Cao Việt Dũng
Khi văn học với tư cách văn học(1) thực sự được định hình, nhu cầu tìm những lối nghĩ mới về văn học trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Nói chính xác hơn, kể từ thế kỷ XIX, văn học mới bắt đầu trở thành đối tượng của tra vấn và các thử nghiệm áp dụng khoa học. Mặc dù cho đến nay mọi nỗ lực biến môn nghiên cứu văn học thành một ngành khoa học thực thụ có vẻ vẫn không mấy thành công và không nhận được sự hưởng ứng hào hứng, từ thế kỷ XIX người ta không còn có thể chỉ yên tâm với những ý tưởng Hy Lạp, một bên là sự bài xích thơ ca của Platon (trong Cộng hòa), coi thơ ca nằm cách chân lý đến mấy độ, xa hơn cả một tác phẩm của người thợ mộc(2), và một bên là các quy tắc của Aristote (Thi pháp hoặc Nghệ thuật thơ ca, và, một phần nào đó, cả ở Tu từ học) không hề đảm bảo cho sáng tạo một biên độ hoạt động đủ lớn.
Một trong những cách nhìn, hay hướng đi, đầu tiên xuất hiện, không lâu sau khi tính hiện đại ấn định sự đứng vững độc lập của “văn học”, ít nhất là những mầm mống đầu tiên, và ít nhất là ở Pháp, dường như là văn học so sánh. Bởi vì so sánh là việc dễ dàng nhất trong nghiên cứu? Khó có thể khẳng định như vậy, nhưng so sánh rõ ràng là một thao tác hết sức tự nhiên. Văn học so sánh bắt đầu xuất hiện ở Pháp (trong các bài báo, các bài giảng, như một thuật ngữ mới xuất hiện) không lâu sau khi thế kỷ XIX bắt đầu.
Người ta hay kể đến J.-J. Ampère và bài giảng “Histoire comparative des littératures” (Lịch sử so sánh các nền văn học) năm 1832 như thời điểm ra đời của ngành nghiên cứu. Comparée, thuật ngữ thường dùng ngày nay (văn học so sánh trong tiếng Pháp là littérature comparée, tính từ “so sánh” không mang tính chủ động như trong tiếng Anh và tiếng Đức, comparative và vergleichend), thường được gắn với tên tuổi Villemain(3). Nhưng trên thực tế, năm 1810 Sobry đã có Cours de peinture et littérature comparée (Bài giảng hội họa và văn học so sánh), năm 1816 Noël và Laplace có Cours de littérature comparée (Bài giảng văn học so sánh), cũng là tên tác phẩm của Delatouche năm 1859. Năm 1868, Sainte-Beuve, nhà phê bình vĩ đại, cũng sử dụng thuật ngữ này trong bài nghiên cứu về J.-J. Ampère đăng trên tạp chí Revue des deux Mondes (Tạp chí Hai thế giới) và sau in lại trong bộ sách Nouveaux Lundis.
Khi đó, văn học so sánh ở thời kỳ đầu đi theo hai hướng chính. Hướng thứ nhất của Gaston Paris đi tìm các yếu tố đơn giản, truyền thống, các chủ đề (thèmes) khác nhau tập hợp lại xây dựng nên văn học. Những yếu tố đó chỉ được xem xét dưới khía cạnh bất biến về bản chất, khả năng duy nhất là kết hợp theo nhiều cách mới mẻ. Chính ở đây sẽ xuất hiện môn nghiên cứu huyền thoại (étude des mythes) nổi tiếng của ngành văn học so sánh. Hướng đi thứ hai tìm cách mở rộng và chỉ rõ những tương liên dễ nhìn thấy giữa văn học của các quốc gia khác nhau, trong đó đặc biệt quan tâm đến các hiện tượng vay mượn, và ảnh hưởng của các nhà văn lớn. Joseph Texte viết tác phẩm J.-J. Rousseau et les origines du cosmopolitisme littéraire (Jean-Jacques Rousseau và nguồn gốc chủ nghĩa thế giới trong văn học)(4), luận án văn học so sánh đầu tiên (1895). Trong bài viết quan trọng mở đầu Tạp chí Văn học so sánh số đầu tiên (1921), Fernand Baldensperger nhận xét: “[Văn học so sánh] thích ẩn mình trong các cánh gà hơn là phô mình trên sàn diễn: tuân theo một lời khuyên chung của cả Montaigne, Goethe, Descartes và Sainte-Beuve, nó thích nắm lấy tác phẩm văn học một cách bất ngờ trong khi chúng đang được hình thành, đang được triển hạn, những tác phẩm bị thứ phê bình ấn tượng chủ nghĩa hoặc giáo điều sờ đến khi đã được hoàn thành, cố định, đóng đinh, toàn bị trong sự chói sáng hoặc tầm thường của chúng”(5).
