Hồn ma và bóng quỷ trong truyện truyền kỳ trung đại từ góc nhìn folklore
Nguyễn Thị Kim Ngân
“Kính quỷ thần nhi viễn chi”– Luận ngữ
Trong lịch sử nhận thức của nhân loại, con người luôn bị thu hút bởi những suy đoán về đời sống phía sau cái chết. Những câu chuyện kể về chuyến phiêu lưu của người anh hùng trong các câu chuyên cổ từ trong thẳm sâu văn hóa không gì hơn là hình thức lên đường đi tìm hiểu thế giới bên kia. Các linh mục, tăng lữ thiền định, những người già được trao truyền nhiệm vụ dẫn dắt tinh thần của cộng đồng, nhà thơ dân gian, những nghệ nhân của hình thức nghệ thuật truyền thống đã hát, kể rất nhiều về cuộc hành trình của tâm hồn khi nó rời khỏi cơ thể và di chuyển vào những không gian kỳ lạ, tạo thành một chủ đề phong phú trong folklore. Dòng chảy này tiếp tục sinh mệnh của nó khi được văn học viết tiếp thu và tái tạo những dạng thức không gian siêu hình mới như một hình thức chứng minh cho sự phát triển của tư duy triết học và thần học của con người khi suy tư về các thế giới tinh thần khác. Việc kể những câu chuyện và tạo ra một thứ không gian kỳ ảo, nơi trú ngụ của những linh hồn tựa như một chuyến hành trình đi tìm kiếm những bằng chứng khoa học cho việc các hiện tượng siêu tự nhiên, sự tồn tại của ma quỷ, hay cuộc sống sau khi chết là có thật, nhằm mục đích trả lời cho câu hỏi lâu dài nhất trong lịch sử về sự tồn tại của loài người. Ở Việt Nam, một trong những biểu hiện cho thấy chủ đề này đã được văn học viết thừa hưởng chính là việc truyện truyền kỳ đã xây dựng nên không gian của hồn ma mà nguồn cội của nó, trước tiên, phải được truy nguyên từ trong những chất liệu nghệ thuật cũng như quan niệm về thế giới và con người trong Folklore.
1. Nguồn cội thế giới của linh hồn trong Folklore
Trong công trình Hình thái học của nghệ thuật, nhà nghiên cứu M.Cagan khi nhận định về tính hỗn đồng của tư duy người nguyên thủy cho rằng: “Tình trạng con người chưa tách mình ra khỏi tự nhiên, việc con người tinh thần hóa tự nhiên, cấp cho nó hình dáng người, tình trạng thiếu ranh giới giữa cái hiện thực và cái quái đản – đó là những đặc điểm của cấu trúc nhận thức nguyên thủy, chỉ có thể thể hiện thích hợp trong hình tượng nghệ thuật”(1). Do đó theo ông, chuyện kể về những truyền thuyết cổ xưa nhất chẳng qua là những huyền thoại, tức là lời tự sự quái đản về cuộc sống của thiên nhiên, nguồn gốc của con người, những quan hệ của con người với động vật, cây cỏ. Và điều quan trọng hơn cả là các yếu tố tự nhiên và những bài tự sự này đối với những người tạo tác ra nó hoàn toàn “không phải là hư cấu nghệ thuật, mà là miêu tả những điều thực tế đã diễn ra và đang diễn ra”(2). Không chỉ riêng M.Cagan, những nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng khác như E.B.Taylor trong Văn hóa nguyên thủy, Levy Bruhl với Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên thủy , hay nhà nhân học văn hóa J. Frazer trong Cành vàng… đều đi đến nhận định: Đặc điểm nổi bật nhất của tư duy con người thời cổ chính là kết quả của việc, một mặt chưa tách mình ra khỏi thế giới tự nhiên, mặt khác con người, một cách cố tình, gán cho môi trường tự nhiên những thuộc tính của bản thân mình, gán cho nó sự sống, khát vọng, diện mạo và đặc biệt là cơ cấu tổ chức xã hội của chính con người. Đấy là lý do cho sự ra đời của tín ngưỡng vật linh, các thuyết về vật tổ, ma thuật vi lượng, hay quan niệm về sự tham dự thần bí của các thế lực thần thánh và ma quỷ trong đời sống thường nhật của con người.
