CẤU TRÚC TỰ SỰ KAFKA BÊN BỜ BIỂN
THEO CÁCH NHÌN PHÂN TÂM HỌC
Lê Nguyên Cẩn(*
S Freud với lí thuyết phân tâm học mà ông đề xướng, trở thành người có nhiều ảnh hưởng vào loại bậc nhất đối với châu Âu nói riêng và với thế giới nói chung, đặc biệt là với những tác gia tác phẩm văn học lớn của thế kỉ XX. “Đây là một người mà tên tuổi mãi mãi đứng cùng hàng với những tên tuổi như Darwin, Copernic, Newton, Marx và Einstein; một người đã thật sự làm biến đổi cách thức chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống và của xã hội con người”(1). Cuốn tiểu thuyết Kafka bên bờ biển của H. Mukarami(2), từ góc độ cấu trúc tự sự và kết cấu nhân vật, với những đặc điểm rất riêng có thể được soi sáng bằng lý thuyết phân tâm học.
Toàn bộ tiểu thuyết được chia thành 49 chương, được đánh số từ 1 đến 49, và một chương mở đầu được đặt tên là: Cái thằng tên là Quạ và sau chương 46, cũng lại xuất hiện một chương có tên như vậy nhưng không đánh số. Như vậy, tổng hợp lại, ta có 51 chương trọn vẹn với hai mạch kể rõ ràng. Trước hết là câu chuyện về cái tôi - bản ngã của Kafka. Từ góc độ phân tâm học, nhân vật Kafka hiện ra trong một trạng thái không bình thường, trạng thái nhiễu tâm ám ảnh do phải chịu tác động nhiều chiều mà trước hết là xuất phát từ hoàn cảnh gia đình riêng tư của chú. Sở dĩ phải nhấn mạnh tới khía cạnh đặc biệt này của nhân vật Kafka là vì đây là kiểu nhân vật khác thường, nhân vật của thời đại mà chúng ta đang sống. Ở nhân vật này, không giống như nhân vật trong tiểu thuyết cổ điển thường là những con người nghèo khổ, túng thiếu về mặt vật chất, lam lũ trong cuộc sống cơm áo gạo tiền, Kafka chẳng thiếu gì cả. Điều mà Kafka thiếu là thiếu tình cảm của những người thân, thiếu đi sự chia sẽ cảm thông trong cuộc sống tinh thần khi chú đang còn sống trong gia đình. Kèm theo đó là lời nguyền độc địa của người bố, tạo ra một ẩn ức thường xuyên trong tâm hồn trẻ thơ này và được kết hợp trong hoàn cảnh độ tuổi dậy thì đang có những đòi hỏi riêng của nó, những phát triển về mặt tâm sinh lí không được động viên cổ vũ, khuyến khích hay định hướng, đã tác động vào chú bé, khiến chú rơi vào tình trạng gần như bệnh hoạn như đã miêu tả ở trên.
Mạch truyện thứ hai trong cấu trúc tác phẩm được ghi dấu bằng các số chẵn, liên quan tới một nhân vật đặc biệt, đó là ông già Nakata. Đặc biệt bởi ông bị coi là người khuyết tật, không phải khuyết tật về hình thể mà khuyết tật về trí tuệ và luôn luôn tự nhận mình không phải kẻ thông minh sáng láng gì cho lắm. Nhân vật này, trước hết là nạn nhân của vụ hôn mê tập thể tại đồi Bát Cơm ngày 7 tháng mười một năm 1944. Nơi đó, vào ngày ấy, vào lúc hơn mười giờ sáng, khi cô giáo Setsuko Okamochi, dẫn 16 học sinh cả nam lẫn nữ đi tham quan dã ngoại, đều đã nhìn thấy “một vệt sáng bạc ở tít trên trời. Một ánh bạc chói ngời. Đúng thế, đó rành là ánh sáng phản chiếu trên một vật bằng kim loại. Ánh sáng ấy chuyển động rất chậm trên trời từ Đông sang Tây. Chúng tôi đều nghĩ rằng đó là một chiếc B-29”(2). Kết quả Nakata đã mất hoàn toàn khả năng về trí nhớ, từ chỗ là một học sinh giỏi đến chỗ thành kẻ đần độn, chỉ còn một khả năng duy nhất là hiểu được tiếng mèo và nói được tiếng mèo, nghĩa là chỉ có một vốn từ vựng ít ỏi mà các khảo nghiệm về khả năng hiểu ngôn ngữ con người của các loài vật đã minh chứng.
