Phiên chợ giát từ góc nhìn hiện tại
Phùng Kiên
"Lão Khúng thức giấc. Lão chợt thức giấc vì một giấc mê khủng khiếp. Trong cơn mê ngủ, lão Khúng trông thấy một lão già thân hình cao vóng lại lủng củng đầy những xương cùng xẩu, mái tóc cắt ngắn cứng như rễ tre, mớ đổ phải, mớ đổ về phía trước trán, sợi đen sợi trắng loang lổ, mặt mũi gồ ghề, hai con mắt nhìn gườm gườm, với những mảng tiết bò còn ướt hoặc đã khô dính bết trên các bắp thịt nổi cuộn ở bả vai và bắp tay; cái lão già ghê tởm ấy giang cả hai cánh tay nâng một chiếc búa to nặng như búa của thằng phụ lò rèn ở đầu làng Khơi bổ xuống giữa đầu một con bò, cú đánh của chiếc búa tạ làm lún một mảng trán sát hai con mắt của con vật, khiến cho một con mắt dính đầy máu trồi ra ngoài” (Nguyễn Minh Châu Toàn tập, 2001, T.III, tr.851-919).
Chúng ta có đoạn trích mở đầu cho truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu Phiên chợ Giát với nhân vật chính là lão Khúng. Đoạn văn mào đầu là một cách bắt giọng sẽ quyết định chủ âm cho các bè bản nhạc. Tác phẩm này được coi là cuối cùng trong sự nghiệp cầm bút của Nguyễn Minh Châu. Do vậy lựa chọn của chúng tôi vừa ngẫu nhiên vừa có chủ ý.
Câu chuyện này thoạt nhìn khá đơn giản, đến mức có thể coi là một tác phẩm không có cốt truyện, và rằng đó là biểu hiện của sự phân rã cốt truyện – một trong những đặc tính của nghệ thuật tự sự đương đại. Một ông già nông dân tên Khúng đem con bò xuống chợ huyện bán, nhưng lại thả nó và cuối cùng thấy con bò trở lại với mình. Đây là hạt nhân – thời gian hiện tại ở tiền cảnh - của toàn bộ truyện kể mà những phần bổ sung khác sẽ mở rộng thêm vốn ở hậu cảnh, thuộc tuyến thời gian quá khứ. Chuyến dong bò bắt đầu vào lúc nửa đêm về sáng, kéo dài đến tận bảy giờ sáng mới xuống đến chợ. Trong quá trình dong bò, hàng loạt những câu chuyện quá khứ trở lại trong trí nhớ của lão Khúng, hỗn độn, không theo trật tự nhưng liên quan đến cuộc đời lão và con bò: chuyện lão quyết định rời làng đi kiếm ăn, chuyện tài xem tướng bò và chăn bò, chuyện lão khéo thu xếp mọi chuyện đồng áng, chuyện vợ con, chuyện đứa con hy sinh… Bên cạnh đó có những chi tiết gắn với khung cảnh xã hội đương thời: những lần làm thủy lợi long trời lở đất, sự biến đổi của vùng đất hoang nơi lão quyết định định cư, chiến tranh, việc đưa dân lên vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên… Lựa chọn cách kể như vậy, người kể chuyện có thể làm cho tuyến thời gian chính của câu chuyện – gắn với nhân vật chính - trùng với thời gian hiện tại của truyện kể - gắn với người kể chuyện giao tiếp với người nghe chuyện. Tuyến thời gian này nằm ở hiện tại. Nó xuyên suốt toàn bộ truyện kể, để rồi từ đó đẻ nhánh ra các điểm nhấn quá khứ, ở đó người kể chuyện thay lão Khúng hoặc mượn vị trí của nhân vật để kể lại những chuyện đã qua. Chúng trở thành phần hậu cảnh, lúc bị che khuất, lúc hiện ra thấp thoáng, lúc hiện rõ đằng sau của tiền cảnh đang bị mờ đi. Chính nhờ sự phong phú của hậu cảnh như thế mà câu chuyện mang một bề dày, một quy mô đáng kể của tiểu thuyết dưới hình thức truyện ngắn. Cả cuộc đời của lão Khúng với những sự kiện của cả xã hội được tái hiện ở hậu cảnh nhờ sự đan xen của các tuyến thời gian này. Việc tóm tắt như trên theo tuyến thời gian tiền cảnh, hiện tại truyện kể, đã tạm thời tách ra hai tuyến thời gian hậu cảnh và tiền cảnh.
Truyện kể mở đầu bằng một câu đơn, ngắn, kể lại hành động của nhân vật vào thời điểm cụ thể (thức giấc) từ thời điểm hiện tại trùng với thời gian kể và từ điểm nhìn bên ngoài, cho biết tên nhân vật (Khúng), tuổi tác (lão), khoảng cách giữa người kể chuyện với nhân vật được kể (lão). Sự tồn tại của hình ảnh này đã đặt điểm nhấn vào một chi tiết cụ thể: giấc mơ của nhân vật chính. Đó là những chỉ dấu đầu tiên cho tính chất hư cấu. Điểm nhìn này hẹp – cả về không gian và thời gian - với kiểu câu ngắn sẽ chi phối toàn bộ nhịp điệu và giọng của tác phẩm.