*
Pháp là nơi văn học so sánh ra đời từ rất sớm, và cũng đặc biệt phát triển (phải nói rõ rằng các “trường phái” khác cũng chưa bao giờ bị kìm hãm ở đây: lịch sử văn học, phê bình ấn tượng chủ nghĩa, phê bình chủ đề, phê bình phân tâm học…) Tại Pháp, văn học so sánh trước hết phản ánh cách nhìn của các nhà nhân văn chủ nghĩa. Trọng tâm của văn học so sánh được đặt vào văn học với tư cách một hoạt động của con người, chủ thể sản sinh hiểu biết, kiến thức và giá trị, khiến cho văn học so sánh khác biệt rất lớn với lý thuyết văn học, sản phẩm của những thập niên cấu trúc luận tại Pháp, dù cho cả hai ngành đều sử dụng chất liệu văn học trên diện rộng, văn học được huy động một cách tổng thể. Các lý thuyết gia sử dụng các kiến thức và chi tiết từ văn học để hy vọng tìm ra những tính chất phổ quát, những quy tắc vận hành toàn bộ văn học. Còn Baldensperger lại nói đến sự “chuẩn bị cho một chủ nghĩa nhân văn mới”(6) (Chủ nghĩa nhân văn, thậm chí con người, sẽ trở thành đứa con ghẻ trong thế giới quan của các lý thuyết gia, điều có thể thấy đặc biệt rõ ở Michel Foucault và cả ở Roland Barthes, dù chỉ ở một giai đoạn hết sức ngắn).
Tính chất nhân văn của văn học so sánh còn thể hiện ở sự chấp nhận các nền văn học khác nhau, coi chúng là các thành tố tạo nên một tổng thể chung. Điểm nhìn của một chuyên gia so sánh, do đó, thường xuyên là điểm nhìn siêu quốc gia. Văn học châu Âu, chẳng hạn, có thể trở thành một đề tài lớn cho rất nhiều nghiên cứu(7). Nhưng cũng có thể đề tài nghiên cứu là ảnh hưởng của một nhà văn lớn ở một nước(8). Một chuyên gia văn học so sánh là người có đầu óc cởi mở, không có những định kiến về giá trị và tính ưu việt cục bộ. Một vài ví dụ về các chuyên gia so sánh có thể cung cấp cái nhìn đầu tiên về nhận xét này.
René Étiemble có cuộc đời trải dài suốt thế kỷ XX. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ vào năm 1952, sau đó được phong giáo sư Sorbonne về văn học (nói chung) và văn học so sánh. Ông là một nhà Trung Quốc học nổi tiếng, tác giả cuốn Khổng Tử năm 1956. Về văn học so sánh, ông có các tác phẩm: Essais de littérature (vraiment) générale (Các khảo luận về văn học (thật sự) phổ quát), 1974, Quelques essais de littérature universelle (Vài khảo luận về văn học thế giới), 1982. Với Étiemble, vừa là triết gia vừa là tiểu thuyết gia, nhà ngôn ngữ và nhà nghiên cứu văn học, con người với quá khứ bất tận sau lưng là đối tượng, chủ thể và người mang chân lý (chân lý đi kèm với cuộc chiến đấu không ngừng chống lại những sự dối trá), có trách nhiệm giải thiêng và nhìn rõ, nói đúng. Tác phẩm tiêu biểu nhất của Étiemble theo hướng này là cuộc giải thiêng Rimbaud trong Huyền thoại Rimbaud, 1952-1968. Étiemble chứng minh rằng, mặc dù vẫn thường được coi là một nhà thơ bị lãng quên (poète maudit – năm 1884 Verlaine từng viết một tiểu luận về năm người mà ông xếp vào hàng “poète maudit”: Rimbaud, Mallarmé, Desborde-Valmore, Corbière, Villiers de l’Isle d’Adam và… chính ông) Rimbaud đã thực sự trở thành một huyền thoại với những người đương thời. Ngoài ra còn có vai trò lớn của nhiều người, người thân và bạn bè Rimbaud; “công cuộc tạo dựng huyền thoại” làm sai lệch hẳn những đánh giá của thời sau. Trên thực tế, bài thơ “Con tàu say” không độc đáo đến mức độc tồn, vì các nhà thơ phái Thi Sơn (Parnasse) làm rất nhiều thơ về tàu. “Nguyên âm” có màu là mốt của thời đó, ngay cả Victor Hugo cũng làm thơ có nguyên âm sặc sỡ. Étiemble cũng chỉ ra rằng Rimbaud không phải là nhà thơ tuyệt đối chống lại lý trí, và cũng không có gì chung với lối viết tự động của Siêu thực. Những tác phẩm của Étiemble luôn tạo ra dư luận rất lớn, và đặc biệt thu hút bởi được viết với tinh thần rộng mở và tầm hiểu biết của một nhà bác học. Ông là điểm nối giữa các chuyên gia văn học so sánh thời kỳ đầu, như Fernand Baldensperger và Paul Hazard, và những người đi sau.