Bên cạnh đó, Levi– Strauss, nhà khoa học khởi xướng trường phái Nhân học cấu trúc trong khi kiến giải về khả năng tư duy của người nguyên thủy đã cho rằng con người ở các dân tộc thời cổ khả năng tư duy logic được thể hiện rất đặc biệt: “Họ nhận xét thế giới trước hết bằng các cặp đối lập mà cơ bản nhất là hai cặp Trời / Đất và Đực / Cái. Hai cặp này cũng lồng vào nhau như Trời/Đất // Đực/Cái. Những bản phối hợp của chúng có thể biến thành nhiều “bản hòa tấu” trong thế giới của những ký hiệu, tượng trưng và thần thoại. Từ tư duy cặp đối lập, họ tìm ra yếu tố trung gian xen vào giữa, yếu tố có sứ mạng hòa giải tạo nên sự cân bằng. Nhiều nghi lễ, tập tục, thần thoại được tạo ra là để cụ tượng hóa yếu tố trung gian này. Chúng vừa là văn hóa nghệ thuật, vừa là công cụ giải thích thế giới, vừa có chức năng nghệ thuật, vừa có chức năng tôn giáo”(3). Lối tư duy nhị phân này của người nguyên thủy chính là nguyên nhân khiến cho những huyền thoại, truyền thuyết, những câu chuyện cổ, một cách tự nhiên, luôn biểu hiện đầy đủ về một thế giới được phân chia thành bên này và bên kia, bên này thì hữu hạn và bên kia thì vĩnh cửu. Bên này là không gian sống thường nhật của con người, vượt qua ranh giới bên kia là thế giới kỳ ảo chứa đựng đầy rẫy các linh hồn và ma quỷ. Những quan niệm này cho thấy khởi thủy từ trong folklore cũng như các tài liệu cổ khác, linh hồn và ma quỷ được xem là thành phần không thể thiếu của trật tự tự nhiên. Người chết hay nói cách khác là những linh hồn đã rời khỏi cơ thể dường như chưa bao giờ mất đi, họ thật sự có mặt và có khả năng tham dự vào đời sống thường nhật để giải quyết một nhiệm vụ nào đó vẫn chưa hoàn kết. “Họ chỉ vô hình trên thực tế chứ không vô hình theo quy luật. Người ta không nhìn thấy họ nhưng dù sao họ vẫn cứ ở đó. Không một ai nghi ngờ điều này”(4).
Do đó, trong bảng danh mục các motif văn học dân gian của Stith Thompson, chủ đề liên quan đến Hồn ma và các linh hồn hiện hữu chiếm từ mục E200– E599 cùng với hàng trăm các motif lớn nhỏ khác nhau đã cho thấy khả năng chiếm lĩnh và thể hiện các vấn đề liên quan đến siêu hình học dân gian đã ra đời và phát triển từ rất sớm. Giống như bất kỳ hình thức nào của folklore, những câu chuyện về hồn ma trong dân gian đã nói với chúng ta nhiều điều về các giá trị văn hóa của quá khứ. Hầu hết tất cả các motif thuộc chủ đề này đều liên quan đến tabu – là những hình thức cấm kỵ trong các cộng đồng người thời cổ sơ. Chẳng hạn như các motif C93. †C93 Cấm kỵ: Xâm phạm vào khuôn viên thánh (có thể là thị trấn của hồn ma), C211.2.1. †C211.2.1 Cấm kỵ: ăn uống trong vùng đất của những hồn ma, C311.1.1. †C311.1.1 Cấm kỵ: nhìn vào những bóng ma, C735.2.6. †C735.2.6 Cấm kỵ: ngủ trên con đường của bóng ma, C824. †C824. Cấm kỵ: tìm kiếm tên của hồn ma… (“Motif– index of folk– literature: a classification of narrative elements in folktales, ballads, myths, fables, medieval romances, exempla, fabliaux, jest– books, and local legends”(5)). Điều đó cho thấy, phần lớn những câu chuyện liên quan đến hồn ma từ sâu xa đều ẩn chứa các quan niệm về sự cấm kỵ và trở thành một biểu trưng của sự sợ hãi. Việc vi phạm các tabu sẽ khiến tâm hồn con người ngập tràn tội lỗi như đã phạm vào các tôtem thiêng liêng. Như thế, sau một khoảng thời gian phôi thai dài trong truyện kể dân gian. Những câu chuyện về hồn ma, dần dần đã được khắc ghi vào văn hóa và tinh thần của nhân loại và biểu hiện thường xuyên của nó đã được tìm thấy trong các tác phẩm triết học, lịch sử và tôn giáo, cũng như nhiều thể loại văn học khác.
Có thể thấy, số lượng lớn các câu chuyện liên quan đến những bí ẩn của chết chóc và linh hồn làm cho chuyện truyền khẩu xung quanh nó độc đáo vì nhiều lý do. Đầu tiên, bởi vì cái chết là phổ quát và xảy ra mà không quan tâm đến văn hóa, giới tính, địa vị xã hội, hoặc bất kỳ yếu tố nào khác, nó là trọng tâm của folklore nhiều hơn bất cứ điều gì. Ngoài ra, bởi vì không ai biết điều gì đang chờ đợi con người sau sự tử vong không thể tránh khỏi, và như thế phần lớn những gì liên quan đến cái chết và thế giới của các linh hồn trong văn hóa dân gian đều được tạo ra bởi sự sợ hãi. Điều này càng được tô đậm trong nền văn hóa Việt Nam vốn đã hình thành quan niêm vạn vật hữu linh và tín ngưỡng gốc là sùng bái tự nhiên và thờ cúng tiên tổ từ thoạt kỳ thủy.