Đoạn văn này có thể chia thành hai phần. Phần thứ nhất là câu văn mở đầu thông báo sự hiện diện của nhân vật chính – mà chúng ta vừa nói - sẽ trở thành phần đề (thème) cho cả đoạn văn. Trong phần thứ nhất này, chúng ta thấy xuất hiện một đại từ chỉ đối tượng và hàm ý thời gian - điểm đặc biệt của tiếng Việt so với một số ngôn ngữ khác. “Lão” miêu tả một con người đứng tuổi, ở một vị trí thấp hơn hoặc ngang bằng với người kể chuyện về mặt xã hội. Đại từ này, trong tương quan hệ thống nhân xưng, qua quá trình vận động của tiếng Việt hiện đại đã được trung tính hóa ở lời kể hư cấu – hãy kể từ Nam Cao – và dường như mất đi sắc thái tiêu cực. Vì thế không gian giao tiếp trở nên “suồng sã” hơn. Có thể lưu ý ở đây sắc thái ý nghĩa của đại từ nhân xưng như một cách tạo dựng không gian kể chuyện khá đặc thù cho truyện kể tiếng Việt. Bên cạnh đó, một danh từ miêu tả trạng thái nhân vật (cơn mê) và một tính từ định giá (khủng khiếp) ở cuối câu thứ hai cho biết vị trí của điểm nhìn đã chuyển vào nhân vật chính, vẫn dưới sự điều chỉnh của người kể chuyện vô hình. Một khoảng cách quen thuộc trong truyện kể tiếng Việt được xác định bằng hệ thống đại từ xưng hô và tính từ định giá để cho người kể chuyện thể hiện cảm xúc nhân vật và những khoảng trống cho người nghe chuyện chia sẻ. Khoảng trống đó được để dành chỗ cho thỏa ước đọc truyện, giữa người kể và người nghe. Tuy nhiên nếu so với Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn, khoảng trống mà Nguyễn Minh Châu dành cho người nghe chuyện hãy còn hẹp hơn.
Dù sao, việc thu hẹp trường nhìn, khiến cho cảnh sâu hơn, liên quan đến việc cá nhân hóa sự định giá. Người kể chuyện của Phiên chợ Giát cũng không còn bao trùm cái tôi kể chuyện của mình bằng một cái nhìn định hướng từ quá khứ qua hiện tại tới tương lai như một cái nhìn về quá khứ hoàn tất thường thấy của truyện kể. Trong truyện của ông, sự việc kết thúc nhưng chưa hoàn thành. Kiểu người kể chuyện trước 1975 luôn đứng ở vị trí phán xét và nhìn nhận câu chuyện – tất nhiên là thuộc quá khứ - như một sự việc đã hoàn tất, dù là từ ngôi thứ nhất như trong Mảnh trăng cuối rừng: cái đẹp và cao cả trùng khít với nhau và cần được tôn vinh. Cho nên tuy điểm nhìn trong truyện này có vẻ hẹp nhưng lại chi phối toàn bộ ý tưởng của câu chuyện, hướng người nghe chuyện đến sự cao cả của lý tưởng – thước đo của mọi hành động trong truyện kể. Hiệu quả của vị trí “tôi” – hạn chế về tầm nhìn không gian - trong trường hợp này là tạo nên được một tình huống đuổi bắt đặc trưng của truyện ngắn, vì mọi việc đã hoàn tất. Khi đó, chính các đại từ xưng hô, các tính từ định giá và các chỉ dẫn sự kiện theo lối đón trước đã quy định giới hạn cho thỏa ước đọc và không mang lại một khả năng đối thoại đáng kể nào giữa người kể chuyện với người nghe chuyện. Việc từ bỏ một điểm nhìn định hướng và hoàn tất như thế trong truyện kể đồng nghĩa với việc từ bỏ những thuyết lý và định đề có sẵn cho người đọc. Đó hẳn là một điều mà Nguyễn Minh Châu tâm niệm vào những năm tám mươi. Một nền văn học minh họa trong hoàn cảnh cụ thể mà Nguyễn Minh Châu từ chối là việc chạy theo các đường lối chủ trương; nhưng mặt khác còn là thứ văn học dễ gặp vì tính xu thời trong mọi thời kỳ, ở đó giọng điệu cả người kể chuyện luôn chi phối, định hướng cho người nghe chuyện và nêu ra một luận đề hoàn tất.