Pierre Brunel là đại biểu hiện nay của truyền thống các chuyên gia văn học so sánh lớn ở Pháp, sau những tên tuổi như Philippe, Paul Van Tieghem, Jacques Voisine và Jean-Louis Backès. Vốn là chuyên gia về Paul Claudel (luận án tiến sĩ năm 1970), ông là người sáng lập Trung tâm nghiên cứu Văn học so sánh (CRLC) năm 1981 và là giám đốc trung tâm cho đến nay, đồng thời cũng là Chủ tịch Học viện Văn học so sánh (CLC) mà ông thành lập năm 1995. Những tác phẩm của Brunel làm phong phú thêm dòng phê bình huyền thoại (mythocritique), với vai trò chủ biên Từ điển huyền thoại văn học (Dictionnaire des mythes littéraires, 1988), Từ điển huyền thoại ngày nay (Dictionnaire des mythes d’aujourd’hui, 1999), Từ điển Don Juan (Dictionnaire de Don Juan, 1999), Từ điển huyền thoại phụ nữ (Dictionnaire des mythes féminins, 2002). Một đặc điểm nổi bật của Brunel là sự quan tâm thường trực dành cho văn học đương đại. Nếu cuốn sách gần đây nhất của ông, Don Quichotte ou le roman malgré lui. Calvino, Lesage, Sterne et Thomas Mann (Don Quichotte hay là tiểu thuyết tình cờ. Calvino, Lesage, Sterne và Thomas Mann), 2006, chạy dọc lịch sử tiểu thuyết châu Âu, qua những cái mốc lớn, thì cuốn sách năm 1997, Transparences du roman, le romancier et ses doubles au XXe siècle (Những sự trong suốt của tiểu thuyết, tiểu thuyết gia và những cặp bài trùng của anh ta trong thế kỷ XX), đi theo chiều ngang của tính hiện đại, một trong những nỗ lực sớm nhất trong việc phân tích và giải mã văn học thế kỷ XX khi thế kỷ XX còn chưa kết thúc. Những bài giảng của Brunel ở trường Đại học Sorbonne không chỉ cuốn hút bởi tính chất phong phú ở chiều lịch sử mà còn bắt kịp những trào lưu mới mẻ nhất, trong đó có vị trí không nhỏ của lý thuyết về tiểu thuyết của Milan Kundera và Italo Calvino, với tư cách kế thừa và triển khai theo những hướng mới các lý thuyết của Elias Canetti và Wladimir Nabokov.
Điểm chung nổi bật của các chuyên gia so sánh lớn nằm ở chỗ trước hết là các nhà bác học. So sánh cần một hiểu biết rộng để nhìn nhận được nhiều vấn đề, cần nền tảng tư duy tốt để hiểu sâu đối tượng công việc, và cần độ lượng để bớt thiên kiến, có như vậy công việc nghiên cứu văn học theo hướng so sánh mới mang đến được những kết quả phong phú đến vậy.
*
Văn học so sánh ở Pháp phát triển đặc biệt mạnh từ cuối thế kỷ XIX đến sau Thế chiến II. Sự phát triển này trùng khớp với sự xuất hiện và lớn mạnh của các tờ tạp chí “khoa học văn học”, mà vai trò dẫn dắt thuộc về Tạp chí lịch sử văn học Pháp (Revue d’Histoire littéraire de la France – HLF)(9). Tờ tạp chí lâu đời (ra đời năm 1894, ngày nay vẫn còn tồn tại) này đáng lưu ý ở hơn một khía cạnh. Trước HLF chưa có tờ tạp chí chuyên ngành văn học lớn nào. Có tạp chí văn chương(10) nhưng chưa có tạp chí nghiên cứu văn học. Tiếng nói thống trị thuộc về các nhà phê bình (Sainte-Beuve, Jules Janin, Jules Lemaitre…); tiếng nói đó làm chìm lấp tiếng nói của giới đại học. Sainte-Beuve đăng các Trò chuyện ngày thứ Hai(11) lừng danh trên tờ LeConstitutionnel(12). Về cơ bản, truyền thống báo chí văn chương cho đến HLF dành thế độc tôn cho các tờ tạp chí văn học đăng xen kẽ sáng tác và bình luận. Báo chí thời Voltaire đã vậy; đối thủ khó chịu của Voltaire là Fréron, nhà phê bình văn học trước khi phê bình văn học trở thành một nghề; là một nhà bình luận sắc sảo, thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị tống ngục Vincennes, Fréron sáng lập tờ L’Année littéraire (Văn niên) vào năm 1754 để mở rộng cuộc chiến chống các triết gia. Chính Fréron là người đóng vai trò quyết định trong việc làm ngưng công trình Bách khoa toàn thư của các triết gia khai sáng Pháp. Voltaire từng cho diễn vở L’Écossaise ở Comédie-Française, trong đó Fréron trở thành Frélon, vở kịch đặc biệt độc ác. Voltaire tiếp tục trả thù với Giai thoại về Fréron. Fréron là một nhân vật quan trọng của báo chí thời đó, với cộng tác viên ở khắp nơi trên châu Âu. Ngoài ra ông cũng công nhận tầm vóc của Nàng Héloïse mới của Rousseau, và cũng có lúc, cả tầm vóc của Voltaire. Kể từ HLF, các tờ tạp chí văn chương ở Pháp đã chia làm hai loại: tạp chí “truyền thống” và tạp chí chuyên ngành (chỉ đăng các bài nghiên cứu, không có sáng tác, và đặt cao phẩm chất khoa học của các bài viết). Tuy nhiên, sự cạnh tranh mới không làm giảm bớt sức sống của tạp chí theo lối cũ. Tờ Nouvelle Revue Française (Tạp chí Pháp mới) của André Gide và những người thân cận ra đời năm 1909(13) vẫn đủ sức tồn tại, thậm chí còn giành được rất nhiều vinh quang, gắn liền với tiểu thuyết “mới” (tiểu thuyết của những Gide, Alain-Fournier, Roger Martin du Gard…), với phê bình “mới” (những cây bút đặc biệt tiêu biểu là Albert Thibaudet, Jacques Rivière, Charles Du Bos…), và cả với một đế chế xuất bản: nhà xuất bản Gallimard(14). Tiểu thuyết “mới” này tất nhiên không phải là Tiểu thuyết Mới của Alain Robbe-Grillet, Michel Butor, và phê bình “mới” không phải là Phê bình Mới những năm 1950, 1960 (Roland Barthes, Jean Starobinski, Jean-Paul Weber…), nhưng không phải là dễ phủ nhận những mối liên hệ giữa hai bên.