Kỹ thuật kể chuyện nổi bật lên hàng đầu trong tác phẩm này chắc chắn chịu ảnh hưởng nghệ thuật kể chuyện của điện ảnh, thể hiện qua hình thức các cảnh quay liên tiếp được đan cài xen kẽ, luân phiên, tuần tự của các trường đoạn từ hai mạch kể. Ta có thể coi các chương là các trường đoạn của một bộ phim và như vậy toàn bộ tác phẩm với 51 chương sẽ là 51 trường đoạn luân phiên đan xen vào nhau, hiển nhiên trong các chương nếu phân tích riêng rẽ thì có thể phân chia nhỏ hơn nữa. Cách tổ chức các cảnh luân phiên như vậy, tạo ra sự che dấu nhân vật, nhân vật hiện ra rồi lại biến mất để rồi lại hiện ra và lại biến mất… cho tới cảnh quay cuối cùng, như thể nhân vật được đặt trong một đường hầm mà các khoảng lộ sáng - tối cứ tuần tự theo nhau hiện ra, tạo ra một trò chơi ú tim, đuổi bắt, khiến độc giả luôn phải trong trạng thái đồng tâm suy nghĩ và cũng cho phép độc giả, nếu họ muốn, đọc theo lối cách quãng, đọc lần lượt các chương đánh số lẻ về Kafka rồi đọc các chương đánh số chẵn nói về Nakata, để sau đó lồng chúng lại với nhau cũng được.
Sự khác biệt về cách thể hiện nhân vật trong chiều thời gian qui định cách kể: ở tuyến 1, nhân vật tự kể về mình, liên quan tới hình thức phân thân – Kafka và nhân vật mang tên Quạ - gắn với những độc thoại nội tâm, phản ánh sự hoang mang, lo lắng gắn liền với những sợ hãi mang đặc thù của “mặc cảm Oedipe” trong chú bé này. Ở tuyến 2, câu chuyện về các nhân vật được tái hiện qua nhiểu điểm nhìn khác nhau, mà điểm nhìn được xác lập từ các góc độ: góc độ đánh giá bình xét, liên quan tới lập trường của nhân vật người kể chuyện và lập trường của các nhân vật, sự thống nhất hay không thống nhất trong quan điểm bình xét đánh giá ấy; góc độ không-thời gian, liên quan tới các sự kiện được mô tả hay liên quan tới nhân vật trong quan hệ bình giải hoặc với chính tác giả-nhân vật người kể chuyện được đặt trong bối cảnh không gian thời gian nào; góc độ cảm nhận các biến cố, liên quan tới cảm nhận chủ quan dựa trên sự cảm nhận của một nhân vật nào đó, hoặc của chính độc giả và liên quan tới các sự kiện mà tác giả cho độc giả biết, và sự cảm nhận này mang tính khách quan, chí ít là những thông báo mà tác giả cung cấp.
Cách thức kể chuyện trong tác phẩm này, do đó, cũng là sự kết hợp giữa hai cách kể: cách kể từ bên trong, từ xuất phát điểm là thế giới nội tâm, là dòng tâm tư của bản thân nhân vật; và kể từ bên ngoài, dựa trên bối cảnh lịch sử, những sự kiện có thật đã xảy ra… kết nối lại để tôn tạo cho chân dung nhân vật được kể. Như vậy ở đây có hai trình tự kể liên quan tới nội dung của hai tuyến truyện và vì thế ngôi kể cũng được phân định rất rõ. Ở tuyến thứ nhất, ngôi kể là ngôi thứ nhất số ít, còn ở tuyến truyện thứ hai ngôi kể là ngôi thứ ba số ít, liên quan tới điểm nhìn trần thuật của nhân vật người kể chuyện, đồng thời cũng có cả việc sử dụng cả ngôi thứ nhất khi một nhân vật nào đó tự kể về mình.