Phần thứ hai của đoạn văn mở đầu là phần thuyết (rhème), khai triển, bổ sung và mở rộng cho phần đề khi kể lại một hành động thuộc quá khứ gần của nhân vật và miêu tả đặc điểm thể chất của chủ thể hành động. Toàn bộ những phần phát triển và miêu tả mở rộng đó làm thành phần chính của diễn ngôn tác phẩm và có thể coi như thu gọn toàn bộ giọng điệu của tác phẩm. Hành động của nhân vật trong quá khứ gần được kể lại, đó là giấc mơ khiến lão Khúng thức giấc. Trong giấc mơ ấy, lão Khúng thấy một lão già có những đặc điểm thể chất gây ấn tượng. Bắt đầu từ câu văn thứ ba, chúng ta thấy một sự di chuyển điểm nhìn, từ bên ngoài vào bên trong trường nhìn của nhân vật, qua sự xuất hiện những tính từ định giá (gườm gườm, ghê tởm), qua cặp đại từ-động từ dẫn nhập “lão Khúng trông thấy…”. Trong vị trí này của văn bản, người phát ngôn vẫn chưa hoàn toàn là lão Khúng, nhưng cách thức cảm nhận là của nhân vật chính. Tại các vị trí xa hơn trong văn bản truyện kể, chúng ta sẽ bắt gặp những thời điểm giọng điệu trùng với cách thức cảm nhận. Người nghe chuyện ở đây cùng người kể chuyện và nhân vật lão Khúng trước một khung cảnh “trình diễn” tái tạo lại giấc mơ. Hình ảnh một nhân vật nào đó được khắc họa bằng đoạn miêu tả chi tiết cho một hành động kịch tính: một lão già giết một con vật bằng cú đánh búa tạ vào đầu. Một điểm tham chiếu – dường như rất quen với nhân vật - được nêu ra không có và không cần giải thích cụ thể, hệt như rất quen với nhân vật và khi người nghe chuyện ở cùng vị trí nhân vật: thằng phụ lò rèn ở đầu làng Khơi. Một thỏa ước hư cấu ngầm được thiết lập lần thứ hai: không cần biết đích xác cái làng Khơi đó ở đâu, vì rằng cả người kể chuyện lẫn người nghe chuyện – lúc này đứng ở vị trí của nhân vật - đều ở trong một không gian hư cấu và “hình như” đều biết nó. Cả hai bên đều biết điều này rõ ràng võ đoán, và nó gắn với thỏa thuận ngầm giữa hai bên trong giao tiếp đối thoại, người kể chuyện với người nghe mà đối tượng của họ là câu chuyện đang diễn ra liên quan đến lão Khúng: câu chuyện hư cấu luôn quy chiếu vào chính mình.
Xét theo thành phần ở đây có thể nói đến sự chiếm ưu thế của cách thức miêu tả tạo nên khoảng dừng của thời gian kể và bao gồm hai mệnh đề được ngăn cách bằng một dấu chấm phẩy. Sự tồn tại dạng văn bản này không hề ngẫu nhiên vì chúng là hai phần khác hẳn nhau có điểm quy hồi là nhân vật được miêu tả trong giấc mơ của lão Khúng. Mệnh đề đầu tiên là một khoảng dừng của thời gian câu chuyện, nhưng lại là thời gian truyện kể, bao gồm các chi tiết cơ thể đi kèm với các tính từ miêu tả của người kể chuyện – lúc này đứng ở cùng vị trí của lão Khúng khi đang nhớ lại giấc mơ: cao vóng, lủng củng, gồ ghề, gườm gườm, nổi cuồn cuộn. Trong số đó chỉ có một tính từ mang tính định giá rõ nhất: gườm gườm. Thái độ của nhân vật – thường sẽ định hướng cho người nghe chuyện - chỉ thực sự được bộc lộ trong một tính từ miêu tả tổng quát ở mệnh đề sau: ghê tởm. Đoạn miêu tả cụ thể, chi tiết và cận cảnh nhân vật trong giấc mơ của lão Khúng ngoài ra còn có chức năng khởi động. Nó được miêu tả từ con mắt của lão Khúng ở thời hiện tại trong chiều hướng nhớ lại quá khứ. Như vậy nhân vật được kể và tả trong giấc mơ của lão Khúng có vẻ như chịu một sự đánh giá theo hướng phủ định từ góc nhìn của chính lão. Xét theo tiến trình lời kể, có thể thấy sự sắp xếp logic của người kể chuyện: đi từ miêu tả sang hành động, từ khoảng dừng của thời gian truyện kể sang thời gian diễn tiến của câu chuyện. Một nhân vật thứ ba với tư cách đối tượng của câu chuyện xuất hiện: con bò của lão Khúng trong trạng thái đang chờ đợi giờ phán quyết ở giấc mơ – một sự phán quyết tàn nhẫn với hành động khủng khiếp mà kết quả của nó hiện ra ở những chữ cuối cùng của đoạn diễn ngôn: khiến cho một con mắt dính đầy máu trồi ra ngoài.
