Diễn văn Kỷ niệm 60 năm thành lập Viện văn học:
Viện Văn học 60 năm xây dựng, phát triển và đổi mới
PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học
Mặc dù sắc lệnh Thành lập Ủy ban Khoa học xã hội Nhà nước có từ tháng 3 - 1959 và Quyết định Thành lập Viện được ký ngày 6- 2- 1960 nhưng lịch sử hình thành, phát triển của Viện Văn học phải được tính từ ngày 2 tháng 12 năm 1953, khi Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Quyết định thành lập Ban nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, vào cuối 1954, Ban đổi tên thành Ban Văn Sử Địa. Trong 5 năm tồn tại, Ban Văn Sử Địa đã đặt nền móng vững chắc để từ đó mở ra sự phát triển lớn mạnh của nền khoa học xã hội nước ta trong những chặng đường sau. Đó là quãng thời gian, bằng những nỗ lực vượt bậc của một số nhà khoa học và sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Ban Văn Sử Địa thực sự đã xác lập được những nguyên tắc mĩ học cơ bản của nền học thuật cách mạng, mở ra những triển vọng to lớn cho ngành nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hiện đại ở Việt Nam.
Từ một tổ Văn trong Ban Văn Sử Địa, với sự góp sức của 12 thành viên sáng lập Viện, trải qua hành trình 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Văn học đã khẳng định được vị thế của một trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu, có thể sánh vai với những trung tâm nghiên cứu văn học của nhiều quốc gia trong khu vực.
Cùng với hai nhà lãnh đạo đầu tiên là GS Đặng Thai Mai - Viện trưởng và Nhà phê bình Hoài Thanh - Phó Viện trưởng, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn học tài năng, tâm huyết đã tề tựu bên nhau tại trụ sở 20 - Lý Thái Tổ để gây dựng một trung tâm nghiên cứu văn học trọng điểm của quốc gia. Đó là những cây bút từng nổi danh từ trước cách mạng như Hoàng Ngọc Phách, Vũ Ngọc Phan, Trần Thanh Mại, Nam Trân,...là những nhà Đông phương học và Hán học uyên thâm như Cao Xuân Huy, Phạm Thiều, Đào Phương Bình, Hà Văn Đại, Nguyễn Đức Vân,... Rồi những nhà trí thức thuộc thế hệ đầu tiên được đào tạo trong chế độ mới như Nam Mộc, Đỗ Đức Dục, Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Minh Tấn, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Văn Hoàn, Phong Lê, Nguyễn Huệ Chi, Lưu Văn Bổng, Hà Minh Đức,...Từ nhiều nguồn và nhiều loại hình đào tạo khác nhau, đội ngũ các nhà khoa học của Viện ngày càng đông đảo, chung sức đồng lòng nâng cao vị thế khoa học của Viện bằng chính thành quả nghiên cứu xuất sắc của mình. Vào những năm đầu thế kỷ XXI, có những thời điểm, số lượng GS, PGS là 21 người, cùng với hơn 10 tiến sĩ đang công tác tại Viện, đưa đội ngũ nghiên cứu trình độ cao chiếm tới gần 50% tổng số cán bộ của Viện.
PGS.TS.Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng đương nhiệm phát biểu tại Lễ Kỷ niệm
Hoạt động nghiên cứu văn học là hoạt động thầm lặng, nhưng vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, Viện Văn học đã thu được những thành tựu rất đáng tự hào, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành nghiên cứu văn học nước nhà.
Về nghiên cứu văn học, ngay trong năm đầu tiên thành lập, Viện Văn học đã được giao trọng trách dịch và xuất bản Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản dịch Nhật ký trong tù đã được thực hiện một cách gần như hoàn hảo với sự đóng góp miệt mài của những nhà Hán học uyên thâm, được xuất bản nhiều chục vạn bản để giới thiệu rộng rãi với bạn đọc trong và ngoài nước về bức chân dung tinh thần tự họa của lãnh tụ Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới. Cùng thời điểm đó, Tạp chí Nghiên cứu văn học ra đời và nhanh chóng khẳng định tầm vóc của một tạp chí hàng đầu. Tạp chí không chỉ là cơ quan ngôn luận của Viện mà còn là diễn đàn khoa học của giới nghiên cứu văn học Việt Nam. Sự phát triển của Viện từ ngày thành lập đến nay luôn gắn liền với sự lớn mạnh của Tạp chí Nghiên cứu văn học.