Nhưng cả 51 trường đoạn này đều qui tụ hay xoay quanh một trung tâm thực hiện chức năng phóng chiếu, như là tâm điểm của toàn bộ câu chuyện, như là huyền thoại về một ẩn ức để sau đó ẩn ức này được mở rộng hay trải dài ra theo các chiều khác nhau, tạo thành các trường đoạn khác và gắn kết chúng lại theo một lôgíc nhất định. Đó là chương 23, với tiêu điểm - điểm hội tụ các môtip cội nguồn của cuốn tiểu thuyết là bài hát mang tên Kafka bên bờ biển, bài hát mà bà Saeki đã sáng tác và được phổ nhạc, được ghi lại thành đĩa hát (tr.259). Trong bài hát này chứa đựng những môtip cơ bản liên quan tới việc triển khai nội dung cốt truyện, liên quan tới kết cấu và tổ chức kết cấu các phiến đoạn. Trước hết đây là câu chuyện tình yêu, có thể nói là tình yêu thuở học trò, vừa đẹp vừa lãng mạn nhưng không phù hợp, thể hiện qua vị thế ngồi của hai nhân vật: một bên là ven rìa thế giới, một bên là bên miệng núi lửa đã tắt, nghĩa là bị đặt vào một cái ngưỡng mà ở đó có “phiến đá cửa vào” mà người con gái chủ động kiếm tìm và mở ra. Một tình yêu phá ngưỡng với trái tim ta khép kín mà kèm theo nó là những hồi hộp, lo âu thậm chí sợ hãi, để dẫn tới các trạng thái tâm thần như đã nói ở trên. Hình ảnh con thằn lằn đang ngủ dưới trăng cho thấy biểu hiện của sự trầm ngâm suy tư, của những dằn vặt trong cảm thức của tuổi dậy thì. Câu chuyện tình yêu này sẽ là cốt lõi cho toàn bộ câu chuyện được kể trong tiểu thuyết này, nhưng không phải được tái hiện lại toàn bộ, đầy đủ các bước yêu đương, hay những lần gặp gỡ mà chỉ hiện ra dưới góc độ những hậu quả mà mối tình đầu đó để lại dấu ấn, hiện hình qua lối sống khép kín của bà Saeki, qua nhân vật Oshima - luyến ái đồng giới - cộng tác cùng bà; qua cuộc gặp, rất có thể, giữa bà và nhà điêu khắc Koichi Tamura và ở một hình thức nào đó với Nakata. Câu chuyện tình yêu này sẽ tạo ra các mắt xích liên quan tới “mặc cảm Oedipe” gắn liền và lần lượt được giải quyết hoặc trong mơ hoặc trong hiện thực mang tính ảo hóa với Kafka qua các chương 9, 23-33, 39 hoặc được đan cài trong các chương 11-19 và 40.
Bài hát này liên quan tới bức tranh cũng mang tên Kafka bên bờ biển, ở đó có “một cậu thiếu niên đang nhìn ra xa, cặp mắt chất chứa một chiều sâu bí ẩn. Ở một góc trời, lơ lửng bài đám mây, đám lớn nhất nom từa tựa như một con Nhân Sư nằm” (tr.261), ở đó bà Saeki cũng cảm nhận: “Tôi có cảm giác như đã biết bác hàng thế kỉ rồi,” Miss Saeki nói, “Không hiểu bác có ở trong bức tranh ấy không nhỉ? Một bóng người in trên nền biển, phải chăng là bác? Ông quần trắng xắn lên, lội xuống nước?” (tr.447). Như vậy, bài hát là sự tóm tắt nội dung của bức tranh, còn bức tranh là sự hiện thực hóa nội dung bài hát đó bằng ngôn ngữ hội họa, là sự kết hợp của hai hình thức tạo ấn tượng: nghe và nhìn, tạo ra chiều sâu ẩn ức của các nhân vật trong cuộc, bởi lẽ trong cuộc đời có nhiều sự kiện, biến cố mà người trong cuộc chỉ nhớ và thường