Tuy nhiên, một hiệu quả khá bất ngờ hiện ra có thể ghi nhận: cảm xúc “ghê tởm” không phải của người kể. Nó thuộc góc nhìn của riêng lão Khúng trước cảnh diễn của giấc mơ này. Điều này gắn với một xu hướng của văn xuôi giai đoạn đầu đổi mới trong thỏa ước kể chuyện: lời phát ngôn của nhân vật trở nên tách biệt với phát ngôn của người kể chuyện. Việc phân biệt hai loại lời phát ngôn này càng trở nên quan trọng để không vi phạm thỏa ước đọc truyện. Nhân vật của truyện kể này là một người nông dân, ít nói và không ai rõ ông ta có suy nghĩ nhiều đến thế không. Nhưng chắc chắn suy nghĩ của ông ta sẽ bị phân mảnh “… như nhiều đàn bò của nhiều nhà tự nhiên đem nhốt chung vào một chuồng và suốt đêm chúng nó húc nhau, rượt đuổi nhau lung tung beng cả lên, ở trong ngăn chuồng quá đỗi chật hẹp là cái đầu của lão”. Người kể chuyện có nói tường minh điều này khi đứng tách ra khỏi vị trí nhân vật chính để nhận xét vừa hiển ngôn vừa so sánh mở rộng kiểu tu từ – nhưng không định giá - về cách thức suy nghĩ của nhân vật.
Sự xuất hiện của điểm nhìn của lão Khúng như là điểm nhìn chính của truyện kể, thay thế dần điểm nhìn truyền thống của người kể chuyện buộc người đọc thận trọng khi phán xét; những điều ấy mang lại một sự khác biệt căn bản giữa tác phẩm Nguyễn Minh Châu thời điểm sau 1980 với những tác phẩm thời chiến tranh. Ví dụ đoạn văn miêu tả suy nghĩ nhân vật khi dong bò và nghĩ tới cảnh công trường; ở đó nhờ thu hẹp điểm nhìn, trộn lẫn hai vị trí, truyện kể của Nguyễn Minh Châu có thể đặt kề nhau hai chủ đề tưởng như cách rất xa nhau, được thể hiện bằng hai câu văn. Hơn nữa những điều được nêu ra ở đây là dưới con mắt của nhân vật chính – trong một tiến trình suy nghĩ kiểu đầu Ngô mình Sở - chứ không phải rành mạch duy lý của người kể chuyện. Người kể chuyện giờ đây đã từ bỏ quyền phán xét và định hướng cho người nghe chuyện:
Phải, hồi bấy giờ thằng Dũng hãy còn nhỏ, là một đứa chúa nghịch ở trong xóm, con khoang đen tuy đã đẻ vài lứa nhưng trông vóc dáng bề ngoài còn là một ả gái tơ đầy quyến rũ và cũng không hiểu sao y như thường xảy ra với những người đàn bà đặc biệt hấp dẫn đàn ông - những lão bò đực đầu đàn đầy hung dữ của ngoài chục xã cứ lăn xả vào mà húc nhau, rượt nhau, gây ra những trận kịch chiến khủng khiếp để quyết giành lấy con khoang đen cho kỳ được. Cũng từ ngày sinh ra đời chưa bao giờ con khoang đen và thằng Dũng được sống dưới bầu trời rộng rãi và náo nức là thế, trong một khung cảnh lao động lãng mạn là thế - một công trường thủ công - đúng như tên trong các sách vở của Mác thường nói và chủ tịch Bời là người đã có công biến thành sự thực nhãn tiền: khắp mọi xó xỉnh trong cả huyện, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con được điều về đông nghìn nghịt, người đã đông mà trâu bò lại càng đông hơn; dân các xã cùng trâu bò trước khi kéo quân về đã được phiên chế thành cơ ngũ: tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn đâu ra đấy với các vị tư lệnh cùng chính ủy, kèn tiến quân, kèn lui quân, trống cái, trống ếch, cờ đuôi nheo, cờ lá chuối, cờ rước thần, cờ đỏ sao vàng, những phù hiệu cấp chức bằng vải, bằng giấy lòe loẹt trên các bả vai và ống tay áo, loa phóng thanh từng buổi, từng giờ vang vang công bố cho toàn công trường những kỷ lục năng suất.
Chúng ta thấy ở đây phát ngôn có chủ thể là lão Khúng, nhưng người thực hiện vẫn là người kể chuyện với lối nói nhiều tầng bậc, trau chuốt. Chỉ có hai câu cho hai chủ đề cách nhau khá xa, con bò là điểm hồi quy liên kết lại. Không đơn giản ở đây là sự đối chiếu, mà là mạch nhớ của nhân vật chính – một lão nông – dưới ngòi bút người kể chuyện. Nhưng nếu như câu thứ nhất còn một câu in dấu ấn của sự pha trộn điểm nhìn, người phát ngôn; thì câu thứ hai điểm nhìn của nhân vật đã chiếm ưu thế. Có đến hai điểm nhìn nhân vật lồng vào nhau chỉ trong một câu, nhưng tất nhiên đều biến dạng qua cảm xúc của lão Khúng. Một loạt các ngữ danh từ kế tiếp nhau thực hiện việc liệt kê nhằm miêu tả ấn tượng còn lại trong đầu nhân vật, như một hình ảnh của kính vạn hoa. Tiếng nói của người kể chuyện biến mất, dù chưa hoàn toàn, nhường chỗ cho nhân vật chính, để từ đó dứt bỏ sự đánh giá theo lối hoàn tất và phán xét đối với những gì được thể hiện. Hơn nữa, người nghe chuyện còn lắng nghe thấy âm vang của những loại ngôn từ khác vọng vào trong lời kể này. Đó là lời của người kể chuyện, của nhân vật chính, của những khẩu hiệu, nghị quyết, bài phát biểu và cả niềm tin đương thời. Chúng tạo nên những bè đối thoại với nhau, lồng vào nhau trong bản tổng phổ rất ngắn này. Một dấu hiệu của tính đa thanh trong tiểu thuyết.