Tạp chí Văn học so sánh ra số đầu tiên không lâu sau HLF. Năm 1921, hai chuyên gia văn học so sánh, Fernand Baldensperger và Paul Hazard(15) (khi đó đều là giảng viên Sorbonne đồng thời là giáo sư ở các trường Đại học Strasbourg và Lyon), cho ra mắt Revue de littérature comparée (RLC), in ở nhà xuất bản Champion. Hai lời trích dẫn được đặt ở đầu số báo như tiêu chí tồn tại của tờ tạp chí: “Bản chất sự vật sẽ dễ được tiếp thu hơn khi chúng ta quan sát được quá trình ra đời của chúng, hơn là khi chỉ xem xét chúng khi đã được hình thành” (Descartes) và “Những người sản sinh ra được thứ văn chương lớn không sống đơn độc, mà thu nhận ánh sáng và sự nồng ấm tư tưởng của nhau” (Walter Pater).
Bài báo mở đầu đặc biệt quan trọng là của Fernand Baldensperger: “Văn học so sánh: từ và vật”(16), trong đó văn học so sánh được hiểu là một “bộ môn về thực chất là tiếp nối của tất cả các thể loại và các thời kỳ khác nhau, nhưng, với tư cách là một biến thể có ý thức của nghiên cứu, mới được hơn một trăm tuổi”(17). Dường như Baldensperger đặt văn học so sánh trong mối liên hệ với các bộ môn so sánh khác: sinh lý học so sánh của Blainville, giải phẫu học so sánh của Cuvier, huyền thoại học, lịch sử… (Đặc điểm của thời đó là các mô hình khoa học hay được đưa vào mọi nơi, chẳng hạn Ferdinand Brunetière với thuyết tiến hóa áp dụng trong nghiên cứu thể loại văn học). Văn học so sánh tìm đến những chi tiết “nhỏ vô tận”, “những đường ranh giới, eo đất và eo biển được quan tâm hơn là đại dương và các lục địa”. Tiếp nữa: “Trước hết, văn học so sánh đã góp công giúp các giáo điều hậu cổ điển được tự triệt tiêu và các quan điểm quốc gia được hình thành”(18).
Sau này, khi tạp chí văn chương truyền thống có phần lùi bước vào hậu trường (La Nouvelle Revue Française vẫn tồn tại nhưng mất dần vầng hào quang), các tạp chí tin tức tổng hợp và tranh luận trên nhiều lĩnh vực thắng thế (Esprit của Emmanuel Mounier, Les Temps Modernes của Jean-Paul Sartre, ở đây chỉ kể những cái tên lừng danh nhất), các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành vẫn bền bỉ tồn tại. Ngày nay vẫn còn cả HLF và RLC. Nhưng ngay giữa các tạp chí chuyên ngành đó cũng dần có những rạn nứt lớn. HLF gắn liền với tên tuổi của Gustave Lanson, còn RLC không mấy khi rời xa một số khái niệm trung tâm: ảnh hưởng, quốc gia, châu Âu, Goethe… Cấu trúc luận sau khi hoàn thành việc di chuyển từ ngôn ngữ học, đi đường vòng qua dân tộc học (với vai trò đặc biệt quan trọng của Claude Lévi-Strauss) để đến được với nghiên cứu văn học, làm nảy sinh một “bộ môn” đặc biệt mới mẻ: lý thuyết văn học. Về cơ bản, tờ tạp chí phát ngôn của lý thuyết văn học, Poétique(19), tự đặt cho mình sứ mệnh chống lại những ý tưởng chủ đạo của những tờ tạp chí “cũ”, trong đó đặc biệt là HLF, và cả RLC. Sau trào lưu lý thuyết bùng lên dữ dội, hiện tượng chưa từng có, trong những năm 1960 và 1970, một trong những công việc mà các nhà nghiên cứu văn học Pháp phải làm là tìm ra những khả năng tích hợp những hướng đi khác nhau đó. Văn học so sánh cũng như lịch sử văn học không bị lý thuyết văn học xóa sổ, nhưng tự bản thân mỗi ngành đều phải tìm ra cách thích ứng với tình hình mới.
*
Ngày nay, văn học so sánh ở Pháp xoay quanh trục trung tâm là các huyền thoại. Dĩ nhiên văn học so sánh không chỉ quan tâm đến huyền thoại, nhưng huyền thoại ngay từ đầu và cho đến giờ vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Phê bình huyền thoại (Mythocritique) là khái niệm do Gilbert Durand tạo ra, dựa trên cấu trúc thuật ngữ “phê bình tâm lý” (Psychocritique), sản phẩm lừng danh do một giáo sư văn học lừng danh, Charles Mauron, tạo ra vào năm 1962(20). Gilbert Durand muốn đối lập với Charles Mauron, vì theo ông tuy có thể tìm ra được những ẩn dụ ám ảnh và từ đó xây dựng những cấu trúc mang tính chủ đề, nhưng một huyền thoại cá nhân không đủ sức làm cột đỡ cho cách hiểu đúng đắn một tác phẩm. Năm 1972, Durand bắt đầu sử dụng cụm từ “phê bình huyền thoại”, trong đó huyền thoại vượt xa phạm vi con người cá nhân, mọi thứ không còn nằm yên ổn trong phạm vi vô thức mang tính tiểu sử nữa. Phê bình huyền thoại của Durand nhấn mạnh nhiều đến tính tự sự (narrativité) của huyền thoại, cái tạo nên mô hình nền của mọi truyện kể. Theo Durand, phê bình huyền thoại coi mọi truyện kể đều có liên hệ mật thiết với huyền thoại. Truyện kể được cấu trúc theo các sơ đồ và cổ mẫu cơ bản (trong đó huyền thoại là mô hình mẹ) nằm trong tiềm thức chúng ta. Ông nghĩ rằng huyền thoại tạo nên cấu trúc ngầm của văn bản, cung cấp cho văn bản ý nghĩa ở tầng sâu. Một người rất có thể được coi là thủy tổ “từ xa” của bộ môn này chính là Freud.