xuyên nhớ tới những sự kiện biến cố nào thật sự ấn tượng hoặc tác động sâu sắc tới bản thân mình và sẵn sàng quên đi hay dồn chúng vào kho lưu trữ vô thức. Cũng chính vì thế mà bài hát và bức tranh thường xuất hiện kèm theo nhiều chi tiết khác, tạo ra một sự trùng lặp gây ấn tượng đặc biệt trong tiểu thuyết này. Ở đây cũng có thể nhận ra một dấu vết của các truyện cổ tích qua cổ mẫu người đẹp trong tranh hiện ra giúp chàng trai học trò chuyện cơm nước hàng ngày của nhiều dân tộc, để mở ra một tương lai mới, một cuộc đời mới. H. Murakami đã cho nhân vật của mình từ trong tranh bước ra, không phải để tiếp nối sự phát triển của hiện tại tiếp diễn mà để sống thực với quá khứ đã qua, sống với những hoài niệm của một thời đã vĩnh viễn lùi vào trong ký ức, trong tâm khảm, tạo ra kiểu nhân vật mảnh vỡ rất đặc trưng của chủ nghĩa hậu hiện đại mà ở trong tiểu thuyết này, các nhân vật như Kafka, Nakata, Saeki… đều là những dạng mảnh vỡ bị tách ra khỏi gia đình, từ tình yêu… với đặc trưng là đều cô đơn, đều không ý thức hết được ý nghĩa của sự tồn tại của bản thể, đều lạc lõng trong thế giới con người mất bóng hoàn toàn hoặc mất một nửa cái bóng của mình, và đều trong nỗ lực theo một cách nào đó để tìm lại cái bản ngã ấy.
Hành trình của nhân vật chính của hai tuyến truyện, tuyến 1 là Kafka và tuyến 2 là Nakata đều có điểm xuất phát chung là khởi đầu từ Tokyo và điểm đến cuối cùng là thành phố Shikoku, còn quá trình thực hiện chuyến đi thì có vẻ hơi khác nhau nhưng thực chất giống nhau, Kafka đi thẳng một mạch, còn Nakata phải chuyển xe ba lần. Cả hai đều có một nơi tập kết chung, đó là thư viện tưởng niệm Komura. Đối với Kafka, khi đến thư viện này cậu sẽ có được một giải pháp nào đó mà trực giác của cậu mách bảo cậu, còn đối với Nakata thì thư viện tưởng niệm Komura, sau khi đã tìm được phiến đá cửa vào và được phiến đá “mách bảo”, chính là nói lão đang cần tìm và kỳ lạ thay khi đến trước thư viện ấy thì lão lại đánh vần được cái tên của thư viện. Thư viện, xét về bản chất, là kho báu dự trữ những hiểu biết của chúng ta mà theo cách nhìn phân tâm học, liên quan đến các giấc mơ, nó tượng trưng cho những hiểu biết tinh thần, những tri thức sách vở, biểu trưng cho sự hiểu biết trong ý nghĩa là các kinh nghiệm sống đã được minh chứng và được ghi lại, những kinh nghiệm sống cần thiết cho mọi người, mọi thế hệ. Vì thế đến với thư viện, Kafka sẽ mở rộng và bổ sung được cái cậu còn thiếu, còn Nakata sẽ tìm thấy ở đây cái đã kết tinh liên quan tới cái cửa vào đã được mở, hiển nhiên là cái lão cần tìm có mối liên hệ ngầm ẩn với lời nguyền định mệnh, liên quan tới “mặc cảm Oedipe”, cho nên cách tìm của lão cũng rất đặc biệt, gắn với bản năng vô thức nhiều hơn: “Rồi, tựa như một con chó con, lão đi một vòng xung quanh phòng đọc, quan sát tỉ mỉ mọi thứ, sờ cái này, hít hít cái kia, thi thoảng dừng ở một điểm chọn lọc, quắc mắt nhìn trừng trừng” (tr.427).