Đoạn văn mở đầu như vậy đã thiết lập mối liên hệ giữa ba nhân vật qua hành động khủng khiếp (bổ xuống giữa đầu con bò) được miêu tả ở khoảng cách rất gần: lão Khúng, nhân vật mà lão Khúng thấy và con bò. Tất cả được nhìn qua góc nhìn hẹp của nhân vật chính, ghi dấu ấn hiện tại, chưa hoàn tất. Có thể nói đoạn văn mở đầu đã hoàn thành chức năng màn giao đãi trong vở kịch cổ điển: giới thiệu nhân vật và mâu thuẫn kịch. Hơn nữa, sự xuất hiện của hành động trong đoạn diễn ngôn đóng vai trò một sự liên kết ngầm nối liền toàn bộ các hành động khác trong truyện kể, và sẽ là ẩn dụ cho hành động chính của truyện kể: đưa con bò đến lò sát sinh. Thời điểm “báo trước” cái chết – còn được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc giữ vai trò điểm nhịp - sẽ trở thành một ngưỡng chờ đợi cho cả người kể chuyện, nhân vật lẫn người nghe chuyện. Có thể liên hệ ở đây thủ pháp dựng kết cấu hay gặp trong các kịch bản phim hành động của Mỹ nói riêng và các loại bộ phim hành động nói chung. Chúng ta sẽ còn quay lại hiệu ứng đón trước này ở phần sau.
Cái mốc chỉ ra quan hệ giữa hai dòng thời gian, câu chuyện và truyện kể, được nêu ra nhiều lần nữa ở những đoạn kiểu như: “Nghĩ tiếp về giấc mơ…”. Trong cả đoạn rất dài này, dĩ nhiên không thể nói đến một sự trùng khít tuyệt đối giữa hai dòng thời gian, người nghe chuyện thỉnh thoảng đứng tách ra lắng nghe người kể chuyện bình luận. Nhưng phần lớn thời gian ấy anh ta đứng ở vị trí của lão Khúng thứ hai để nghe người kể chuyện bình luận. Có những lúc, hai điểm nhìn trùng khít nhờ sự thâm nhập của lời kể gián tiếp tự do vào trong diễn ngôn của truyện kể, như đoạn lão Khúng đứng chênh vênh giữa mơ và thực, giữa thực tại và quá khứ: “Pin! pin! pin! Lạ lùng sao, con bò bỗng kêu rống lên lanh lảnh như… ”. Nỗ lực của người kể chuyện trong truyện kể này là tạo ra một sự kết nối giữa các tuyến thời gian chồng lên nhau: hiện tại của văn bản, hiện tại của câu chuyện. Chính ở chỗ chồng ghép và kết nối này lại hiện ra một khoảng trống lờ mờ, một sự đứt gãy của dòng thời gian kể. Thông thường, các nhà văn sử dụng những liên từ hay thủ pháp ngôn từ nhằm nối – và cũng để phân biệt - hai không gian hậu cảnh và tiền cảnh, hai dòng thời gian quá khứ và hiện tại. Nguyễn Minh Châu lại bỏ trống.
Sự thay đổi cách kể và điểm nhìn thuật chuyện đã tạo điều kiện cho một sự đa dạng trong cách đánh giá không chỉ với nhân vật mà cả với chính những điều có thể coi như “luận đề” của tác phẩm. Tôi gọi đó là cá nhân hóa điểm nhìn. Bản thân việc cá nhân hóa điểm nhìn – hệ quả của nó là sự thu hẹp góc nhìn trước thực tại – đã là một lời tuyên bố bằng thủ pháp nghệ thuật mà Nguyễn Minh Châu sẽ trình bày hiển ngôn sau nhiều năm. Chính cách làm này khiến cho thực tại truyện kể hiện ra một cách chủ quan hơn, nhưng cũng khách quan hơn, vì người nghe chuyện ý thức rõ hơn những giới hạn (cũng là những điều không có thật) được đặt ra trong truyện kể chứ không còn ảo tưởng vào năng lực, chân lý tối cao phán xét và định hướng của người kể chuyện như trước.