Hiểu một cách đơn giản, mục đích của phê bình huyền thoại là tìm cách soi rọi tác phẩm văn học dưới ánh sáng của huyền thoại, chính xác hơn là các yếu tố huyền thoại mà tác phẩm chứa đựng. Đây là điểm phân biệt phê bình huyền thoại với “phân tích huyền thoại” (mythanalyse), khái niệm của Denis de Rougemont(21), mô hình theo đó huyền thoại được xem xét dưới khía cạnh ảnh hưởng của chúng đến xã hội; các huyền thoại được khai thác không chỉ về mặt tâm lý, mà còn cả mặt xã hội học. Phê bình huyền thoại, đồng thời, cũng khác (dù không thật sự tách xa) với một khái niệm của văn học so sánh, “nghiên cứu chủ đề” (étude des thèmes), vì đối tượng của phê bình huyền thoại không phải là các tập hợp (ensemble), mà là các văn bản (texte).
Trong L’Air et les Songes (Không khí và những giấc mơ), 1943, Gaston Bachelard đã mở lối cho công cuộc tìm kiếm chiều sâu huyền thoại, trong công việc đọc các văn bản văn học. Về huyền thoại, Bachelard đặc biệt nhấn mạnh tính phổ quát và tính phi thời gian, điều này mang lại một giá trị khách quan cho mơ mộng cá nhân chủ quan. Những công trình về huyền thoại của Mircea Eliade và Claude Lévi-Strauss cho thấy huyền thoại trước hết là một truyện kể, thoạt tiên bằng miệng, rồi sau được ấn định bởi chữ viết, có nhiều biến thể. Trong câu chuyện đó phải có những yếu tố không tự nhiên, ma thuật, phi lý xét theo lôgic và sở nghiệm thông thường. Người kể và người nghe phải tin tưởng theo lối tôn giáo vào câu chuyện đó. Huyền thoại, khác với nhiều người vẫn nghĩ, không vô bổ, tầm phào, mà hướng đến giải quyết một vấn đề cốt yếu và sinh tồn với con người, mà lôgic đầu hàng không giải thích được. Số lượng các vấn đề đó không nhiều: cuộc sống và cái chết, quan hệ giữa Ngã và Tha, vị trí con người trong vũ trụ và/hoặc xã hội, con người từ đâu đến và đi về đâu, cái Thiện và cái Ác…
Người ta thường trách cách đọc theo huyền thoại dẫn đến hiểu tác phẩm nào cũng na ná tác phẩm nào, do khuôn theo những khuôn có sẵn. Tính độc đáo của mỗi tác phẩm bị mất đi, bệ đỡ huyền thoại cho các tác phẩm thường chung chung quá mức; đây cũng là lời trách cứ thường thấy dành cho lý thuyết văn học, thường đi tìm những “nguyên tắc phổ quát”, những cơ chế hoạt động dành cho số đông, chứ không chú trọng cái riêng lẻ, cái đơn độc; lời trách cứ này hoàn toàn có lý, nhưng hoạt động đầu óc của con người, một cách hết sức tự nhiên, cần được dành cho một biên độ tư duy trừu tượng nhất định. Trên thực tế, người ta cũng chỉ hay tự đặt ra một vài câu hỏi, và lịch sử tư tưởng loài người chủ yếu xoay quanh một số câu trả lời xuất sắc nhất những câu hỏi ấy, hoặc thậm chí chỉ xoay quanh nỗ lực trả lới những câu hỏi ấy.
Pierre Brunel viết Phê bình huyền thoại. Lý thuyết và khảo sát (Mythocritique. Théorie et parcours), 1992 và Apollinaire giữa hai thế giới. Phê bình huyền thoại II (Apollinaire entre deux mondes. Mythocritique II), 1996. Lý thuyết của ông chủ yếu dựa vào André Jolles (tác giả của cuốn sách nổi tiếng Les Formes simples, Các hình thái đơn giản, bản dịch tiếng Pháp in năm 1972, NXB Seuil, tủ sách “Poétique”(22)) và Raymond Trousson. Phần khảo sát đi từ thơ của Étienne Jodelle đến tác phẩm của Alain Robbe-Grillet, tổng cộng năm thế kỷ văn học. Brunel tiếp nối Durand, cho rằng phê bình huyền thoại là nhằm nghiên cứu “sự phát xạ” của một huyền thoại “nổi lên” trong một văn bản, đồng thời phải quan tâm đặc biệt đến tính “mềm dẻo” của nó (ba từ trong ngoặc kép nói trên là ba nguyên lý nổi tiếng của Pierre Brunel). Trong những bài viết sau, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết hơn bộ môn phê bình huyền thoại và những khái niệm quan trọng của nó.
Một chuyên gia văn học so sánh không thể dừng lại ở phân tích một văn bản duy nhất. Văn học châu Âu màu mỡ những khoảng không gian văn hóa chung, những giao nhau về huyền thoại. Một huyền thoại chung có thể nhảy từ Shakespeare sang Calderón, kéo dài đến Nietzsche. Chúng tạo ra nghĩa ngay ở các ngôn ngữ khác nhau. Ngoài gốc từ Hy Lạp, La Mã chung, châu Âu còn được phú cho một kho tàng thần thoại chung, phổ biến rộng và ảnh hưởng sâu (đặc biệt thần thoại Hy Lạp). Người châu Âu đọc văn chương của nhau mà vẫn thấy gần gũi chính nhờ những đặc điểm đó. Không nhà văn chân chính nào của châu Âu có thể bỏ qua được các huyền thoại. Gide viết lại Thésée, Prométhée, Jean Giraudoux ghi tên mình vào danh sách rất dài các nhà viết kịch lấy Électre làm đề tài. Kafka, theo cách của mình, chạm đến huyền thoại ở truyện ngắn “Poséidon”. Gần đây hơn, trong thế kỷ XX, Albert Camus vẫn rất thoải mái với huyền thoại Sisyphe, Milan Kundera không ngần ngại đặt cái khung tiểu thuyết Sự ngu dốt (L’Ignorance) của mình lồng vào cuộc trở về Ithaque của anh hùng Ulysse, và Italo Calvino khi bàn về nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại (trong loạt sáu bài giảng ở Mỹ) lấy huyền thoại về anh hùng Persée diệt quái vật Méduse để miêu tả một tính chất nổi bật của lối viết hiện đại, tính chất nhẹ.
Có lẽ văn học so sánh đi tìm cho mình một mô hình không-thời gian tồn tại khác các hướng nghiên cứu khác. Nghiên cứu tìm nguồn (études des sources) xét về phương pháp luận đã chạm đến ngõ cụt ở Homère, khi thời gian không thể ngược lên xa hơn được nữa vì thiếu cứ liệu văn bản. Liên văn bản có phần loại bỏ yếu tố thời gian khỏi mô hình nghiên cứu của mình, chủ yếu đặt ra một không gian rộng với chân trời không mở về quá khứ và tương lai mà tới chồng chồng lớp lớp văn bản chồng lên nhau. Văn học so sánh tìm cách phá vỡ những đường biên giới, với một tấm hộ chiếu quan trọng là huyền thoại. Tất nhiên hạn chế của văn học so sánh lại chính là điểm mạnh của nó: tính chất dĩ Âu vi trung khiến nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu văn học so sánh xây dựng được khối lượng tác phẩm đồ sộ xung quanh những yếu tố lớn: Don Quichotte, bi kịch lấy nguồn gốc Hy Lạp, Don Juan… và ít khi dám bước qua những đường biên giới mới đã được mở rộng ra sau khi đẩy lùi những đường biên giới cũ. Khoảng không gian nhanh chóng tỏ ra không đủ rộng như người ta hy vọng đó rất dễ dàng gây ra những cuộc khủng hoảng nội bộ của ngành.
*
Văn học không vận hành theo sơ đồ nào. Có lẽ nó chỉ tuân theo nguyên tắc nghịch lý. Phê bình tiểu sử theo lối Sainte-Beuve sau Chống Sainte-Beuve của Marcel Proust(23) tưởng không còn đất sống (trong Figures IV, Gérard Genette, lý thuyết gia văn học kiệt xuất nhất sau Roland Barthes, tuyên bố rằng Chống Sainte-Beuve, bên cạnh mấy tập truyện ngắn của Luis Borges, chính là động lực lớn nhất thúc đẩy ông đi theo những khả năng mới mẻ của nghiên cứu văn học(24)), ngày nay lại là một trong những loại sách phổ biến nhất. Cũng như vai trò của lịch sử, sau một thời gian dài bị đặt xuống hàng thứ yếu (các nhà cấu trúc luận quan tâm trước hết đến cấu trúc phổ quát, lịch sử thường xuyên bị gạt sang một bên, thậm chí có lúc còn bị bỏ quên hoàn toàn, chẳng hạn trong những tác phẩm lý thuyết đầu tiên của Tzvetan Todorov), nay quay trở lại như một điều tất yếu. Borges từng nói “mở miệng nói là đã rơi vào trùng ngôn” (Parler, c’est tomber dans la tautologie) có lẽ để nói rằng trong văn chương không có gì thật sự mới. Nhưng mọi việc thật ra không đơn giản như một sự trở về nguyên vẹn. Một tiểu sử viết thời nay (chẳng hạn khi Philippe Sollers viết về cuộc đời Vivant Denon(25)) không còn là một tiểu sử như Sainte-Beuve viết về Chateaubriand, và cũng không còn có thể thuộc dạng “Cuộc đời và tác phẩm” vốn từng nhan nhản trong giới nghiên cứu Pháp những năm đầu thế kỷ XX nữa. Lịch sử văn học cũng không quay trở về nguyên trạng theo khuôn khổ của Lanson, trật tự khuôn theo từng thế kỷ, hay theo những thế hệ khác nhau (cách phân chia của Albert Thibaudet(26)). Có vẻ như sự lặp lại trong nghiên cứu văn học tìm được nghĩa cho mình ở chính đặc điểm đó: lặp lại bằng những yếu tố mới.
Sự tồn tại của văn học so sánh cũng có lúc đã bị coi là nghịch lý. Bị cạnh tranh mãnh liệt và bị phản đối từ mọi phía, bộ môn có lịch sử lâu dài này đang phải tìm những lối ra. Một trong những hướng đi khả thủ là giảm bớt tính chất dĩ Âu vi trung trong các nghiên cứu. Paul Hazard từng viết các tác phẩm hết sức châu Âu như Lamartine (1925), Stendhal (1927), Don Quichotte (1930) và nhất là Tư tưởng châu Âu vào thế kỷ XVIII, từ Montesquieu đến Lessing (1946), nhưng ngay từ Étiemble các nền văn học khác đã được quan tâm. Trước hết là văn học Mỹ, nhưng cũng cả văn học Trung Quốc, Nhật Bản và châu Á nói chung. Ngày nay tại nhiều trường đại học của Pháp, khoa Văn nhập chung với khoa Văn học so sánh. Tại Đại học Sorbonne (Paris IV) khoa Văn có tên chính xác là Văn học Pháp và Văn học so sánh. Dù cho văn học so sánh ở Pháp, theo nhiều chuyên gia, có phần thụt lùi so với văn học so sánh Mỹ, nó vẫn có sức sống nội tại riêng, cùng với những khả năng phát triển của tương lai. Baldensperger trong bài viết mở ra Tạp chí Văn học so sánh cũng từng hết sức lạc quan: “cánh đồng hết sức rộng lớn và mùa màng trải dài đến tận chân trời; hy vọng gặt hái được những bó lúa căng mẩy nhất không có gì là quá đà, khi tất cả cùng nỗ lực với một ý chí chung”(27).
Chú thích:
(1) “Văn học với tư cách văn học”, trước tiên theo khía cạnh ngôn ngữ. Cả văn học (littérature) và nhà văn (écrivain) đều là những khái niệm hiện đại. Kể từ Madame de Staël (De la littérature, 1800), người Pháp, tiếp theo người Đức, mới sử dụng thông dụng từ littérature với nội hàm giống như chúng ta hiểu ngày nay. Trước đó, văn học, văn chương (từ thường dùng là belles-lettres) là một cái gì đó khác hẳn với hình dung của chúng ta. Trước hết, nó có hàm nghĩa rất rộng. Voltaire có thể nói “Chapelain avait une littérature immense” theo nghĩa “Chapelain có khối lượng kiến thức/văn hóa rất lớn”. Khi ngành xuất bản chưa phát triển, các nhà văn chưa độc lập, mà gắn liền số phận cũng như cuộc sống vật chất của mình vào một vị Mạnh Thường Quân; thời đó hiếm khi người ta gọi nhà văn là écrivain, mà là littérateur hoặc homme de lettres. Sau này đến thế kỷ XIX các nhà văn Pháp mới bắt đầu sống được bằng ngòi bút, trong đó có những người đặc biệt giàu có như Guy de Maupassant và Émile Zola. Xem Alain Viala, Naissance de l’écrivain. Sociologie de la littérature à l’âge classique (Sự ra đời của nhà văn. Xã hội học văn học thời kỳ cổ điển), Nxb. Minuit, tủ sách “Le Sens commun”, 1985.
(2) Platon, La République, Garnier-Flammarion, 1966, Robert Baccou dịch, giới thiệu và chú thích, Quyển X: “kẻ tạo ra các vở bi kịch, nếu hắn là một tên bắt chước, về bản chất sẽ cách xa quân vương và chân lý ba mức độ” (tr.362).
(3) Xem, chẳng hạn, Claudio Guillén, The Challenge of Comparative Literature (Thách thức của Văn học so sánh), Harvard University Press, Cambridge, tủ sách “Harvard Studies in Comparative Literature”, 1993, Cola Franzan dịch sang tiếng Anh Entre lo uno et lo diverso: Introducción a la literatura comparada, Editorial Crítica, Barcelona, 1985, chương “First Definitions” (Những định nghĩa đầu tiên), tr.3-4 và chú thích 1, tr.343.
(4) Chủ yếu sử dụng các khái niệm quan trọng của Hippolyte Taine nghiên cứu Madame de Staël với tư cách “nhà so sánh”, đặc biệt ở so sánh giữa văn học miền Bắc và văn học miền Nam (châu Âu).
(5) Fernand Baldensperger, “Littérature comparée: le mot et la chose” (Văn học so sánh: từ và vật), trong Revue de littérature comparée (Tạp chí Văn học so sánh), số 1, 1921, tr.26.
(6) Bđd., tr.28.
(7) Chẳng hạn tủ sách “Các nền văn học châu Âu” (Littératures Européennes) của Nxb. PUF, với sự góp mặt tích cực của Wladimir Troubetzkoy.
(8) Tác phẩm kinh điển của Fernand Baldensperger mang tên Goethe ở Pháp (Goethe en France), 1904.
(9) Tờ HLF là cơ quan ngôn luận của Hội Lịch sử văn học Pháp, ra số đầu tiên vào năm 1894.
(10) Cuối thể kỷ XIX là giai đoạn xuất hiện rất nhiều tạp chí văn chương nhỏ, đặc biệt là các tờ tạp chí nghệ thuật tiền phong (avant-garde).