Cùng với việc mở rộng quy mô và định hướng nghiên cứu, cơ cấu tổ chức của Viện cũng có sự điều chỉnh thích hợp. Đến nay, Viện có 12 phòng ban, trong đó có 8 phòng chuyên môn, hai phòng chức năng cùng Thư viện và Tạp chí Nghiên cứu văn học. Thư viện Viện Văn học được coi là một trong những thư viện chuyên ngành lớn nước nhất hiện nay, trong đó, có nhiều tư liệu đặc biệt quý hiếm. Cả hai bộ phận nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu luôn gắn kết, hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả trong thời chiến cũng như thời bình. Đây là một nguyên nhân quan trọng để tạo nên những bước phát triển đáng tự hào của Viện. Tính đến nay, đội ngũ nghiên cứu Viện Văn học đã cho xuất bản hàng trăm ấn phẩm khoa học có chất lượng học thuật cao, hàng nghìn bài báo được dư luận quan tâm chú ý. Viện Văn học cũng là nguồn cung cấp, chia sẻ cán bộ để thành lập, bổ sung cho các trung tâm nghiên cứu khoa học mới như Viện Ngôn ngữ học, Viện Hán Nôm, Viện Văn hóa...và nhiều đơn vị khoa học khác trong cả nước.
Trong thời kỳ đầu, nhiệm vụ trọng tâm của Viện đã được ghi rõ trong Quyết định số 038 – TTg ngày 6 – 2 – 1960: “căn cứ vào đường lối văn học của Đảng và Chính phủ, tiến hành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ trong và ngoài nước, nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, góp phần vào cuộc đấu tranh cho hòa bình và chủ nghĩa xã hội trên thế giới”.
Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược trên, Viện Văn học đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vừa nghiên cứu di sản văn học dân tộc và nhân loại, tiếp thu những thành quả lý luận thế giới, chủ yếu là của Liên Xô và Trung Quốc, vừa trực tiếp tham dự vào đời sống văn học, kịp thời đấu tranh tư tưởng, bảo vệ tư tưởng mỹ học Mác Lê nin và biểu dương những thành tựu mới của văn học cách mạng. Bắt đầu từ những năm cuối 70 cho đến giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, cùng với việc mở rộng quy mô nghiên cứu, những tư tưởng học thuật mới của nhân loại đã được chú ý. Giai đoạn này, Viện Văn học, một mặt, bám sát thực tiễn văn học trong nước, kịp thời phê phán những tàn dư độc hại của văn học đô thị miền Nam thời tạm chiếm, mặt khác, tiến hành giới thiệu những trường phái khoa học mới như thi pháp học, ký hiệu học,mỹ học tiếp nhận... Đây là tiền đề hết sức quan trọng để bắt đầu hình thành những hướng khoa học chuyên sâu sau đó với sự đóng góp của các chuyên gia: Hoàng Trinh về thi pháp học và ký hiệu học, Trương Đăng Dung về mỹ học tiếp nhận, Nguyễn Trung Đức dịch và giới thiệu văn học Mỹ Latin...
Kể từ khi Đảng ta chủ trương đổi mới đất nước, Viện Văn học đã nhiệt tình tham gia và trở thành một trong những trung tâm đổi mới văn học thông qua hàng loạt các hội thảo khoa học, các cuộc tạo đàm văn học trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, về số phận của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, về tiếp thu những nguồn tri thức khoa học mới, về việc đánh giá các di sản văn học quá khứ, đặc biệt là Thơ mới và Tự lực văn đoàn...Đây cũng là thời kỳ Viện Văn học nói riêng và giới nghiên cứu văn học nói chung chú ý coi trọng bản chất thẩm mỹ và bản chất nhân học của văn học nhưng vẫn không quên mối quan hệ khăng khít giữa văn học và đời sống.
Từ giữa thập kỷ 90 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Viện Văn học vẫn kiên trì hướng nghiên cứu khoa học cơ bản, đồng thời gắn nghiên cứu cơ bản với thực tiễn văn học, tiếp tục mở rộng liên kết và hợp tác với các trường Đại học, các trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước. Theo đó, chức năng phê bình văn học được chú trọng nhằm tạo nên sự hô ứng, gắn kết giữa nghiên cứu chuyên sâu và thực tiễn văn học sôi động.