Còn Kafka đã đi từ khám phá này tới khám phá khác, trước hết là bài hát Kafka bên bờ biển với hình ảnh bà Saeki lúc mười chín tuổi in trên bao đĩa hát, rồi sau đó là bức tranh Kafka bên bờ biển được treo trong căn phòng đặc biệt của thư viện và cũng rất đặc biệt là cậu lại được bố trí vào ở ngay trong căn phòng ấy, để rồi cô gái liên quan tới cậu bé trong tranh kia đêm đêm lại hiện về trong giấc ngủ chập chờn nửa mê nửa tỉnh, trong trạng thái mà cái vô thức thống ngự, của chính Kafka bằng xương bằng thịt. Bài hát là của Saeki, bức tranh cũng liên quan tới Saeki, còn cô gái mười lăm tuổi vĩnh viễn kia cũng chính là Saeki - một Saeki của quá khứ, một Saeki của vô thức, của cái phi ngã đã có dịp, có thời cơ để vượt thoát sau nhiều năm tháng nằm trong sự kiểm soát của chính bà Saeki. Sự có mặt của Kafka trong thư viện trở thành tác nhân kích thích khơi dậy mối tình đã chết trong tâm thức của bà Saeki, khi có thêm Kafka thì mọi việc lại khác, cái khác ở đây chính là “mặc cảm Oedipe”, tạo nên hình thức “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Cho nên Oshima đã từng nghe bài hát nhưng anh ta không cảm được tinh thần của bài hát thể hiện qua giai điệu âm thanh, qua vần điệu của lời và tình cảm của người thể hiện bài hát đó, anh ta cũng vô cảm trước bức tranh; còn Kafka thì hoàn toàn khác, Kafka thấy được mình hiện hữu trong bài hát, hiện hữu trong bức tranh, bài hát và bức tranh là một phần cuộc sống của cậu, liên quan tới máu thịt cơ thể cậu, như thể chúng được gá lắp trong gien di truyền của cậu. Vì thế, sau khi qua đời, bà Saeki đã để lại bức tranh cho Kafka: “Xét về căn nguyên, bức tranh đó là của cháu”. “Mặc cảm Oedipe” vốn đã có sẵn trong cậu, lại được kết hợp với cái vô thức thường trực vô biên trong bà Saeki sẽ tạo ra những chuỗi sự kiện sau này như đã nói ở các phần trên.
Chú bé Kafka, với “mặc cảm Oedipe” đeo đẳng từ những ngày thơ ấu, cũng đồng nghĩa với việc chú đã chạm tay vào phiến đá cửa vào, đã phần nào mở được nó, đã sống một lần trong khoảng thời gian chưa phải là dài qua các biểu hiện sống khép kín ở nhà, sống khép kín ở trường, không có bạn bè thân thích, không có ai quan tâm tới cậu, cậu sống như trong trạng thái bản năng ngay giữa thời đại computer. “Mặc cảm Oedipe” trong tác phẩm này ngoài ý nghĩ thường trực trong đầu chú bé, còn là phiến đá cửa vào, phiến đá hình tròn gợi mở tất cả những vùng khêu gợi khoái cảm mang hình dáng dạng tròn trên cơ thể người phụ nữ mà một khi đã sao chép, chụp lại… những vùng khoái cảm hình tròn ấy thì đêm mơ ngày mộng, thì sự kích thích phát triển tính dục cũng sẽ là chuyện đương nhiên và những bài học trên phim ảnh sẽ được thực hành trong cuộc sống dưới đủ mọi hình thức từ thủ dâm cho tới loạn dâm, từ bạo dâm cho tới khổ dâm của tuổi dậy thì.
Để giải quyết trường hợp của chú bé Kafka, Haruki Murakami đã tạo ra giải pháp thứ nhất là đưa chú lên rừng, nơi thể hiện tất cả sự mạnh mẽ của sự sống, vừa mang lại lo âu vừa tạo ra sự bình tâm thanh thản, vừa bị ức chế vừa yêu thương. Rừng trong tiếng Bồ Đào Nha là Madeira có nguồn gốc từ materia mà trong materia có căn từ là mater - nghĩa là mẹ, do đó, trở về rừng có thể hiểu là trở về với mẹ, trở về với yêu thương của tình mẫu tử. Giải pháp thứ hai là đưa chú về với biển, trong tiếng Pháp biển là mer đồng âm với từ mẹ là mère, và đó cũng là một phần của ý nghĩa của bức tranh Kafka bên bờ biển và việc được giữ lại bức tranh ấy sau khi bà Saeki mất. Như vậy, có thể thấy rằng mối quan hệ tình cảm giữa mẹ và con là hết sức quan trọng, người mẹ tạo ra ở đứa con của mình tình cảm và kèm theo đó là sự hình thành nhân cách của trẻ. Vì thế câu cuối cùng của tác phẩm khẳng định khi Kafka ra khỏi rừng thì chú bé đã trở thành một bộ phận của thế giới mới toanh là rất có ý nghĩa, gắn với sự tự vượt mình, gắn với việc cái tôi ý thức trở lại với khả năng điều chỉnh các hoạt động tự thân của chú. Nguyên tắc khoái cảm tìm được sự đồng thuận của nguyên tắc thực tế, đưa chú bé trở lại quỹ đạo của con người bình thường, nghĩa là phiến đá cửa vào đã được, trong thời điểm này, đóng lại.