Cả câu chuyện nương theo tuyến thời gian hiện tại, mở rộng và phát triển theo hướng kể lại những mẩu khác nhau trong cuộc đời lão Khúng. Một quá khứ được hiện tại bày ra, cắt mảnh, theo những suy tư bất định của nhân vật chính, một người nông dân kiệm lời cả đời gắn với mặt đất. Kiểu dựng truyện này có thể không xa lạ với nhà văn và bạn đọc Việt Nam qua những tiểu thuyết được dịch đương thời của T. Aimatov. Câu chuyện của lão Khúng và về cuộc đời lão vì thế dường như không có thời điểm bắt đầu cụ thể. Dường như nó bắt đầu từ vô cùng, từ cái thời điểm hiện diện con người lão Khúng. Khởi đầu từ một thời điểm bất kỳ, chọn khoảnh khắc hiện tại có sự đồng quy của thời gian kể với thời gian truyện, nhà văn thâu tóm cả cuộc đời nhân vật. Cách thức kể này hẳn không xa lạ với các nhà văn Việt Nam cách Nguyễn Minh Châu cả nửa thế kỷ. Có điều những câu chuyện của Nam Cao – kiểu kết cấu tác phẩm mà Nguyễn Minh Châu học được rất nhiều – với quá khứ được phơi bày qua lời kể kế tiếp ngay sau đó của một kẻ thứ ba nào đó có góc nhìn bao trùm, tức người kể chuyện ở hậu cảnh; và tuân theo nguyên tắc tuyến tính của diễn ngôn có chức năng nhân quả rõ rệt: lý giải quá trình tha hóa của nhân vật. Tính nhân quả được chọn lựa trình bày trong tiến trình truyện kể luôn thể hiện quan điểm của người kể chuyện, đánh giá. Thế mà quá khứ của lão Khúng được nhớ lại qua lời kể - tuyến thời gian hậu cảnh - hình như lại không liên can trực tiếp đến việc lý giải hay đánh giá tiến trình hành động cụ thể trong hiện tại của lão Khúng: đem bò đi bán và thả bò. Vì thế sẽ là vô nghĩa để lắp ghép lại chúng lại theo tiến trình thời gian. Bản thân vị trí của chúng trong toàn bộ tiến trình truyện kể dường như là võ đoán. Lý giải tại sao nó ở đây mà không ở chỗ khác chẳng khác nào vặn vẹo lão Khúng nông dân ít học là tại sao nghĩ thế mà không nghĩ khác. Hẳn là Nguyễn Minh Châu khi xây dựng tương quan quá khứ-hiện tại trong tiến trình kể truyện này cũng chưa hình dung rành rẽ nguyên cớ vì thế này vì thế kia. Nói cách khác, chúng tôi tin rằng sự sắp xếp quá khứ hiện tại trong tiến trình truyện kể này hoàn toàn nằm ngoài sự chi phối ý thức rành rọt của nhà văn, nó thuộc về tính toán của người kể chuyện – mà việc tìm hiểu chúng cần một bài viết sâu hơn nữa. Anh ta cố gắng thâm nhập vào trong ý thức lão già nông dân, nương theo tâm trạng ông lão để khám phá chính cái tiến trình tâm lý đầy phức tạp ấy. Đó là một quá trình phiêu lưu, trình diễn ngôn từ và hình tượng mà hẳn là người kể chuyện cũng không biết trước cái kết cục của hành động. Câu chuyện do thế có những nút biến chuyển bất ngờ không theo một nguyên tắc nhân quả tuyến tính: lão quyết định đưa con bò đi thịt, lão thả con bò chỉ sau vài suy nghĩ, lão gặp lại nó. Tại những vị trí ấy, người kể chuyện trở nên “cận thị” hơn hẳn so với nhân vật chính là lão Khúng. Việc đọc chúng cần được dịch chuyển sang những cấp độ khác, ví như câu văn sau:
Lão Khúng biết rằng cái nốt buộc lần này sẽ không bao giờ cởi ra nữa, lão đang cột cái chết vào cổ con vật.
Lời khẳng định từ điểm nhìn nhân vật (biết rằng…) thuộc về hiện tại không bao hàm một ý tiên đoán mà nhằm nhấn chìm người đọc vào hẳn trong khoảnh khắc hiện tại của dòng trần thuật về con bò trong đêm tối ở phần mở đầu. Không một thông tin của tương lai, hành động thả bò, được hé lộ. Vì người kể chuyện cũng như lão Khúng hoàn toàn không biết mình sẽ làm gì trong vài giờ tới (thả bò), tất nhiên lại càng không biết điều khách quan gì sẽ chờ đợi mình (bò trở về). Có lẽ đây là một điểm canh tân trong ngòi bút tìm tòi lối viết của Nguyễn Minh Châu. Bởi vì đây không phải là việc “giấu giếm” sự biến theo lối phục bút của kỹ thuật kể chuyện quen thuộc với cái nhìn hoàn tất, điều ấy bỗng chốc trở nên hoàn toàn xa lạ - thậm chí là kỳ quái và vô nghĩa – trong hệ thống thời gian kể chuyện hiện tại, trong tiến trình truyện kể đang diễn ra, trong sự tìm kiếm của ngòi bút Nguyễn Minh Châu ở truyện ngắn này.
Để đóng lại diễn ngôn giữa người kể chuyện và người nghe chuyện, truyện kể kết thúc bằng đoạn văn kể lại cuộc đối thoại ngầm giữa người nghe chuyện với con bò – kẻ đối thoại âm thầm với ông lão suốt cả chặng đường vừa qua:
Con vật ngước cặp mắt đầy nhẫn nhục và sầu não lên nhìn lão Khúng. Đó là cái nhìn của một sinh vật tự nguyện chấp nhận số phận. Đứng lặng thinh bên chiếc xe chất đầy củi mà lão đã thay nó toát mồ hôi một mình kéo về được đến đây, lão Khúng cũng chả biết nói gì với con vật, lại càng không thể trách móc, lão chỉ đưa mắt nhìn người bạn đời làm ăn thân thiết bằng cái nhìn cũng đầy sầu não và phiền muộn.
