SỬ THI OTNDRONG CẤU TRÚC VĂN BẢN VÀ DIỄN XƯỚNG
(Chuyên khảo của Nguyễn Việt Hùng. Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2013, 408 trang)
Nguyễn Huy Bỉnh
Sử thi Mơ Nông – Ot ndrong đến nay vẫn còn là một “mảnh đất màu mỡ” hấp dẫn các nhà nghiên cứu, bởi với trữ lượng lớn và chứa đựng chiều sâu nội hàm văn hóa tộc người, sử thi – ot ndrong đã thực sự trở thành đối tượng cho các đề tài nghiên cứu có thể khai thác và tìm hiểu ở nhiều góc độ khác nhau. Trong thực tiễn, việc nghiên cứu về ot ndrong của người Mơ Nông đã được các nhà khoa học đề cập đến trên một số bình diện, có tác giả phân loại sử thi ot ndrong, nghiên cứu nội dung và nghệ thuật sử thi ot ndrong, nghiên cứu về nghệ nhân và môi trường diễn xướng của sử thi ot ndrong… Có thể nói, ở một số phương diện cơ bản của sử thi ot ndrong đã được đề cập đến ở các cấp độ và quy mô khác nhau trong cả bề rộng lẫn chiều sâu của nó. Trong số đó, việc đặt vấn đề tìm hiểu sử thi - ot ndrong từ góc độ cấu trúc văn bản và không gian diễn xướng một cách hệ thống đến đã được tác giả Nguyễn Việt Hùng đề cập đến trong chuyên luận Sử thi Otndrong cấu trúc văn bản và diễn xướng.
Về cấu trúc tổng thể, sách Sử thi Otndrong cấu trúc văn bản và diễn xướng được chia ba chương. Chương 1: Tổng quan về sử thi Ot ndrong và lí thuyết công thức truyền miệng; chương 2: Công thức truyền miệng sử thi Mơ Nông với việc thể hiện nội dung tư tưởng thẩm mỹ thể loại; chương 3: Vai trò của công thức truyền miệng đối với việc diễn xướng và quá trình văn bản hóa sử thi Ot ndrong.
Trong chương viết thứ nhất, tác giả đã trình bày khái quát về tộc người Mơ Nông, về đời sống vật chất và tinh thần, về giá trị folklore của họ, đặc biệt là tác giả đã trình bày về ot ndrong trong vùng sử thi Tây Nguyên qua việc làm rõ diện mạo và đặc trưng của sử thi này. Tác giả cũng đã đề cập đến một cách tổng quan về việc sưu tầm, nghiên cứu ot ndrong, chỉ ra những đóng góp của các nhà khoa học đi trước trên nhiều phương diện, bao gồm việc phát hiện, sưu tầm và tìm hiểu, khám phá sử thi của người Mơ Nông; đặt vấn đề ứng dụng lý công thức truyền miệng trong nghiên cứu ot ndrong và vận dụng nó một cách hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện đề tài.
Ở chương hai, tác giả đã đề cập đến công thức truyền miệng của sử Mơ Nông với việc thể hiện nội dung tư tưởng thẩm mỹ của thể loại. Ở đó, tác giả đã tiến hành khảo sát các công thức truyền miệng trong ot ndrong, phân chia công thức truyền miệng làm ba nhóm: công thức kể chuyện, công thức miêu tả và công thức đối thoại. Cách phân loại như vậy đã chỉ rõ được hiện trạng và đặc tính của sử thi ot ndrong, cung cấp cái nhìn vừa cụ thể vừa khái quát đối với hiện tượng văn hóa độc đáo của tộc người này. Ngoài ra, tác giả cũng đã đề cập trực diện đến cấu trúc tự sự sử thi Mơ Nông qua việc chỉ ra các mô hình cấu trúc và vai trò của công thức truyền miệng trong việc cấu tạo tác phẩm. Kết quả của nó đã cho thấy một cách nhìn nhận nhất quát của cuốn sách này, đó là việc triển khai vấn đề nhằm làm rõ mối quan hệ của sử thi - ot ndrong với đời sống văn hóa tộc người.