Ở tuyến 2 là dòng thời gian vận động gắn với hành trình của Nakata, vận động đi tìm phiến đá cửa vào, gắn với sự di chuyển của không gian qua các địa điểm khác nhau từ Tokyo tới Shikoku; còn ở tuyến 1 là kiểu thời gian ngưng đọng gắn với dòng độc thoại nội tâm, gắn với suy nghĩ của nhân vật Kafka, cho nên dù nhân vật có đọc sách, tắm rửa thì tính chất ngưng đọng vẫn là rất lớn, gắn với các không gian cụ thể, khép kín như phòng đọc sách, phòng ngủ hay căn lều trong rừng. Hoạt động của Kafka trong các không gian này về cơ bản là khám phá tìm hiểu mà có thể nói là đi tìm những mảnh ký ức đã bị quên lãng trong cái thế giới đang vận động, đấu tranh chống lại sự quên lãng là khá rõ ở nhân vật này, do đó, việc lần tìm qua các trang sách, hay lục tìm trong trí nhớ gắn liền với kiểu thời gian mang tính ngưng trệ đó. Câu chuyện của Kafka là cái vô thức phi ngã được tiếp cận bằng ý thức của cái tôi qua đó thể hiện cái vô thức đã có và đồng thời cũng tạo ra một vô thức khác thể hiện qua hành trình khám phá của nhân vật. Câu chuyện của Nakata được rọi chiếu bằng cái siêu tôi – siêu ngã để làm sống lại cái tôi ý thức, gắn với kiểu thời gian tịnh tiến theo chiều gia tăng từ quá khứ về hiện tại và cũng là một kiểu đấu tranh để chống lại sự quên lãng mà cách kể từ bên ngoài thông qua các mảnh ký ức được nhớ lại ấy để kết nối chúng thành một mạch kể. Hai kiểu thời gian kể này qui định cách thức trần thuật và ngôi kể của hai mạch truyện.
Hình thức giải tỏa quan trọng nhất đó là giải tỏa bằng giấc mơ. Bản thân giấc mơ là sự ngụy trang, là hình thức đeo mặt nạ che đậy những khát vọng, những thèm muốn bản năng. Giấc mơ là con đường lí tưởng để dẫn tới thế giới vô thức. Do đó, giấc mơ chứa đựng trong nó một kho tàng vô tận các dấu hiệu mơ hồ, đa nghĩa, những dấu hiệu đó được biểu thị qua những hình ảnh xa lạ, gắn với một thế giới xa lạ, đến nỗi người có giấc mơ ấy luôn luôn tự hỏi giấc mơ ấy có ý nghĩa như thế nào đối với họ, có liên quan gì tới cuộc sống hiện tại của họ. Vì giấc mơ là một hiện tượng mang tính chất xã hội đã tồn tại từ khi có xã hội loài người cho nên việc giải mộng đoán mộng cũng đã trở thành một lĩnh vực được con người quan tâm từ rất sớm. Liên quan đến nhân vật Kafka là những giấc mơ đặc biệt. Trước hết là giấc mơ liên quan tới “bóng ma” theo cách gọi của chủ mà bóng ma này không phải là ai khác mà chính là hình ảnh của bà Saeki thời thanh xuân, nghĩa là hình ảnh cách thời điểm chú mơ khoảng hai ba mươi năm. Bóng ma ấy xuất hiện trong mấy đêm liền bao giờ cũng vào khoảng hai ba giờ sáng. Bóng ma này liên quan tới bức tranh treo trên tường vốn là kỉ niệm đặc biệt gắn với cuộc đời của chính bà Saeki. Từ đây, giấc mơ này tham gia giải tỏa sự dồn nén tính dục của Kafka và đương nhiên vế đầu tiên của lời nguyền mà cha chú đã ném ra cho chú, vế đầu tiên mà chú đã tự coi là nó được gắn trong gien tạo nên cơ thể chú, được thực hiện. Giấc mơ thứ hai liên quan đến cô gái Sakura, người trạc tuổi chị gái cậu. Đây cũng là giấc mơ về tình dục, “một giấc mơ tục tĩu” (tr.529), và với giấc mơ này, vế thứ hai của lời nguyền định mệnh được hoàn tất.