Xem xét đoạn cuối tác phẩm với tư cách những thành phần đóng lại toàn bộ diễn ngôn truyện kể, chúng ta thấy góc nhìn hẹp của thực tại của nhân vật chính khúc xạ dưới góc nhìn của người kể chuyện vẫn đi theo lời kể cho đến phút chót. Nó tương ứng với chi tiết cuối cùng của câu chuyện trong dòng chảy hiện tại truyện kể: lão Khúng gặp lại con bò của mình được thả vào rừng. Một loạt những tính từ định giá và cách diễn đạt đứng ở vị trí chông chênh giữa cái nhìn của người kể chuyện và của nhân vật chính là lão Khúng: nhẫn nhục, sầu não, tự nguyện chấp nhận số phận. Cái nhìn của lão Khúng lúc này khúc xạ qua điểm nhìn của người kể chuyện. Kết thúc này – từ góc nhìn rất hẹp của nhân vật chính - tỏ ra hoàn toàn bất ngờ với người nghe chuyện, người kể chuyện và cả với nhân vật chính là lão Khúng. Có thể gọi đó là một “biến cố” đối với quãng đời mà lão Khúng gắn với con bò, với cả buổi sáng được kể trong truyện kể này. Một biến cố trước đó liên quan đến biến cố này là việc bất ngờ lão nông dân quyết định thả con bò vào rừng. Hơn nữa, biến cố này còn khép lại vòng tròn câu chuyện, đặt tất cả mọi việc dường như trở lại trạng thái ban đầu sau một biến cố quan trọng trong đời lão cũng như đời con bò: thả bò. Không có gì thay đổi về mặt tình huống; vẫn từng ấy nhân vật và quan hệ. Có thể có những biến đổi khác về chủ đề liên quan đến cấp độ chức năng của những chi tiết này, nhưng bàn về chúng lại vượt quá phạm vi của bài viết. Khoảng cách rất nhỏ về thời gian truyện kể trong quan hệ với thời gian câu chuyện và sự tồn tại của việc kể tạo nên một độ chênh kỳ lạ giữa các tuyến thời gian: sự từ tốn bình thản của nhịp điệu thời gian truyện kể trong quan hệ với biến cố… Chắc chắn người ta có thể khai thác được những khía cạnh thú vị chủ đề từ độ chênh này. Nếu cần nói thêm thì đó là việc những biến cố quan trọng của buổi sáng hôm đó – một buổi sáng quan trọng của đời lão Khúng – nhưng lại không được người kể chuyện dành nhiều thời gian của truyện kể. Tất cả đều đột ngột bắt đầu, đột ngột diễn ra rồi bất ngờ kết thúc không dư âm. Lời kể - thời lượng văn bản - trôi qua với nhịp điệu thời gian bình thản.
Đến đây, tôi nghĩ rằng cần phải xem lại luận điểm ban đầu rằng Nguyễn Minh Châu từ bỏ cốt truyện, rằng có sự phân rã cốt truyện trong truyện ngắn này! Nhìn từ góc độ tự sự học, như chúng tôi vừa nêu giả thiết, hoàn toàn không có sự từ bỏ này. Câu chuyện và truyện kể vẫn đầy những biến cố, không kém phần quan trọng với đời sống cá nhân của nhân vật lão Khúng cũng như với buổi sáng cực kỳ quan trọng này: đi bán bò, thả bò, gặp lại bò. Chỉ có điều những biến cố này gắn với dòng thời gian hiện tại của cá nhân nên mất đi cái vẻ quan trọng chủ quan mà người kể chuyện truyền thống thường trao cho chúng nhằm phóng đại và nhấn mạnh một ý nghĩa nào đó theo chủ quan để từ đó nêu ra một định đề, một luận thuyết. Đích thực đó là việc từ bỏ lối kể truyền thống khi sử dụng lại cốt truyện thường thấy. Cốt truyện đúng nghĩa với sự tồn tại của biến cố không hề biến mất, nhưng giờ đây là nổi lên tầm quan trọng của cách kể bằng việc ưu tiên thời gian kể chuyện hiện tại. Đặt sự biến trong cái thang bậc thông thường của chính nó – cuộc đời bình thường của một ông già nông dân – đã thay đổi cách thức kể chuyện thông thường. Nguyễn Minh Châu không còn “thu phóng” chủ quan những hình ảnh của cuộc sống. Ông tái tạo chúng và trình diễn chúng như vốn có.
