THỜI GIAN ĐỒNG HIỆN TRONG TRUYỆN NGẮN
MUA CẦN CÂU CHO ÔNG TÔI CỦA CAO HÀNH KIỆN
Nguyễn Phương Thảo(*)
Mua cần câu cho ông tôi(1) là một truyện ngắn đặc sắc nằm trong tập truyện cùng tên gồm 9 truyện ngắn của Cao Hành Kiện. Với nội dung khá đơn giản, câu chuyện là lời nhân vật “tôi” (trong vai người kể chuyện) thuật lại việc mua chiếc cần câu đẹp tặng người ông của mình. Cùng lúc đó, trên đường về quê hương đã đô thị hóa hoàn toàn, những kí ức tuổi thơ chợt hiện về, người kể chuyện lục tìm trong trí nhớ những hình ảnh thuở thiếu thời còn vương lại với tâm tưởng duy nhất là được về thăm căn nhà cũ của ông nội. Sự đan xen, lồng ghép và trở đi trở lại của tuyến nhân vật tôi, ông tôi, bà tôi, mẹ tôi, Tảo Oa, con Mực; tuyến thời gian thực tại - quá khứ; tuyến sự kiện, cốt truyện, hành động… tạo nên sức hấp dẫn của thiên truyện.
Dùng thời gian để khắc họa chiều sâu nội tâm nhân vật là một việc không dễ, nhưng trong Mua cần câu cho ông tôi, Cao Hành Kiện đã sử dụng mô thức thời gian đồng hiện như một công cụ nghệ thuật hữu hiệu nhằm đi đến tận cùng, đánh thức và làm sống dậy những kí ức, hoài niệm quá khứ trong vai trò người kể chuyện. Mô thức thời gian đồng hiện kết hợp hài hòa với thủ pháp trần thuật tạo bố cục vững chắc, chặt chẽ, liền mạch cho câu chuyện. Đây được xem là yếu tố nghệ thuật chính yếu nhất trong truyện ngắn Mua cần câu cho ông tôi.
Thời gian đồng hiện trong cách thức độc thoại nội tâm
Mua cần câu cho ông tôi gần như cuốn nhật kí của người kể chuyện viết ra để tâm sự với chính mình. Các trường đoạn trong truyện hầu như là độc thoại nội tâm: tôi nhớ, tôi mường tượng, anh nhớ, tôi muốn...
Người kể chuyện độc thoại với chính mình để tìm về quá khứ:
- “Từ lần đó tôi cảm thấy ông tôi già hẳn đi”.
- “Nghĩ lại tôi rất thương ông tôi, tôi thật tình muốn mua cho ông cụ một khẩu súng săn có giá trị chế tạo ở Đức”.
- “Nhưng dù sao tôi vẫn muốn mua cho ông tôi chiếc cần câu”.
- “Nói thế nào thì nói, tôi cũng phải về thăm quê nhà để cởi bỏ cái nỗi nhớ mà một khi nó đã đến thì khó lòng đuổi đi được”...
Đặc biệt đoạn cuối có sự pha trộn các hình thức trần thuật ở mô thức thời gian đồng hiện và độc thoại nội tâm trong lời người kể chuyện, làm đảo lộn hình ảnh quá khứ với hiện thực, gây cảm giác hoang tưởng, bất an đồng thời tạo cảm thức đón đợi, mong chờ đối với người đọc. “Câu chuyện sẽ tiếp biến như thế nào? Kết thúc ra sao?...” là những câu hỏi gợi mở, khiến người đọc phân vân khi đọc đoạn kết này.