Có thể nói, qua 6 thập kỷ xây dựng, phát triển và đổi mới, tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, từ văn học dân gian, văn học cổ trung đại đến văn học hiện đại, từ nghiên cứu văn học trong nước đến văn học nước ngoài, từ nghiên cứu văn học của người Kinh đến văn học các dân tộc thiểu số, từ lý luận đến phê bình văn học, Viện Văn học đã đem đến cho nền nghiên cứu văn học Việt Nam nhiều công trình xuất sắc, trong đó đáng chú ý là bản dịch Nhật ký trong tù (1960); Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù( 1983), Thơ văn Lý - Trần (tập I - 1977; tập II- 1989; tập III- 1978; tập 2 quyển II sắp xuất bản), Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học (1999), Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX (2002), Lý luận và phê bình văn học - đổi mới và phát triển (2005), Lý luận phê bình văn học thế giới (2 tập -2007), ..cùng nhiều bộ Từ điển về văn học dân gian và văn học hiện đại. Nhiều công trình, dự án được triển khai và đã được nghiệm thu như Dự án tổng điều tra văn học 10 thế kỷ, chương trình nghiên cứu Văn học Việt Nam 25 năm đổi mới và phát triển, các bộ sưu tập về Tự lực văn đoàn, Phóng sự Việt Nam 1932 – 1945, Tao Đàn, Tri tân, Tạp chí Văn - Sử- Địa, Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX... Trong những năm chuyển giao hai thế kỷ, Viện Văn học đã kịp thời xuất bản những công trình mang tính tổng kết một thế kỷ văn học, đồng thời phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản gần 50 công trình nghiên cứu, tập hợp nghiên cứu về tác gia tác phẩm được bạn đọc cả nước đánh giá cao. Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chuyên gia của Viện đã tham gia chủ trì một số công trình nghiên cứu trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Ý thức về bộ lịch sử văn học dân tộc vốn sớm được quan tâm ngay từ khi thành lập Viện với hai bộ Sơ thảo để tiếp nối bộSơ thảo lịch sử văn học gồm 5 tập của nhóm Văn Sử Địa, nhưng phải đến đầu thế kỷ XXI, Đề tài cấp Nhà nước Lịch sử văn học Việt Nam (từ thế kỷ X đến thế kỷ XX) mới được phê duyệt và đến nay đã được nghiệm thu cấp cơ sở. Việc chỉnh lý, nâng cao chất lượng công trình để xuất bản chắc chắn sẽ là công việc cần được tiếp tục trong tương lai.
Về liên kết nghiên cứu khoa học trong nước và hợp tác quốc tế
Để đạt được những thành tựu nghiên cứu khoa học quan trọng trên đây, Viện Văn học, một mặt, vừa phát huy sức mạnh và nỗ lực tự thân, mặt khác, luôn chú ý thúc đẩy quá trình hợp tác nghiên cứu. Với tư cách là Viên nghiên cứu thuộc Viện KHXH Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), Viện Văn học có đầy đủ cơ sở và điều kiện để trở thành trung tâm kết nối, phối hợp tổ chức nghiên cứu với các trường Đại học, các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước. Hoạt động hợp tác nghiên cứu, theo đó, cũng được mở rộng, dù không hẳn lúc nào cũng dễ dàng, thuận lợi, nhất là sau những thay đổi trên bản đồ chính trị thế giới diễn ra vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX.
Ở trong nước, hướng tới mục tiêu vì sự phát triển văn học dân tộc, Viện Văn học đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên rộng lớn, chất lượng. Nhiều nhà khoa học ở các cơ quan khác luôn coi Viện Văn học và Tạp chí Nghiên cứu văn học là ngôi nhà chung thân thiết, là địa chỉ tin cậy để công bố những kết quả nghiên cứu mới nhất, tâm huyết nhất của mình.
Sau hàng loạt hội thảo khoa học được tổ chức thời kỳ đầu đổi mới gây được sự chú ý, các hội thảo, tọa đàm khoa học về nhiều chủ đề khác nhau vẫn tiếp tục được tổ chức, trong đó, đáng chú ý là hai cuộc hội thảo toàn quốc về Lý luận và phê bình văn học vào năm 2004 và 2005.