2. Sự tiếp thu chủ đề hồn ma và bóng quỷ trong truyện truyền kỳ trung đại.
Khi đề cập đến sự quan tâm của các nhà văn viết truyện truyền kỳ về những chủ đề hồn ma – vốn là trọng tâm của folklore, chúng ta cần xem xét đôi chút về mối quan hệ đặc biệt giữa hai dòng văn học thành văn và văn học dân gian. Trong nhiều thập kỷ trước, các nhà nhân học văn hóa như Franz Boas hay Émile Durkheim đã bắt đầu thể hiện mối quan tâm dành cho sự hiện diện của văn học dân gian trong các văn bản văn học bằng cách nỗ lực tách riêng rẽ các bài hát, giai điệu, và những câu chuyện có nguồn gốc từ “dân gian”. Trong các nghiên cứu như vậy, họ đã sử dụng nghệ nhân như một nguồn cung cấp thông tin và xử lý các hoạt động nghệ thuật này chỉ như một tài liệu lịch sử. Những người nghiên cứu văn học theo trường phái Elitist (cách tiếp cận theo chủ thuyết của tầng lớp ưu tú) thậm chí đã cùng chia sẻ một tiền đề quan trọng duy nhất có thể được tinh giản đến một phương trình sau đây: Văn học – Nghệ thuật = Văn hóa dân gian (6) Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XIX, ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận ra rằng diễn xướng dân gian đích thực là sự kiện nghệ thuật ban đầu được tạo nên bởi những cá nhân tài năng, đồng thời bản thân chất liệu folklore đã cung cấp cho nhà văn chủ đề và motif, các mô hình cấu trúc cốt truyện cũng như tạo nên một sự ảnh hưởng mạnh mẽ nhiều hơn chính họ tưởng tượng. Và một trong những vấn đề đầu tiên mà văn học viết thừa hưởng chính là yếu tố kỳ ảo từ folklore.
Thoạt tiên, khi tìm hiểu về dạng truyện kỳ ảo trong văn học trung đại, người ta dễ dàng nhận ra phả hệ lâu dài và đáng kính của nó khởi phát từ truyện kể dân gian, nơi “cái kỳ diệu” đóng vai trò chủ chốt. “Cái kỳ ảo” trong truyện kể dân gian là một trong những nhân tố cơ bản và trở thành một yêu cầu có tính nguyên tắc đối với nghệ nhân kể chuyện trong việc kiến tạo nên hình hài của truyện kể. Tính chất này là nền tảng căn bản của thế giới truyện kể dân gian và làm nên sức hấp dẫn của một số lượng lớn các câu chuyện truyền khẩu. Tuy nhiên, “cái diệu kỳ” không chỉ bó hẹp phạm vi hoạt động của mình trong folklore. Văn học viết tiếp thu tinh hoa của văn học dân gian cũng đồng thời thừa hưởng luôn những mẫu hình tự sự đã được kiến tạo trong các câu chuyện cổ từ trước đó. Và “cái diệu kỳ”, từ địa hạt của truyện kể dân gian đã nghiễm nhiên trở thành một trong những năng lượng cơ bản tạo nên diện mạo của các câu chuyện kỳ ảo thời trung đại, trong đó truyện truyền kỳ là một minh chứng tiêu biểu. Rõ ràng, chủ đề hồn ma nơi chứa đựng đầy rẫy các yếu tố kỳ ảo mà folklore ra sức xây dựng, cũng theo đó trở thành một trong những chủ đề được truyền kỳ trung đại thừa hưởng cả trên phương diện nội dung lẫn nghệ thuật. Mặt khác, cũng cần thấy rằng, tính chất “kỳ”, vốn được nhấn mạnh như một phương diện nghệ thuật nhằm làm tô đậm các tính năng của thể loại truyền kỳ phù hợp một cách hoàn hảo với những câu chuyện đề cập đến thế giới của hồn ma và bóng quỷ trong văn học dân gian.
