phái, các chủ nghĩa. Về lý luận, nó đã được đúc kết từ công thức, đặc biệt từ thế kỷ XVII đến nay, thế mà vẫn còn những vấn đề (như réalisme chẳng hạn) đang còn là thời sự(4).
Song vấn đề liên quan tới giới hạn của bài viết này là những câu hỏi đặt ra khi so sánh sự tồn tại và vai trò của các trào lưu, chủ nghĩa ở phương Tây với chúng ta. Đó là:
- Vì sao ở Việt Nam, hiện tượng này chỉ nổi lên trong chốc lát – khoảng những năm 30-40 của thế kỷ XX? (Vấn đề này chúng tôi có tìm cách giải đáp đôi chút trong bài Sự phát triển nghệ thuật tự sự ở Việt Nam: một vài hiện tượng đáng lưu ý(5)).
- Ở phương Tây, sự lần lượt xuất hiện các trường phái, chủ nghĩa như một sự phủ định cái cũ (dĩ nhiên trong khi vẫn có sự tiếp nối) đã đem lại những giá trị thẩm mỹ mới mẻ, rõ rệt. Song hiện tượng ngược lại ở ta hoặc như ở Trung Hoa có gây hiệu quả trái lại hay không? Ta có thể thấy ngay rằng việc những trào lưu, chủ nghĩa... vắng mặt vẫn không hề khiến cho Trung Hoa, ở thời nào, cũng có những tác giả, tác phẩm lỗi lạc mà toàn thế giới biết đến.
Trên đây qua một vấn đề, một câu hỏi nêu ra làm ví dụ về mối băn khoăn giữa sự phát triển của các chủ nghĩa như một quy luật phát triển ở xứ này, và sự thiếu vắng của nó ở một xứ sở khác, chúng tôi chỉ muốn chứng minh: nếu xuất phát từ lịch sử văn học, khi thấy sự phá vỡ một quy tắc chung nào đó ở xứ sở này so với xứ sở khác, ta sẽ bớt cứng nhắc trong vận dụng lý luận và biết đâu, chẳng phát hiện ra một quy tắc mới?
IV. Cuối cùng xin dừng lại ở một vài điều tâm đắc nhất khi đọc một số nhà lý luận mà chúng tôi có thể tiếp cận được đôi chút:
1. Cũng như những nhà nghệ sĩ, nhà văn tầm cỡ lớn, các nhà lý luận không hẳn được đánh giá qua việc công chúng biết đến họ đến mức nào (tuy cũng có lúc như vậy), mà là ở chỗ: khi họ đã xuất hiện, người ta viết, đọc, và nghĩ khác trước. Chỉ đơn cử một cặp Brecht và Bakhtin mà dường như những phát hiện mới của họ – một về hiệu quả gián cách, một về tính đối thoại của tác phẩm – gần như xuất hiện đồng thời (dù Bakhtin có bị công bố chậm hơn). Dấu ấn riêng của họ đã hằn sâu trên văn chương và nghị luận của thế kỷ XX – nếu không phải như một ảnh hưởng có ý thức đối với một số tác giả lớn, thì chí ít, cũng như một âm hưởng đã tồn tại ở những tác phẩm lỗi lạc.
2. Điều lạ lùng là giữa hai lý thuyết tách biệt nhau ấy, tôi cảm nhận thấy một sự đồng điệu (xin miễn đi vào phân tích, chứng minh vấn đề này ở đây). Song cơ sở của hiện tượng này đó là: đằng sau những đổi mới, phát hiện ta thấy ẩn chìm một tư tưởng nhân văn sâu sắc. Thực ra những điều mà họ phát hiện (ví dụ như nguyên tắc đối thoại của Bakhtin) nếu ta đi ngược lại thời gian, chúng giống như những tia sáng làm phát lộ ra những gì mà bóng tối của quá khứ còn che dấu hoặc lẩn khuất dưới dạng thô. Chỉ trên cơ sở một sự tự do tư tưởng, một ý thức dân chủ cao độ, Bakhtin mới đề xuất được đối thoại như một nguyên tắc. Song chính vì vậy, nó còn gợi mở cho ta một chân trời rộng lớn hơn: có thể cả trong cách xử sự, lối sống.
3. Hoặc ở một mức độ hạn hẹp hơn, những công trình nghiên cứu về thời gian – như của Genette chẳng hạn. Đối với tôi, đó không chỉ là lý luận văn học. Nó gợi lên bao vấn đề sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây, về cuộc sống và con người và thậm chí, nó trở thành nỗi ám ảnh trong thể nghiệm của bản thân.