Không chỉ quan tâm liên kết nghiên cứu với các trung tâm khoa học lớn trong nước, mối quan hệ giữa Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam luôn được các thế hệ Lãnh đạo Viện quan tâm bồi đắp. Trong quan niệm của Viện Văn học, sự kết hợp chặt chẽ giữa Viện Văn học và Hội Nhà văn thể hiện ý thức gắn nghiên cứu với thực tiễn sáng tác, đưa Viện Văn học trở thành trung tâm học thuật song hành với sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại và đương đại.
Bên cạnh việc tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học trong nước, quan hệ hợp tác, trao đổi khoa học quốc tế cũng được chú ý ngay từ ngày thành lập Viện. Nếu như trong giai đoạn đầu, hợp tác quốc tế chủ yếu gắn liền với Liên Xô, Trung Quốc và phe xã hội chủ nghĩa thì trong bối cảnh lịch sử mới, Viện Văn học vừa cố gắng giữ mối liên hệ với các Viện Hàn lâm truyền thống như Nga, Trung Quốc, Hung gary, Ba Lan,... vừa cố gắng mở rộng hợp tác nghiên cứu với nhiều quốc gia khác. Theo đó, nhiều Hội thảo khoa học quốc tế đã được tổ chức, trong đó đáng chú ý là Hội thảo khoa học quốc tế về Vũ Trọng Phụng năm 2002, Hội thảo liên kết với Harvard – Yenching năm 2006 và năm 2010, Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày mất Lev Tolstoi...
Tiếp tục những thành quả nghiên cứu đã đạt được, hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm của Viện là vẫn cố gắng duy trì phẩm tính hàn lâm của các công trình khoa học, nghiên cứu văn học quá khứ song song với nghiên cứu thực tiễn văn học đương đại, tiến hành tổng kết các giai đoạn văn học, tiếp tục đề xuất các giải pháp khoa học nhằm đẩy mạnh sự nghiệp nghiên cứu văn học nói riêng, sự phát triển văn học dân tộc nói chung trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Về đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao
Hoạt động đào tạo sau Đại học của Viện được bắt đầu từ 1978 và trước khi chuyển giao công tác đào tạo về Học viện Khoa học xã hội, Viện Văn học là một cơ sở đào tạo có uy tín, thu hút được nhiều nghiên cứu sinh từ mọi miền đất nước. Có thời điểm, lượng nghiên cứu sinh lên đến hơn 70 người. Tính đến nay, đã có hơn 120 nghiên cứu sinh được bảo vệ tại cơ sở đào tạo Viện Văn học. Từ 2010 đến nay, khi nhiệm vụ đào tạo được chuyển sang Học viện, đội ngũ cán bộ Viện Văn học vẫn là nòng cốt của Khoa Văn học, góp phần quan trọng vào chiến lược đào tạo Sau Đại học của Học viện. Song song với đào tạo trường quy, Viện Văn học hết sức coi trọng hình thức tự đào tạo, đào tạo tại chỗ, tổ chức các buổi thuyết trình khoa học, các semina trong nhiều phạm vi khác nhau về các phạm trù học thuật khác nhau. Nhờ thế, nhiều nhà khoa học trẻ của Viện hiện nay đã trưởng thành nhanh chóng vì được thừa hưởng môi trường dân chủ và không khí học thuật sôi nổi của Viện.
Coi sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo như là một hướng chiến chiến lược phát triển quan trọng, trong nhiều năm qua, Viện Văn học đã tiến hành liên kết với nhiều cơ sở đào tạo trong cả nước, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiều trường đại học như Đại học Thái Nguyên, Đại học Vinh, Đại học Huế, Đại học sư phạm Hà Nội 2...Nhiều nhà khoa học của Viện hiện là giảng viên kiêm nhiệm, thỉnh giảng cho nhiều trường Đại học trong cả nước. Chất lượng, uy tín về đào tạo cũng là một thành tựu để khẳng định vai trò to lớn của Viện Văn học trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp nghiên cứu văn học của nước nhà.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị
Song song với phát triển về đội ngũ, tổ chức, chất lượng nghiên cứu khoa học, công tác đào tạo và thông tin thư viện, cơ sở vật chất của Viện cũng từng bước nâng cấp. Đến nay, trụ sở Viện Văn học là một trụ sở khang trang, điều kiện nghiên cứu tuy chưa thật hiện đại và đồng bộ, nhưng về cơ bản, bước đầu đáp ứng tốt công tác phục vụ nghiên cứu khoa học của Viện. Đội ngũ cán bộ ở các phòng ban chức năng và thư viện luôn tận tâm với công việc, góp phần xứng đáng vào thành tựu chung của Viện trong suốt sáu thập kỷ qua.