Có mối quan hệ giữa độc thoại nội tâm với hình thức diễn ngôn trực tiếp, diễn ngôn gián tiếp và diễn ngôn gián tiếp tự do. Truyện ngắn Mua cần câu cho ông tôi là văn bản có sử dụng cả ba loại diễn ngôn này. Qua khảo sát, chúng tôi thấy trường hợp diễn ngôn trực tiếp được sử dụng nhiều hơn cả. Xin lấy vài ví dụ về diễn ngôn trực tiếp của truyện như sau: “Tôi muốn mua cho ông một cái cần”, “Tôi cảm thấy cần phải bỏ nơi này đi ngay…”, “Nhưng mình lại không biết trước họ là xấu hay tốt”... Về diễn ngôn gián tiếp có thể kể đến: “Anh phải đi đến quyết định thôi”, “Anh hiểu ra đây là bức tường quanh cái sân thời thơ ấu…”. Diễn ngôn trực tiếp có khả năng biểu cảm cao trên phương diện hình thức thể hiện nhân vật, cảm xúc và thời gian. Cảm xúc nhân vật được mô tả thông qua các nội động từ (cảm thấy, hiểu ra…) và ngoại động từ (cần phải, quyết định…). Còn diễn ngôn gián tiếp ít biểu cảm hơn nhưng lại có tính chất thông báo, kêu gọi, thể hiện ý muốn, sự chủ động của người kể chuyện nhiều hơn so với diễn ngôn trực tiếp. Diễn ngôn trực tiếp và gián tiếp thể hiện điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài của người viết. Điều này khiến cho tác phẩm trở nên đa dạng, phong phú hơn về nghệ thuật biểu hiện và biểu cảm. Tác giả Cao Hành Kiện đã chọn cách tiếp cận khá độc đáo là mô thức thời gian đồng hiện. Đây là điểm nhìn, góc nhìn riêng của ký ức, hoài niệm nhà văn khi viết về quá khứ bằng cách xen kẽ các thời đoạn với thực tại. Điểm nhìn của nhân vật cũng có thể đồng nhất với điểm nhìn của nhà văn vì tác giả thường thông qua nhân vật để thể hiện quan điểm của mình. Còn điểm nhìn của bạn đọc lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Nhãn quan của độc giả phần lớn thể hiện ở cách tiếp nhận, đánh giá, bình phẩm, cảm nhận về cách thức thể hiện, sáng tạo sự kiện, cốt truyện, nhân vật trong tác phẩm… Như vậy, diễn ngôn của người kể chuyện thể hiện điểm nhìn của nhân vật chủ thể “tôi” hay cũng chính là điểm nhìn của nhà văn.
Có thể thấy, độc thoại nội tâm và các hình thức diễn ngôn trực tiếp - gián tiếp là “điểm tựa” cho người kể chuyện thể hiện sâu sắc thế giới nội tâm của mình. Cảm giác nhớ về người ông, nhớ quê hương hiện hữu thường trực trong tâm trí nhân vật “tôi”, nhân vật “anh”. Nó gợi lên ký ức về cội nguồn, thôi thúc người kể chuyện phải trở về thăm quê, mảnh đất ruột thịt mà anh - tác giả - đã bao năm xa cách.
Thời gian đồng hiện qua nghệ thuật đổi ngôi kể
Trong tác phẩm Mua cần câu cho ông tôi, người kể chuyện (tức nhân vật 我 ngã - “tôi” ) đã đổi ngôi thành nhân vật 你 nhĩ - “anh” và 这 光 屁 股 的 孩 子 giá quang thí cổ đích hài tử - “thằng bé cởi truồng”. Trường hợp thứ nhất, từ ngôi thứ nhất ngã - “tôi” chuyển sang ngôi thứ hai nhĩ - “anh”. Đây là đại từ chỉ người với nghĩa “ông, bà, anh, chị, mày…”. Nguyễn Hồi Thủ chọn dịch anh là đã chuyển tải được nghĩa “kép”, vì anh (anh ta) ở đây phải ngầm hiểu là người kể chuyện đồng thời đang tự thuật về chính mình, tức tôi (ngôi thứ nhất), có nghĩa là người kể chuyện đã ngầm khách thể hóa từ ngôi thứ hai anh sang ngôi thứ nhất tôi. Ở trường hợp thứ hai, người kể chuyện đổi từ ngôi thứ nhất tôi sang ngôi thứ ba thằng bé cởi truồng cũng chính là nói về mình và tự khách thể hóa mình - điểm này giống với trường hợp thứ nhất. Từ đây có thể xác định sự khác biệt giữa nhân vật “tôi” trong thực tại với sự phân thân thành nhân vật “anh” trong các trường đoạn khác nhau và nhân vật “thằng bé cởi truồng” trong một trường đoạn cụ thể để thấy được tính chất phức điệu ở cùng một nhân vật. Hiện tượng đổi ngôi nhân vật trong truyện Mua cần câu cho ông tôi cũng gần giống với nghệ thuật đổi ngôi ta, mi và nàng trong tiểu thuyết Linh Sơn(2). Về hiện tượng này Thụy Khuê đã viết trong Sóng từ trường II, như sau: “Trên đây, Cao Hành Kiện vừa phân chất mối tương quan giữa ta, mi và nàng, vừa đưa ra quan niệm sáng tác như một sự phân thân và hợp nhất giữa ba “nhân vật” ta, mi và nàng hay là: thực tế, kí ức và tưởng tượng…”(3).