4. Cũng trong quan hệ tương đương với Genette, gần như đối xứng, tình cờ, tôi có dịp được nghe chuyên đề và được đọc một số công trình về vấn đề “không gian” của Philippe Hamon. Tôi thấy chỉ một động thái đơn giản (giảng một đoạn trích nửa trang trong Cô bé Roque của Guy de Maupassant) có thể ẩn chứa bao vấn đề: từ mối liên hệ khăng khít với lịch sử hội hoạ (ở đây là tranh phong cảnh), tới độ căng giữa điểm nhìn từ bên ngoài với những tầng chìm của chi tiết. Tưởng như lạnh lùng, vô hồn mà chúng đã gợi lên từ dấu vết hiện trường của một tội ác, ý nghĩa mỉa mai của một bồn hoa màu xanh, trắng, đỏ tới cả biểu tượng của Kinh thánh... Quả nhiên, sau đó, được đọc tiếp một số công trình của Hamon, chúng tôi mới thấy Hamon không chỉ là “chuyên gia về không gian”. Sức gợi của một đoạn văn cực ngắn có thể đẻ ra và cũng là kết quả của biết bao kiến thức tổng hợp lại! Ở cấp độ lý luận, Hamon đã tiếp cận tác phẩm trong mối liên hệ với không chỉ ký hiệu học, cấu trúc luận, mà cả một nghệ thuật như kiến trúc, v.v...
Để kết luận, chúng tôi muốn nói đến cảm giác choáng ngợp trước những kiến thức về lý luận cần thiết cho người làm môn văn học hiện nay. Cũng như những bộ môn khoa học khác, nó đang biến chuyển với một tốc độ chóng mặt – nhất là khi việc phân tích văn học không còn là sự vận dụng một góc độ tiếp cận duy nhất, khi hiện nay không còn là thời của sự kế tiếp hoặc thống trị của một trường phái lý luận, mà là sự tổng hợp và kế thừa của biết bao thành tựu. Trường hợp chỉ trong vài mươi năm, một nhà lý luận như Todorov nêu lên một số thay đổi, chỉnh lại một số ý kiến của mình là chuyện bình thường và cũng minh chứng cho hiện tượng trên. Ví dụ: Năm 1978, Todorov đã dẫn lời của một nhân vật của Henry James trong Thi pháp truyện kể: “... Không có tác giả để người ta luận bàn. Có tất cả những con người bất tử ấy – trong tác phẩm; nhưng không có ai khác nữa” và Todorov viết thêm: “Tác giả không chỉ là một sản phẩm của tác phẩm, mà còn là một sản phẩm vô bổ”. Todorov còn dẫn thêm nhiều truyện ngắn của James để chứng minh một luận đề: không nên đi tìm hiểu tiểu sử nhà văn làm gì; Nhà văn - đó là chữ nghĩa của ông ta. Nhưng năm 2002, Todorov có chỉnh lại, cho rằng thực ra ông đã muốn mở ra một cách nhìn rộng hơn: “Ngôn từ áp đặt những gò bó cho điều sẽ được nói ra, nhưng, sau đó, có một chủ thể đang diễn đạt, chủ thể này chứa đựng một suy tưởng và một ý chí”(6).
Vả chăng, một nhân vật của Dostoievsky đã nói: “... Con người là một kẻ phù phiếm và vô duyên; có lẽ giống như những người chơi cờ, họ chỉ thích thú với việc theo đuổi mục đích, mà không phải bản thân mục đích. Và biết đâu (...) có lẽ mục đích duy nhất mà nhân loại hướng tới trên trái đất này nằm ở ngay chính sự thường trực của cuộc theo đuổi ấy...”. Chỉ có điều, nếu chúng ta phải chạy theo họ thì quả là quá mệt mỏi!...
_____________
(1) Xem Todorov: Nghĩa vụ và khoái cảm. Nxb. Seuil, 2002, tr.72.
(2) Gần đây, Hoàng Ngọc Hiến xem một quan niệm tương tự là có tính “hàn lâm viện” (Tạp chí Nhà văn, số 4-2004). Song vấn đề này vượt ra ngoài phạm vi luận bàn ở đây.
(3) Xem Phan Lạc Nam: Tìm hiểu các thể thơ - Từ Cổ phong đến Đường luật. Nxb. Văn học, H, 1993.
(4) Nhiều tác giả: Văn học và thực tại. Nxb. Seuil, 1983.
(5) Đặng Anh Đào: Sự phát triển nghệ thuật tự sự ở Việt Nam: một vài hiện tượng đáng lưu ý. Tạp chí Văn học, số 2-2002.
(6) Todorov. Sđd, tr.111.
Nguồn: Nghiên cứu văn học, số 12/2004