Một lịch sử 60 năm, so với lịch sử văn học giàu có, phong phú của dân tộc là một khoảng thời gian chưa dài. Nhưng đó là 60 đầy ý nghĩa. 60 năm cố gắng vượt bậc để trưởng thành và đổi mới. 60 năm hợp tác vì mục tiêu phồn vinh nền văn học nước nhà. 60 năm đầy tình nghĩa và nhân văn. Những thành tựu to lớn trên đây của toàn thể cán bộ Viện Văn học trong suốt 60 năm qua đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng những danh hiệu cao quý:
- Huân chương Độc lập Hạng Nhất cho Viện Văn học năm 1999
- Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba cho Viện Văn học
- Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba cho Tạp chí Nghiên cứu văn học
Ngoài các danh hiệu tập thể, nhiều nhà khoa học xuất sắc của Viện Văn học cũng được tôn vinh xứng đáng, trong đó có 7 nhà nghiên cứu đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, và khoa học công nghệ là: Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Cao Xuân Huy, Hồ Tôn Trinh, Cao Huy Đỉnh, Hoài Thanh, Hà Minh Đức; 5 nhà khoa học được trao Giải thưởng Nhà nước là: Hoàng Trung Thông, Hà Minh Đức, Phong Lê, Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Văn Truy ( Thành Duy). GS Hồ Tôn Trinh được công nhận là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Hungary. Nhà nước Hunggary cũng trao Huân chương chữ thập vàng cho nhà lý luận Trương Đăng Dung vì những cống hiến của ông trong việc bồi đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc trong lĩnh vực dịch thuật và nghiên cứu.
Nhìn lại 60 năm Viện Văn học, thật khó có thể kể hết sự vất vả và nỗ lực lao động của từng cá nhân, từng phòng ban nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu, từng thế hệ cũng như đóng góp của những người tự nguyện gắn bó trọn đời mình với ngôi nhà 20 Lý Thái Tổ hay chỉ công tác tại Viện một thời gian rồi thuyên chuyển đến những vùng đất mới. Tất cả họ, bằng những phương cách khác nhau, tùy thuộc vào những hoàn cảnh khác nhau, đều chung sức làm nên lịch sử đáng tự hào của Viện. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Văn học, thay mặt toàn thể cán bộ cơ quan, Lãnh đạo Viện Văn học xin trân trọng cám ơn Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ, Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành...đã quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để Viện Văn học liên tục phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong dịp tri ân những đóng góp to lớn của các nhà khoa học, của những cán bộ đã và đang công tác tại Viện Văn học, chúng tôi đặc biệt cám ơn các Viện trưởng tiền nhiệm, những người đã từng gắn bó, giành nhiều công sức và tâm huyết đối với sự phát triển, đổi mới của Viện: GS Đặng Thai Mai, Nhà thơ Hoàng Trung Thông, GS Hồ Tôn Trinh, GS Phong Lê, GS Hà Minh Đức, PGS.TS Phan Trọng Thưởng. Mỗi một thời kỳ, tùy thuộc vào hoàn cảnh khác nhau, các đồng chí Viện trưởng đã cùng tập thể chi ủy và chi bộ, cùng ban Lãnh đạo Viện, Hội đồng khoa học và toàn thể cán bộ công nhân viên đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đưa Viện Văn học và tạp chí Nghiên cứu văn học trở thành trung tâm khoa học và diễn đàn khoa học đầu ngành, được giới nghiên cứu đánh giá cao về uy tín, trình độ tổ chức và khả năng định hướng những vấn đề học thuật mang tầm quốc gia. Hiện nay, trước những cơ hội mới và thách thức mới, đặc biệt là sự thiếu hụt đội ngũ chuyên gia và đời sống văn học đang bị thu hẹp thị phần trước áp lực của đời sống kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, nhưng từ những thành tựu và kinh nghiệm đã có, Viện Văn học vững tin hướng tới tương lai bằng tất cả niềm say mê sáng tạo, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với vị thế của một trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước.