Lý thuyết và ứng dụng lý thuyết trong nghiên cứu văn học (tập bài giảng và tài liệu tham khảo)

27/02/2017

Lý thuyết và ứng dụng lý thuyết trong nghiên cứu văn học (tập bài giảng và tài liệu tham khảo) Nhóm tác giả: Stephen Owen, David Damrosch, Karen Thornber
Nơi xuất bản: Hà Nội
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội
Nơi phát hành:
Lần xuất bản: 1
Ngày xuất bản: 2016
ISBN: 9786049446535
Kích thước: 16x24,

Lời nói đầu

 

Nhằm tạo cơ hội tiếp cận các phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại và thành tựu nghiên cứu văn học trên thế giới, và nâng cao khả năng làm việc cho các nhà nghiên cứu văn học tại Việt Nam – bộ phận gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội tiếp xúc, trao đổi với học giới quốc tế, vào tháng Ba năm 2011, Viện Văn học và Viện Harvard-Yenching (Hoa Kỳ) đã đồng phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế Tiếp cận văn học châu Á từ lý thuyết phương Tây hiện đại: vận dụng, tương thích, thách thức và cơ hội và đợt thuyết trình về Lý thuyết và ứng dụng lý thuyết trong nghiên cứu văn học.

Tham gia Thuyết trình lần này là ba Giáo sư của Đại học Harvard: GS Stephen Owen (Chuyên gia về văn học Trung Quốc), GS. David Damrosch (Chuyên gia Văn học So sánh và Văn học Thế giới), và PGS. Karen Thornber (Chuyên gia Văn học so sánh, Văn học và Văn hóa vùng Đông Á).

Trong 4 ngày, từ 16 đến 19 tháng Ba năm 2011, 8 bài giảng và các tư liệu đọc kèm theo bài giảng đã góp phần trang bị thêm cho cử tọa về lý thuyết, gợi ý những cách tiếp cận các lý thuyết, và đặc biệt là nên ứng xử ra sao khi du nhập hệ thống lý thuyết phương Tây vào thực tế văn học Việt Nam. Đợt thuyết trình này là chương trình đào tạo thu nhỏ của một trường Đại học hàng đầu thế giới cho các nhà nghiên cứu văn học tại Việt Nam, và là thử nghiệm đầu tiên của Viện Harvard-Yenching và Đại học Harvard trong việc đưa các Chương trình đào tạo về Khoa học Xã hội và Nhân văn đến Việt Nam.

Nhận thức được ý nghĩa đặc biệt và tầm quan trọng của hoạt động học thuật này, Viện Văn học đã tổ chức biên soạn, chỉnh lý 7 bài giảng của đợt thuyết trình (người biên tập sách đã lược bớt 1 bài giảng để tránh trùng lặp) và những tư liệu đọc kèm theo thành đầu sách tham khảo này. Cùng với ấn phẩm Tiếp cận văn học châu Á từ lý thuyết phương Tây hiện đại  biên soạn từ các tham luận của cuộc Hội thảo tổ chức ngay trước đợt thuyết trình, hy vọng đây sẽ là một tư liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu văn học tại Việt Nam, đặc biệt là các nghiên cứu sinh và các nhà nghiên cứu trẻ.

 

Viện trưởng Viện Văn học

PGS TS. Nguyễn Đăng Điệp