Trong tác phẩm còn có hai hình ảnh mang tính biểu tượng rất đặc trưng của tiểu thuyết này. Đó là “một vật dài trăng trắng đang oằn oại trườn ra từ miệng Nakata”, “Cỡ bằng bắp tay đàn ông”, “Thân nó ướt và lầy nhầy” và hình ảnh thứ hai là cái lưỡi của Johnnie Walker “dài và to tướng, nó giãy dụa như một con nhuyễn thể khổng lồ, thốt ra những lời tăm tối” (tr.493). Có thể coi loại sinh vật nhuyễn thể này như là một hóa thân khác của mặc cảm Oedipe, của bản năng tính dục mà khi đã thâm nhập vào trong con người (bằng sự tò mò mang tính trẻ con, bằng những tác động khác tác động vào các giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác và nhất là xúc giác…) thì nó tham gia chi phối thế giới vô thức hoành hành trong thế giới phi ngã, chế ngự ý thức, nhưng cũng có thể là nó đã có sẵn trong ta, phục sẵn trong thế giới vô thức ấy và chỉ chờ dịp phiến đá cửa vào được mở ra là ngay lập tức nó phát huy sức mạnh của nó, sức mạnh chế ngự cái tôi bản ngã. Do đó, khi phiến đá cửa vào mở cho nó ra thì cũng chỉ có thể dùng phiến đá cửa vào ấy để chế ngự nó lại và tiêu diệt nó. Đó cũng chính là vũ khí mà Hoshino dùng để giết chết loại sinh vật nhuyễn thể đặc biệt này. Cũng như vậy khi con nhuyễn thể ấy đội lốt cái lưỡi thì cũng chỉ có thể rút cái lưỡi kí sinh chuyên thốt ra những lời nguyền độc địa ấy ra khỏi con người mới là cách tiêu diệt nó tốt nhất. Trong ý nghĩa chung nhất, con người phải làm chủ bản thân mình, phải luôn thường trực trên cái tôi ý thức mới chiến thắng những cái tầm thường mà cái vô thức mở ra, hay trỗi dậy, và trước hết là chiến thắng nỗi sợ hãi bản năng trong mỗi con người.
Văn học nói chung tác phẩm văn học nói riêng, xét từ một góc độ nào đó, chính là sự tranh luận về bản thân cuộc sống đương tồn tại, trao đổi bàn luận về những kinh nghiệm sống của mọi thời để nhằm hoàn thiện cuộc sống đang diễn ra. Việc đọc tác phẩm văn chương, ở một góc độ nào đấy, cũng là sự kiểm nghiệm những kinh nghiệm sống cá nhân đã có để thu nhận thêm những kinh nghiệm sống mới cần thiết cho bản thân cuộc đời. Việc vận dụng lý thuyết phân tâm học bước đầu để nhìn nhận thêm các giá trị của tác phẩm này cũng là điều cần thiết, bởi vì “sự nghiệp của Freud là sự phân tích sâu sắc nhất mà con người đã biết tới về cái không phải là con người nhất trong mỗi con người (Roland Dalbier)”(3), mà cái không phải là con người nhất trong mỗi con người này đang là mục tiêu khám phá của các nền văn học lớn đang vươn mình trong xu thế hội nhập toàn cầu1
_____________
([1]), (3) David Stafford-Clark: Freud đã thực sự nói gì? (Lê Văn Luyện và Huyền Giang dịch). Nxb. Thế giới, H, 1998, tr.35; tr.262.
(2) Haruki Murakami: Kafka bên bờ biển. Nhã Nam - Nxb. Văn học, H, 2007. Các trích dẫn tác phẩm đều theo sách này.
(*) PGS.TS – Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.