Trong Mua cần câu cho ông tôi, người kể chuyện đóng vai nhân vật “tôi” ở thực tại thường là đơn tuyến, không xuất hiện ở nhiều biến cố, sự kiện và theo đó, ngôn ngữ đối thoại cũng có tính thống nhất cao. Ví dụ, người kể chuyện nói rằng: “Tôi muốn mua cho ông một cái cần”; “Tôi không muốn tranh hơn thua gì với bà, bà tôi già rồi”; “Tôi cũng phải về thăm quê nhà để cởi bỏ cái nỗi nhớ mà một khi nó đã đến thì khó lòng đuổi đi được”… Người kể chuyện là nhân vật “tôi” và “tôi” cũng chính là người kể chuyện. Trong khi đó nhân vật “anh” lại thường đóng nhiều vai, nhiều khoảng đời, nhiều cảnh ngộ khác nhau. Nhân vật “anh” trong vai người bố: “Anh bỗng nghe thấy con anh khóc trong cầu tiêu”; trong vai người chồng: “Anh không ra mà xem này”; nhân vật “anh” lúc về thăm quê: “Nhưng quê nhà giờ đây biến đổi đến độ anh không nhận ra nổi”; nhân vật “anh” ở thực tại: “bãi hoang tàn này ở phía dưới anh, thậm chí anh thấy rõ tường xiêu vách đổ”; và nhân vật “anh” lúc nhỏ theo ông đi câu: “anh dẫm lên những hòn đá từng bị nước cuốn mài tròn”, v.v… Ở những chặng đời khác nhau thì nhân vật “anh” đóng những vai khác nhau, thậm chí khác xa nhau. Rõ ràng đã có sự khác biệt sâu sắc giữa nghệ thuật thể hiện nhân vật “tôi” mang tính đơn tuyến với khả năng phân thân thành nhân vật “anh” mang tính chất đa tuyến. Sự khác biệt này có vai trò quan trọng trong việc khắc họa rõ nét bối cảnh, thời điểm, địa điểm diễn ra các sự kiện và hành động nhân vật ở quá khứ cũng như trong hiện tại.
Thời gian đồng hiện qua sự chuyển thì của động từ
Thì của động từ trong truyện ngắn Mua cần câu cho ông tôi luôn thay đổi giữa hai chiều hiện tại và quá khứ. Cách thức chuyển đổi thời gian được xem là yếu tố quan trọng tạo nên thời gian đồng hiện của truyện ngắn này. Manfred Jahn quan niệm “chuyển thì” là việc thay đổi trần thuật hiện tại đến thì trần thuật bổ sung. Việc thay đổi thì thường được sử dụng để tạo ra hiệu quả tăng cường hay giảm nhẹ (di chuyển vào trong/ ngoài điểm nhìn), thay đổi góc nhìn... Bản thân nhan đề truyện ngắn cũng đã cho thấy việc “mua cần câu cho ông” là ở thì hiện tại. Trong tiếng Trung Quốc có một số từ biểu hiện thời gian như 了 liễu, 过 quá – chỉ thời quá khứ, việc đã qua; 现在 hiện tại – chỉ hiện tại; 着 trợ – chỉ thời hiện tại tiếp diễn; 将来 tương lai – tương lai… Ta thấy trong truyện ngắn có sự lặp lại nhiều lần phó từ chỉ thời gian quá khứ như 了(liễu), 过 (quá) và thỉnh thoảng có đan xen từ chỉ thời gian hiện tại như 现在 (hiện tại), 着 (trợ)… Đây là một trong những dấu hiệu ngôn ngữ rõ ràng nhất cho thấy khả năng tích hợp, đồng hiện và đan xen của tuyến thời gian quá khứ – hiện tại trong tác phẩm này.