Ở chương viết này, tác giả cũng đã làm rõ được vấn đề nội dung, tư tưởng thẩm mỹ của ot ndrong, nêu lên được cơ sở xã hội – lịch sử của sự hình thành nội dung thẩm mỹ của công thức truyền miệng. Theo tác giả, chính đời sống, văn hóa, ngôn ngữ của tộc người là tiền đề để trở thành công thức của sử thi; qua đó sử thi - ot ndrong đã miêu tả nhân vật Tiăng anh hùng trong bon Tiăng anh hùng; miêu tả bon Tiăng giàu có, sung túc, tràn ngập lễ hội, phong tục dân gian; thể hiện cảm thức về thời gian, không gian, quan niệm nghệ thuật; thể hiện trình độ tư duy nghệ thuật của người Mơ Nông. Ở chương này tác giả đã đề cập đến vấn đề bản chất nhất của sử thi của người Mơ Nông, trình bày và diễn giải các vấn đề công thức truyền miệng, từ đó chỉ ra được vai trò của công thức đối với sử thi và chỉ ra được vai trò của đời sống văn hóa người Mơ Nông trong việc hình thành các công thức truyền miệng của sử thi – ot ndrong.
Ở chương viết thứ ba, tác giả đề cập đến vai trò của công thức truyền miệng với việc diễn xướng và quá trình văn bản hóa sử thi – ot ndrong. Tác giả diễn giải quan điểm ngôn ngữ học của R.Jakobson, quan điểm của trường phái kí hiệu học, quan điểm của các nhà nghiên cứu folklore Âu – Mỹ, đặc biệt là căn cứ vào thực trạng lưu truyền sử thi – ot ndrong và đã chỉ ra rằng, sự diễn xướng của sử thi được xem như sự tái thiết lập một chuỗi sự kiện quan trọng để hình thành và tập hợp kinh nghiệm của cộng đồng. Đặc biệt, sự tái thiết lập câu chuyện sử thi là một sự tái hoạt động, tái sáng tạo quá khứ sử thi tại thời gian và không gian của các cuộc trình diễn và được chia sẻ bởi khán giả và người trình diễn.
Đối với diễn xướng sử thi - ot ndrong, tác giả đề cập đến tài năng của các nghệ nhân, việc sáng tạo các hình thức diễn xướng và vai trò của các nghi lễ, lễ hội dân gian. Ở đó, các nghệ nhân – trí thức bản tộc khi hát, kể thực hành tín ngưỡng, ma thuật thì họ thuộc về những người trung gian giữa thần và người, họ mang ý niệm của thần linh đến với con người và mang khát vọng của con người đến với thần linh; nhưng khi hát, kể sử thi ngoài môi trường tín ngưỡng tâm linh thì họ thực sự trở thành những người nghệ sĩ của cộng đồng. Có thể nói, nếu mục đích của buổi diễn xướng mang tính công hiệu, thì đó là diễn xướng nghi lễ; còn nếu mục đích mang tính chất giải trí thì đó là sân khấu. Về không gian, các nghệ nhân có thể diễn xướng trong ngôi nhà trệt, nhà dài, ở nơi làm lụng trên rừng, trên rẫy…; về thời gian, họ diễn xướng ot ndrong hết sức tự do, mặc dù có những hình thức diễn xướng phụ thuộc vào lịch tiết nông nghiệp, nhưng nếu liên quan đến nghi lễ vòng đời con người, hoặc sự việc bình thường xảy ra trong cuộc sống thì thời gian diễn xướng sử thi – ot ndrong không cố định. Điều đó cho thấy tính chất linh hoạt, uyển chuyển trong quá trình diễn xướng sử thi ot – ndrong. Bên cạnh đó, tác giả đã tổng quan và lý giải được vai trò của công thức truyền miệng với quá trình văn bản hóa sử thi – ot ndrong. Chính các công thức truyền miệng vốn được lưu truyền phổ biến trong đời sống dân gian đã đảm bảo cho quá trình tồn tại, phát triển của sử thi – ot ndrong. Nó là cơ sở để các nghệ nhân có thể sáng tạo, tái sáng tạo, gìn giữ và trình diễn được những pho sử thi đồ sộ của tộc người.
Nhìn chung, cuốn sách Sử thi Otndrong cấu trúc văn bản và diễn xướng của tác giả Nguyễn Việt Hùng đã góp phần làm rõ diện mạo, đặc tính, diễn xướng và cấu trúc của sử thi Mơ Nông; chỉ ra được vai trò của từng công thức truyền miệng trong quá trình hình thành và diễn xướng ot ndrong, ở đó mỗi công thức mang một nghĩa trọn vẹn, nó góp phần lưu giữ đời sống văn hóa, lịch sử, nghi lễ, phong tục của đồng bào Mơ Nông. Tác giả trong quá trình thực hiện công trình này đã đưa ra được các luận điểm khoa học có giá trị và minh định các luận điểm ấy một cách khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng nên nó có tính thuyết phục. Có thể nói, cuốn sách Sử thi Otndrong cấu trúc văn bản và diễn xướng đã đóng góp một cách nhìn nhận, khám phá mới đối với sử thi – ot ndrong của tộc người Mơ Nông nói riêng và sử thi Tây Nguyên nói chung.