Nhóm tác giả: Nhiều tác giả
Nơi xuất bản: Hà Nội
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội
Nơi phát hành:
Lần xuất bản:
Ngày xuất bản: 2015
ISBN: 978604944500
Kích thước: 19x27,
Lời đầu sách
Nhân kỷ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du, nhằm đánh giá lại những thành tựu nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều, đồng thời cũng là dịp để các học giả trong và ngoài nước có cơ hội giao lưu học thuật, công bố các thông tin và các nghiên cứu mới liên quan đến Nguyễn Du cũng như các tác phẩm của ông, tại Hà Nội, ngày 08/8/2015, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đồng tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại”.
Là tác gia đỉnh cao của văn học Việt Nam truyền thống, mang tinh thần nhân văn vượt biên giới và vượt thời đại, đồng thời là một hiện tượng có ý nghĩa lớn của giao tiếp văn hoá văn chương trong khu vực Đông Á trước thời hiện đại, Nguyễn Du và di sản của ông đã được các nhà biên khảo, dịch thuật, phẩm bình, nghiên cứu trong và ngoài nước khai thác ở mọi góc cạnh từ hơn một thế kỷ nay. Trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã đạt được trong việc nghiên cứu sự nghiệp, văn bản tác phẩm của Nguyễn Du, với những lợi thế về kỹ thuật và trình độ khoa học nhân văn thế giới của thế kỷ XXI, Hội thảo được xác định hướng vào việc tìm tòi mới, từ đề xuất diễn dịch văn bản (bao gồm cả phiên âm, dịch thuật) đến đọc mới các tác phẩm của Nguyễn Du và đọc mới những cách diễn dịch trước đây; trong đó tiêu điểm là tìm kiếm tư liệu, tiếp cận các tập thơ chữ Hán, kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du từ những góc nhìn mới. Những gợi ý của nghiên cứu văn bản học hiện đại, của tiếp cận chuyên ngành/liên ngành (đọc sâu văn bản, liên văn bản, tiếp nhận và diễn giải văn bản, văn hóa học, ….) được khuyến khích vận dụng vào các nghiên cứu để tạo nên sự đa dạng trong cách hiểu tác phẩm cũng như phương thức lưu truyền, quảng bá di sản của Nguyễn Du.
Với mục đích, ý nghĩa như trên và từ thực tế di sản của Nguyễn Du, Hội thảo tập trung vào 2 chủ đề lớn, thảo luận ở 2 tiểu ban, trong đó Truyện Kiều được đặt riêng thành một tiểu ban và là trọng tâm của Hội thảo. Đó là:
TIỂU BAN 1: Cuộc đời, di sản của Nguyễn Du – nhìn từ trong và ngoài quốc gia [...]
TIỂU BAN 2: Truyện Kiều – những phương thức diễn dịch, chuyển hóa [...]
Nhằm làm rõ hơn vị trí đặc biệt của Truyện Kiều - kiệt tác văn chương dân tộc, là di sản mang tầm nhân loại, và cũng là một hiện tượng tiêu biểu cho sự chuyển hóa văn hóa của khu vực Đông Á thời kỳ trung đại – thảo luận của tiểu ban tập trung vào các vấn đề chính sau:
1/ Với quan niệm dịch theo nghĩa: 1) là một diễn dịch văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, 2) là chuyển hóa văn hóa từ một nền văn hóa này sang một khu vực văn hóa khác hoặc đồng khu vực văn hóa nhưng khác biệt về quốc gia/dân tộc, và 3) là chuyển một nội dung nhất định từ hình thức này sang một/những hình thức văn chương nghệ thuật khác trong một nền văn hóa dân tộc, các vấn đề được đặt ra là:
- Truyện Kiều nhìn từ nguyên bản và nhìn từ quá trình diễn hóa cốt truyện gốc trong đặc thù vùng văn hóa Đông Á cũng như trong lịch sử giao tiếp văn chương nhân loại.
- Từ Truyện Kiều đến các phiên bản của nó trong các loại hình nghệ thuật-văn chương Việt Nam.
- Truyện Kiều trong diễn giải của cộng đồng Việt.
- Thông tin từ các nghiên cứu quốc tế về việc dịch, giới thiệu Truyện Kiều sang các ngôn ngữ dân tộc khác, đặc biệt là đời sống các bản dịch trong công chúng đọc địa phương (bao gồm cả độc giả thông thường và giới nghiên cứu).
2/ Đặt Truyện Kiều vào dòng các tác phẩm cổ điển thế giới để tìm hiểu sự tương tác của tính nhân loại và tính dân tộc trong việc thể hiện tinh thần nhân văn, tìm hiểu con đường kết tinh giá trị cổ điển mang tính dân tộc, tìm hiểu phương thức dân tộc hóa và nhân loại hóa một giá trị văn hóa.
127 đăng ký của các nhà khoa học trong và ngoài nước đã được gửi đến Hội thảo, và bốn phiên làm việc tại hai tiểu ban đã tạo nên những thảo luận, tranh luận sôi nổi, thú vị.
Trên cơ sở những kết quả nói trên của Hội thảo, trong thời gian sớm nhất, Viện Văn học tiến hành đọc chọn, biên tập, cấu trúc lại thành công trình “Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du: 250 năm nhìn lại”. Ngoài phát biểu của lãnh đạo các cấp xếp ở đầu sách, sách được chia thành hai phần, tương ứng với hai chủ đề lớn của hội thảo.
Tập sách, được in với sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, là sự đúc kết những nỗ lực làm việc và tấm lòng của các tác giả tham luận dành cho đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều của ông.
Do khuôn khổ hạn chế, ấn bản không thể in toàn bộ các tham luận đã gửi đến Hội thảo. Trong những bài đưa vào sách cũng có một số bài không được in trọn vẹn như bản thảo, vì đã được biên tập theo hướng tập trung vào chủ đề chung. Nhóm biên soạn mong được lượng thứ.