Ở đây, chủ yếu phân biệt hai phương thức trần thuật là “trần thuật hồi tưởng” (analepse) và “trần thuật đồng thời”. Lời kể trong Mua cần câu cho ông tôi luôn đan xen hai hình thức trần thuật trên. Điều này có tác dụng, một mặt nhấn mạnh thời gian quá khứ ở thì hiện tại của người kể chuyện, mặt khác tạo kịch tính, bất ngờ, thậm chí gây ảo giác cho người đọc về sự lẫn lộn không – thời gian trong truyện.
Dấu hiệu nhận biết mô thức trần thuật hồi tưởng trong Mua cần câu cho ông tôi là kết cấu 我 记 得 ngã kí đắc - “tôi nhớ”. Qua khảo sát bản Hán văn truyện Mua cần câu cho ông tôi, chúng tôi đã thống kê được 9 lần lặp lại kiểu kết cấu ngã kí đắc - “tôi nhớ”. Ngoài ra cũng thấy xuất hiện trong văn bản những cụm từ na ná như我 又 想 起 ngã hựu tưởng khởi – “tôi lại nhớ”, 我 又 记 得 ngã hựu kí đắc - “tôi nhớ lại” , 我 只 记 得 ngã chỉ kí đắc - “tôi chỉ nhớ”, 我 也 还 记 得 ngã dã hoàn kí đắc - “tôi còn nhớ”, 我 想 起 來 ngã tưởng khởi lai - “tôi mới nhớ ra”, 我 看 见 ngã khán kiến - “tôi mường tượng”, 我 已 经 看 见 ngã dĩ kinh khán kiến - “tôi đã mường tượng”, 你 记 得 nhĩ kí đắc - “anh nhớ”, 想 起 來 tưởng khởi lai - “nghĩ lại”. Cùng với những phó từ chỉ thời gian như 早 先 tảo tiên - “trước kia”,当 时 đương thời - “hồi đó”, 那 时 候 na thời hậu - “thời đó”, 童 年 时 đồng niên thời - “thời niên thiếu” để chỉ thời gian quá khứ và 现 今 hiện kim - “ngày nay”, 这 会 儿 giá hội nhi - “lúc này” để chỉ thực tại… Trong tác phẩm, mật độ và tần suất xuất hiện những cụm từ này là khá lớn. Hình thức đan xen, lặp lại những kết cấu câu kiểu này làm thành “chùm liên kết” khá chặt chẽ nhằm nối kết người kể chuyện với thực tại và quá khứ. Những cụm từ này hiện hữu trực tiếp trên bề mặt văn bản nên rất dễ nhận ra. Cái khó của người đọc là ở chỗ phải tự mình nhận ra những gợi mở gián tiếp của mô thức thời gian đồng hiện trên cơ sở hình thức độc thoại nội tâm, thời gian điện ảnh (thủ pháp montage), diễn ngôn trực tiếp - gián tiếp. Câu chuyện thực chất chỉ là những mảnh vỡ của thời gian, của cảnh tượng được chắp nối, liên hệ với nhau trong quá trình hồi tưởng. Có thể hình dung toàn bộ tầng bậc và kết cấu của truyện theo một sơ đồ sau:
|
|
|
* Tuyến thời gian
* Tuyến nhân vật
* Tuyến sự kiện
Cách thức
Sơ đồ trên cho thấy mô thức thời gian đồng hiện là trung tâm chi phối, nối kết toàn bộ nội dung, nghệ thuật của truyện ngắn này.
Chúng tôi tìm hiểu mô thức thời gian đồng hiện trong Mua cần câu cho ông tôi qua tuyến thời gian hiện tại và thử hình dung điều này tựa như lát cắt thứ nhất, mang tính chất bề nổi của truyện; đồng thời tìm hiểu kĩ càng hơn tuyến thời gian quá khứ - được coi là phần chìm, là những mảnh thời gian rời rạc chắp nối với nhau trong dòng hồi tưởng của người kể chuyện. Tuyến thời gian hiện tại - lát cắt thứ nhất - bề nổi xuất hiện ít hơn tuyến thời gian quá khứ - phần chìm. Người kể chuyện có thể ở một chặng hiện tại mà hồi tưởng lại bốn, năm chặng đời của quá khứ, trong thời gian một trận đá bóng mà nhớ lại những kỉ niệm của vài chục năm về trước. Có thể coi đây là hiện tượng “dồn nén thời gian”. Quan hệ thời gian thực tế và thời gian của truyện kể trở nên gần gũi với nhau hơn lúc nào hết. Hình thức thể hiện sự dồn nén này cơ bản là mô thức thời gian đồng hiện thông qua kí ức và dòng hồi tưởng của người kể chuyện. Một số thể loại văn học như thơ ca, tiểu thuyết, kịch… người viết phải dùng nhiều thủ pháp nghệ thuật mới có thể nén thời gian, nhưng riêng trong truyện này, Cao Hành Kiện gần như chỉ sử dụng mô thức thời gian đồng hiện để tái hiện sự kiện quá khứ. Nghệ thuật này tỏ ra thực sự hữu dụng trong nhiều trường hợp: co hay dãn thời gian; xuôi về quá khứ hay ở hiện tại; trực tiếp hoặc gián tiếp mô tả cảm xúc… Ở một số truyện ngắn khác như Ông thợ giầy và cô con gái, Trong công viên, Bạn,… Cao Hành Kiện cũng sử dụng mô thức thời gian đồng hiện để xây dựng cốt truyện và tính cách nhân vật. Chẳng hạn, nhân vật chính trong Ông thợ giày và cô con gái là một xác chết. Đó là cô gái có tên Đại Kính Tử. Trước cái chết của cô, người trong làng kể lại, hồi tưởng lại hoàn cảnh lúc cô còn sống. Đại Kính Tử phải chịu mọi sự cấm đoán của người cha (ông thợ giày) ra sao, phải uất ức như thế nào. Tâm điểm của truyện ngắn chính là quãng thời gian trong quá khứ…
Nhân vật “tôi” mua chiếc cần câu mười đốt bằng sợi thủy tinh này không để tặng người ông mà cũng không phải để câu cá như tác dụng vốn có của nó mà có ý nghĩa hoàn toàn khác. Chiếc cần câu gần như vật kỉ niệm nhắc nhở người kể chuyện nhớ đến ông nội và quá khứ tuổi thơ của mình: “… Đương nhiên tôi cũng biết rằng cái cần câu ngoại mười đốt bằng sợi thủy tinh này không thể câu được cá, vì quê tôi từ bao năm nay đã trở thành một miền cát hoang… nhưng dù sao tôi vẫn muốn mua cho ông tôi chiếc cần câu. Không nói rõ được vì sao, mà tôi cũng không muốn biết rõ vì sao, tóm lại đó là điều tâm nguyện của tôi, như thể chiếc cần câu này chính là ông tôi, ông tôi là cần câu này vậy”. Rõ ràng ở đây, cái tứ của nhan đề Mua cần câu cho ông tôi đã có chiều hướng quy định, ràng buộc đến nghệ thuật, nội dung và không - thời gian của truyện ngắn. Mua cần câu cho ông tôi thường xuyên thay đổi vị trí, điểm nhìn của người kể chuyện về mặt thời gian (Người kể chuyện lúc còn nhỏ nhìn thấy dòng sông thật lớn, lúc trưởng thành lại thấy dòng sông xưa chỉ là một vũng nhỏ; Thời thơ ấu ngồi trên lưng ông thấy cảnh vật hiền hòa, quen thuộc, còn bây giờ - khi đã có tuổi - lại thấy mọi vật biến đổi nhanh chóng, lạ kỳ), làm trầm tích trong đó thật nhiều kỷ niệm. Hình thức chuyển thì thể hiện rõ vai trò của người kể chuyện trong tuyến thời gian hiện tại và quá khứ. Người kể chuyện là nhân vật chính, nhân vật trung tâm, có ý nghĩa định hướng cho cả truyện. Bên cạnh đó, thì quá khứ tạo nên sự thay đổi độ dài, độ căng (kịch tính) của các biến cố, sự kiện, cốt truyện ở từng chặng đời quá khứ. Tuyến thời gian thay đổi từ hiện tại đến quá khứ và ngược lại đã làm thay đổi cả tuyến nhân vật, sự kiện. Ở tuyến thời gian quá khứ xuất hiện nhân vật ông tôi, bà tôi, mẹ tôi, anh, Tảo Oa, con Mực; còn vợ anh, con anh, tôi, cô và dượng của vợ tôi là các nhân vật ở thì hiện tại. Tuyến nhân vật ở thì hiện tại và quá khứ được phân biệt rõ ràng, duy có nhân vật “tôi” được khách thể hóa thành nhân vật “anh” là đồng thời xuất hiện trong cả hai tuyến thời gian. Tuy nhiên, sự chuyển đổi hai đại từ nhân xưng này đôi lúc lại thể hiện sự thay đổi thời gian, ở chỗ, đại từ “tôi” thường được dùng ở thì hiện tại còn đại từ “anh” xuất hiện nhiều trong quá khứ. Như vậy, việc chuyển đổi thời gian và chuyển đổi đại từ nhân xưng vừa nói ở trên có quan hệ với nhau trong cùng một thời điểm hoặc là hai thời điểm khác nhau của truyện. Hình thức chuyển đổi thời gian xuất hiện nhiều đôi khi gây hiện tượng ảo giác cho người đọc vì sự nhập nhòa giữa thực tại và quá khứ.
Nhìn chung truyện ngắn truyền thống được trình bày theo trật tự thời gian tuyến tính, tuân thủ nghiêm ngặt sự chuyển tiếp thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Trường hợp Mua cần câu cho ông tôi lại khác. Cao Hành Kiện đã chủ động sáng tạo nhiều mốc thời gian trong quá khứ, ứng đối với mỗi nhân vật là một thời điểm và một vài kỉ niệm. Trong quá khứ, người kể chuyện nhớ ông tôi những lúc “ông tôi lại đan cả lưới cá, trên một tấm lưới nhỏ ông phải thắt cả vạn cái nút; thằng bé cởi truồng ngồi trên lưng, mồm kêu nhong nhong, vùng vẫy đôi chân nhỏ, cưỡi lên vai ông, quất vào ông như quất một con ngựa; chỉ nghe thấy tiếng ho khan của ông giữa đêm khuya, tiếng ho kéo dài vô tận”; nhớ bà tôi là khi “bà tôi vuốt ve manh chiếu rách; bà tôi cấm tôi ngủ trên đó, bảo rằng ngủ sẽ bị tháo dạ, thế mà bà vẫn ngủ trên đó”; nhớ đến Tảo Oa “cô bé lúc nhìn người, đôi mắt tròn xoe mở trừng trừng trông rất cổ quái, nhưng cũng có chút vẻ dễ thương” và nhớ con Mực lúc “con chó nhà tôi, xúm xít quanh con thỏ chết, kích động đến cao độ”… Người kể chuyện nhớ lại hình ảnh những người thân trong gia đình nhưng không sắp xếp chúng theo trình tự mà có sự xê dịch về mặt thời gian. Hay nói đúng hơn là nó lộn xộn theo dòng ký ức của người kể. Sự trở lại quá khứ trong truyện ngắn này tương đối nhiều. Có thể người kể chuyện chủ động hoặc thụ động hồi tưởng nhưng sự trở đi trở lại thời gian quá khứ là không cố định, không theo một trật tự nào. Như vậy, sự vật được miêu tả không theo trình tự thời gian quá khứ - hiện tại mà theo cảm xúc và tình thế của người kể chuyện.
Người kể chuyện đang ở thì hiện tại lại có cảm giác trở về quá khứ, đây là cảm xúc chủ quan của riêng anh ta. Nhưng khi nhìn thấy dòng sông cạn nước, bất giác anh nhớ đến những buổi đi câu với ông, hay lúc tìm đến đường Nam Hồ anh lại nhớ đến miếu Quan Công và cái sân của nhà Tảo Oa hồi trước. Những hồi tưởng bất chợt này mang tính khách quan và bắt buộc phải có sự tác động ngoại cảnh mới nảy sinh hồi tưởng được. Nói cụ thể hơn, đây là những tình huống trần thuật khác nhau tạo nên sự hồi tưởng khác nhau.
Thời gian điện ảnh
Có thể thấy trong truyện ngắn Mua cần câu cho ông tôi đã tồn tại một mối quan hệ chặt chẽ giữa việc chuyển thì, chuyển đổi đại từ với cách thức thể hiện thời gian điện ảnh trong tác phẩm. Nhân vật “anh”, “tôi” ở thì quá khứ – hiện tại liên tục xuất hiện với những hình ảnh khác nhau, lúc trong vai người cháu, người cha, lúc lại trong vai nhân vật “anh”, “tôi” tạo nên hình ảnh nhân vật ở những chặng thời gian khác nhau. Tất cả hình ảnh tuổi thơ nào như “tường xiêu vách đổ,… bức tường quanh cái sân thời thơ ấu”, “cây táo sau sân tường”, “Đống gạch của cái bức bình phong Phúc Lộc Thọ Hỷ”…, hoặc như “chuồng con Mực”, “phòng ông tôi”, “nơi treo khẩu súng săn của ông tôi”, “nhà Tảo Oa”… xuất hiện trong tâm trí người kể chuyện mang dáng dấp của một bộ phim. Mỗi cảnh vật, mỗi kỉ niệm là một trường đoạn điện ảnh có hình, có tiếng, có hoạt động. Thời gian điện ảnh trong tác phẩm này mang tính ước lượng, đại khái - khoảng chừng là thời ấu thơ của người kể chuyện. Cách thức co kéo thời gian làm nền tảng cho sự trỗi dậy, những ký ức hình ảnh tuổi thơ. Ở thì hiện tại, người kể chuyện đã có tuổi, có gia đình. Và bằng sự hồi tưởng hình ảnh, kí ức tuổi thơ anh đã tự mình trở lại quá khứ. Trong khuôn khổ thời gian một trận bóng đá, người kể chuyện mơ màng, hồi tưởng lại thời khắc quá khứ của vài chục năm trước. Thời gian dồn nén ở hiện tại đã mở rộng, bung tỏa ở thì quá khứ, làm sống dậy những hình ảnh và kỉ niệm tuổi thơ. Điều này cho thấy, người kể chuyện có thể tự điều chỉnh thời gian và dòng ý thức của mình. So với những ngành nghệ thuật khác thì đây hẳn là ưu điểm của văn chương và cũng chỉ văn chương mới thể hiện, phản ánh được đa chiều không - thời gian như trường hợp truyện ngắn Mua cần câu cho ông tôi. Người kể chuyện gần như thời gian hóa tất cả hình ảnh tuổi thơ của mình. Tức là những kí ức, hình ảnh thuở thiếu thời giờ đây đã hằn sâu, tồn tại bất biến, vĩnh hằng trong tâm trí người kể chuyện. Nếu muốn chuyển thể Mua cần câu cho ông tôi thành phim truyện kỳ thực không phải khó. Bởi các yếu tố, thủ pháp điện ảnh như thời gian, không gian, thực tại - quá khứ, hoạt động, âm thanh, ánh sáng, nhân vật, sự kiện… hầu như đã sẵn có trong truyện. Đặc biệt đoạn cuối truyện, người đọc do phải tiếp nhận quá nhiều thời đoạn khác nhau của quá khứ và hiện tại nên có cảm giác Mua cần câu cho ông tôi giống như một “Truyện - Phim”, có nghĩa là các trường đoạn của truyện được kết cấu và được “kể”, được “diễn” như những trích đoạn trong một bộ phim. Điều này, đôi khi tạo hiệu quả xuất hiện hiện tượng ảnh ảo của không gian ba chiều trong tác phẩm. Ví dụ, người kể chuyện ở thì hiện tại đang xem dở trận đá bóng thì lại nhớ lại, thậm chí như nhìn thấy tận mắt hình ảnh cảnh vật thời thơ ấu như bức tường quanh cái sân, cây táo, đống gạch của cái bức bình phong Phúc Lộc Thọ Hỷ… Hiện tượng ảo giác này chỉ xuất hiện khi người kể chuyện đang ở khoảng giữa của sự hồi tưởng, tức là ở bờ ranh giới của quá khứ và hiện tại.
Mua cần câu cho ông tôi là cuộc trở về đầy xúc động, đầy hình ảnh và kỷ niệm tuổi thơ của người kể chuyện trong vai nhân vật “tôi”. Trong tâm tưởng của mình, người kể chuyện luôn hướng về quê hương với mong muốn thường trực là được tặng ông nội chiếc cần câu thật đẹp. Cũng như Cao Hành Kiện, một nhà văn Trung Quốc khác là Lỗ Tấn - khi viết Cố hương - cũng viết về quê hương, về những ký ức, hoài niệm tuổi thơ một thời tươi đẹp của mình. Nhà văn là những con người giàu cảm xúc, những sáng tác viết về quê hương của họ thường chất chứa nỗi niềm. Nguyễn Du bày tỏ cảm xúc khi về thăm quê, khi mà con người đã nhiều thay đổi: Tương thức mỹ nhân khan bão tử/ Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông (Bạn xưa rày đã nên ông/ Trẻ xưa nay đã con bồng con mang - Thăng Long, bài I). Nhà thơ Chế Lan Viên cũng bâng khuâng ngậm ngùi khi về thăm lại cố hương: Nền nhà nay dựng cơ quan mới/ Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người (Trở lại An Nhơn - Chế Lan Viên)… Với Cao Hành Kiện, một nhà văn gốc Trung Quốc, sống lưu vong ở Pháp thì nỗi nhớ quê nhà trong ông luôn day dứt, thường trực không nguôi. Mua cần câu cho ông tôi là một trong những tác phẩm hay viết về đề tài “quê hương” của nhà văn này. Cùng với mô thức thời gian đồng hiện, Cao Hành Kiện đã thể hiện và biểu diễn một lối viết truyện điêu luyện, đầy kĩ năng, mang lại cảm xúc hết sức lạ lẫm, mới mẻ cho công chúng1
____________
([1]) Cao Hành Kiện: Cấp ngã lão gia mãi ngư can (Mua cần câu cho ông tôi), trong sách Cấp ngã lão gia mãi ngư can. Nxb. Liên hiệp văn học, Đài Loan, 1989 (Tiếng Trung).
- Cao Hành Kiện: Mua cần câu cho ông tôi, trong sách Xích lại gần với hiện thực (Nguyễn Hồi Thủ dịch). Nxb. Win Visions, California, 1997.
(2) Linh Sơn (Núi thiêng). Sau lần đi chu du vùng núi Tứ Xuyên và dọc sông Dương Tử (sông Trường Giang) trong vòng 10 tháng. Đến năm 1982 Cao Hành Kiện bắt đầu viết tiểu thuyết Linh sơn, tác phẩm lấy cảm hứng từ chính chuyến đi này. Bảy năm sau, ông hoàn thành Linh sơn. Tiểu thuyết được dịch ra nhiều thứ tiếng và được xuất bản ở Pháp vào năm 1995. Tác phẩm bày tỏ nỗi cô đơn nội tại của nhà văn, được đánh giá là “mang tính toàn cầu, ghi lại những đắng cay của con người trong thế giới hiện đại”. Đây là tác phẩm thuộc loại đỉnh cao, mang giá trị và tầm cỡ quốc tế không thể phủ nhận. Với Linh Sơn, Cao Hành Kiện được trao tặng giải văn chương Nobel vào năm 2000.
- Xin xem Cao Hành Kiện: Linh Sơn (Hồ Quang Du dịch). Nxb. Văn học, H, 2003.
(3) Thụy Khuê: Sóng từ trường II. Nguồn: http://thuykhue.free.fr/stt2/index.html