(11) Les Causeries du Lundi.
(12) Những bài viết (bình luận văn học) hàng tuần của Sainte-Beuve, sự kiện của Parisvăn học thời đó, đăng trên tờ Le Constitutionnel từ 1/10/1849 đến 29/11/1852, và sau đó, trên tờ Le Moniteur, từ 6/12/1852 đến 26/8/1861. In thành sách lần đầu từ 1851 đến 1872, 15 tập.
(13) Sau số đầu “bước hụt” năm 1908.
(14) Tiền thân của Gallimard là Éditions de la Nouvelle Revue Française, thành lập năm 1911.
(15) Paul Hazard (1878-1944), năm 1910 bảo vệ luận án tiến sĩ về ảnh hưởng của Cách mạng Pháp lên văn học Ý giữa 1789 và 1815. Giáo sư Sorbonne 1913, từ 1925 ông giữ ghế giảng văn học hiện đại và so sánh ở Collège de France (trường Trung học Pháp quốc). Thành viên Viện hàn lâm Pháp năm 1940. Tác phẩm nổi tiếng hơn cả là Khủng hoảng ý thức ở châu Âu từ 1860 đến 1715 (La Crise de la conscience européenne de 1680 à 1715), 1935. Fernand Baldensperger đồng thời còn là một triết gia.
(16) Baldensperger, bđd., tr.5-29. Cùng trong số báo này có bài của Paul Hazard, “L’invasion des littératures du Nord dans l’Italie du XVIIIe siècle” (Sự xâm lăng của các nền văn học phía Bắc vào Ý ở thế kỷ XVIII” (tr.30-67). Tiếp sau đó là một bài hết sức điển hình của ngành văn học so sánh: “Diderot et Schiller” (Diderot và Schiller) của Edmond Eggli, tr.68-127.
(17) Bđd., tr.5.
(18) Bđd., tr.29.
(19) Ra số 1 năm 1970, ba người chủ trì là Gérard Genette, Tzvetan Todorov và Hélène Cixous. Tác phẩm của hai người đầu tiên tạo ra những tiếng vang đặc biệt sâu rộng. Năm 1979, Todorov và Genette rời khỏi tạp chí do mâu thuẫn về đường lối phát triển. Trong khi Genette trung thành với lý thuyết thì Todorov trở thành một nhà nhân học, sử học theo hướng nhân văn, chính là cái trước đó ông từng chống lại. Kể từ đó cho đến nay tờ tạp chí nằm dưới sự quản lý của Michel Charles, một lý thuyết gia nổi tiếng về tu từ học hiện đại. Xem thêm Tzvetan Todorov, Devoirs et Délices, une vie de passeur (Nghĩa vụ và niềm vui, một đời rong chơi), trò chuyện với Catherine Portevin, Nxb. Seuil, 2002.
(20) Charles Mauron, Từ các ẩn dụ ám ảnh đến huyền thoại cá nhân. Dẫn nhập phê bình tâm lý (Des métaphores obsédantes au mythe personnel. Introduction à la psychocritique), José Corti, 1962.
(21) Denis de Rougemont, Les Mythes de l’amour (Các huyền thoại tình yêu), Albin Michel, 1961.
(22) Einfache Formen là tác phẩm đặc biệt của André Jolles (1874-1946), lý thuyết gia gốc Hà Lan, sau nhập quốc tịch Đức. Sau Thế chiến I (mà ông có tham gia), Jolles trở thành giáo sư văn chương ở đại học Leipzig. Einfache Formen tập hợp các bài giảng của ông, được bắt đầu chuẩn bị từ năm 1923, in năm 1930. Jolles lý thuyết hóa một số hình thái đơn giản (truyền thuyết, huyền thoại, thành ngữ, truyện cổ tích…), nỗ lực xây dựng một sắp xếp hợp lý theo các tính chất nội tại của mỗi hình thái. Thời đó, Jolles có lẽ là lý thuyết gia Hà Lan nổi tiếng nhất, cùng với Johan Huizinga, bạn ông, tác giả cuốn sách lừng danh Homo ludens.
(23) Tác phẩm in sau khi Proust mất (1922), dựa trên bản thảo viết tay: bản đầu tiên của Bernard de Fallois năm 1954; bản được đánh giá đáng tin cậy hơn của Pierre Clarac sau này.
(24) Gérard Genette, Figures IV, Nxb. Seuil, tủ sách “Poétique”, 1999: “Với độ lùi của thời gian, ngày nay tôi nghĩ “phê bình mới” cũng không thật sự mang tính đột phá lớn nhờ vào phương pháp của nó như người ta từng nghĩ, vì xét về nhiều khía cạnh nó chỉ là kéo dài của hoạt động phê bình của những năm 30, mà tuyên ngôn – in sau khi nhà văn mất năm 1954 – có thể tóm gọn trong Chống Sainte-Beuve của Proust” (bài “Du texte à l’oeuvre” – Từ văn bản đến tác phẩm, tr.10).
(25) Philippe Sollers, Le Cavalier du Louvre: Vivant Denon (1747-1825), Plon, 1995.
(26) Bộ Lịch sử văn học Pháp (chưa hoàn thành) của Albert Thibaudet.
(27) Baldensperger, Bđd., tr.29.
[Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 10-2006, http://phebinhvanhoc.com.vn]