Điều này hoàn toàn tương ứng với những phân tích điểm nhìn đã nêu ra ở trên. Đó là sự thu hẹp điểm nhìn vào một nhân vật lão nông bình thường, do thế đặt khung cảnh xã hội vào chiều sâu quan sát. Điểm nhìn đó sẽ rất hẹp và cho phép Nguyễn Minh Châu nhắc đến rất nhiều sự việc mà không sợ bị phạm húy (công trường thủ công và sự tức giận của lão Khúng mà chúng ta vừa nhắc ở trên chẳng hạn). Hướng đến sự trong veo của ngôn từ, Nguyễn Minh Châu nỗ lực tạo ra một điểm canh tân mới cho lối kể. Người đọc có quyền nhìn nhận những suy nghĩ này như một lời đánh giá của người nông dân, nhưng không thể gán nó cho người kể chuyện, lại càng không thể gán nó cho Nguyễn Minh Châu. Vì thế cũng nực cười không kém khi quả quyết rằng Nguyễn Minh Châu muốn nói điều gì đó qua thiên truyện này. Công việc đó là ở người đọc. Người kể chuyện ở đây đã từ bỏ quyền chỉ định ngôn ngữ cho nhân vật, chấp nhận điểm nhìn nhân vật – dù đôi khi theo thói quen đối thoại thông thường anh ta vẫn nhảy vào tranh cãi với lão Khúng hoặc nhại lại nhân vật chính. Thế mà ngay chính lời nhại này đã làm giãn ra cái khoảng cách giữa người kể chuyện với nhân vật chính và sự “bình đẳng” vốn ít thấy giữa hai loại nhân vật này trong truyện kể(1):
Sau khi xua được con vật sang bên kia sườn núi đá, lão Khúng âu yếm chia tay với người bạn thân thiết bằng cách trở đầu roi, cầm trên tay đánh một trận thực lực, tay đánh miệng chửi bới nguyền rủa.
Hành động thả bò - mà có thể nhà văn khác sẽ dừng lại và phóng to nó lên theo chiều kích cao cả như “phóng sinh”, “trả lại tự do”… bằng những trường đoạn để diễn tả được kiểu cảm xúc nhằm nhấn mạnh một luận đề nào đó – được người kể chuyện ở đây kể và tả ngắn gọn, chêm vào những tính từ định giá theo chiều hướng đối nghịch nhau (vì thế có cảm xúc nhại rất rõ). Có thể Nguyễn Minh Châu chẳng liên quan gì đến Nguyễn Huy Thiệp hay Phạm Thị Hoài về mặt tư tưởng sáng tác. Khoảng cách sáng tác những người này quá gần nhau, còn khoảng cách xã hội lại quá xa nhau. Nhưng điều ấy lại là một gợi ý cho nghiên cứu từ phương diện xã hội học trước sự trưởng thành tất yếu của lối viết mới ở một thế hệ nghệ sĩ mới. Dĩ nhiên phong cách - điều mà người ta dễ nhận thấy nhất – của Nguyễn Minh Châu lại càng khác những nhà văn được coi là hậu hiện đại; nhưng ông có một điểm chung với họ. Đó là thứ lao động ngôn ngữ, tạo ra những khoảng cách khác biệt trong chính chúng. Sự soi chiếu giữa chúng với nhau – như những mảng màu trong tranh ấn tượng - tạo nên hình khối cho sự kiện hay nhân vật chứ không phải chỉ là sự quy chiếu hiện thực bên ngoài. Sự soi chiếu lẫn nhau ấy chính là một cách để từ bỏ nguyên tắc “giống thực” vẫn quen được gọi theo định kiến là “văn học minh họa” cần thiết của một thời khói lửa. Những canh tân của ông mặt khác có thể chung cho một thế hệ nhà văn, nhưng không hẳn là khuôn mẫu để đánh giá và định giá cho những tác phẩm khác.
Góc nhìn tự sự học so sánh hai điểm khởi đầu và kết thúc văn bản truyện kể như được nêu ở trên chắc hẳn chỉ soi sáng một góc nhìn rất phụ của nghiên cứu văn chương nói chung, và của tác phẩm này trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Minh Châu nói riêng. Đó là cái nhìn từ một văn bản được trừu xuất khỏi các quan hệ xã hội, nó nhấn mạnh đến việc xem xét quan hệ nội tại giữa người kể chuyện với đối tượng được nhắc đến trong văn bản, cách thức sử dụng ngôn ngữ và người nghe chuyện. Bên cạnh đó, phải cần đến rất nhiều những cách tiếp cận từ hướng tư tưởng, chủ đề, đề tài, loại hình học, xã hội học, thi pháp, và ngay cả tự sự học ở những cấp độ chi tiết hơn... Góc nhìn phụ này chỉ có ưu thế là giúp những góc nhìn chính kia trở nên rõ ràng, có lý và thuyết phục hơn. Không có tham vọng nêu ra ý nghĩa truyện ngắn, bài viết hy vọng làm nền cho việc hiểu ý nghĩa tác phẩm tùy theo sự lựa chọn của từng người đọc trong từng thời điểm1
17.7.2010
_______________
(1) Ví dụ này cùng với những phân tích điểm nhìn khác có thể khiến ta nghĩ tới những dấu hiệu ban đầu cho tính “phức điệu” (polyphonie) của văn xuôi Nguyễn Minh Châu thời đổi mới.