Để hiểu được điều này, không thể không nhắc đến bối cảnh xã hội Việt Nam trong những thế kỷ mà truyện truyền kỳ viết về thế giới của các hồn ma ra đời và đạt đến đỉnh cao. Có thể thấy, chất liệu dân gian là dấu hiệu hoàn toàn dễ nhận ra trong tác phẩm như Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ vào thế kỷ thứ XV, hoặc là dấu hiệu để chúng ta có thể sử dụng giải mã các tác phẩm còn xa hơn trước nữa mà Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông, Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, hay Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh là những ví dụ. Như vậy, folklore là một phần không thể thiếu trong việc kiến tạo nên những nền tảng nội dung và nghệ thuật cần thiết cho truyện truyền kỳ. Nguyên nhân không thể loại bỏ trong tình trạng tiếp biến chất liệu nghệ thuật này là hiện tượng nhà văn viết truyện truyền kỳ sống “gần gũi” với những người dân nơi thôn xóm và lớn lên cùng các chất liệu truyền thống. Các tác giả trung đại, đã dựa vào nền giáo dục của họ được tái thiết từ nguyên liệu thần thoại, truyền thuyết và lịch sử, cuối cùng đã đưa vào tác phẩm của mình những cảm giác dường như là “quen thuộc”, theo một thể thức rất tự nhiên. Việc sử dụng các chủ đề và motif hồn ma từ trong dân gian, do đó, đối với các nhà văn truyền kỳ là thao tác sáng tạo vừa hữu thức vừa vô thức.
Tuy nhiên, khác với folklore, thế giới hồn ma trong truyện truyền kỳ không còn giản đơn và thiếu tính kỹ xảo mà đã chịu sự chi phối bởi những tham chiếu về biến động xã hội, chính trị, hay những hành trang văn hóa khác nhau của mỗi tác giả trong những xã hội với sự tổ chức ngày càng phức tạp. Rõ ràng, bản thân thể loại truyền kỳ ngay từ khi mới ra đời và phát triển lên đỉnh cao trong thế kỷ XV, XVI chỉ là một tiểu diễn ngôn bên cạnh diễn ngôn chính thống của thời đại mang đậm màu sắc Nho giáo. Việc lựa chọn, sưu tầm và tái tạo lại các câu chuyện từ trong dân gian của thể loại này một mặt đã bày tỏ sự chống đối của bản thân các văn nhân đối với diễn ngôn chính thống, thể hiện sự kháng cự của những người thuộc tầng lớp tinh hoa với vũ trụ quan của Nho giáo, đồng thời phô bày một sự khủng hoảng bản sắc mạnh mẽ của những trí thức được đào tạo bởi cửa Khổng sân trình. Chủ đề về hồn ma và bóng quỷ lúc này là hiện thân của một thế giới quan phi chính thống, “nổi loạn” về mặt tinh thần, và không rõ ràng trong thái độ đạo đức. Sự gia tăng một cách chóng mặt các câu chuyện về hồn ma – chủ đề mà Nho giáo ra sức răn đe các đệ tử của mình xa lánh- đã cho chúng ta hiểu nhiều hơn về bối cảnh xã hội phức tạp, tranh tối, tranh sáng như một chất xúc tác mạnh mẽ tàng ẩn đằng sau mỗi câu chuyện. Nguyễn Dữ là trường hợp tiêu biểu nhất cho thấy, bối cảnh xã hội rối ren, sự tha hóa của nhân thế, sự thối nát của các tổ chức xã hội do con người tạo dựng đã khiến danh sĩ này mất lòng tin sâu sắc vào con người và xã hội loài người, dẫn đến quyết định quay lưng với thời cuộc và cùng với đó là khát vọng mãnh liệt được giải thoát vào trong những thế giới tinh thần khác. Những câu chuyện truyền kỳ viết về thế giới hồn ma trong các sáng tác của Nguyễn Dữ, do đó, luôn mang nặng nỗi đau thế sự và sự bất mãn sâu sắc trước thời cuộc.
Ở đây, chúng tôi tìm thấy trong ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Nam hạt nhân để có thể lý giải tại sao trong truyện kỳ, không gian hồn ma, một loại không gian siêu hình điển hình lại phát triển mạnh đến như vậy. Trong công trình “Jiandeng Xinhua and Truyền kỳ mạn lục: Adaption as Literary Interpretation” (Tiễn Đăng Tân thoại và Truyền Kỳ Mạn Lục: Cải biên với tư cách là tiếp nhận văn chương) ông cho rằng: “Con người ở đây đã cảm thấy quá mệt mỏi vì chiến tranh và sưu cao thuế nặng. Họ hiểu quá rõ về cái chết, sự đói kém, và vô vàn những sự thiếu thốn khác. Nền móng đạo đức bị băng hoại. Và điều này còn tồi tệ hơn nữa bởi các chính sách khắc nghiệt của chính quyền và cảm giác không được bảo vệ cùng với sự chán nản, mệt mỏi về thể chất gây ra bởi khí hậu nhiệt đới và những ảo giác tạo điều kiện cho người ta tin vào các thế lực siêu nhiên. Hơn nữa, lịch sử thế giới ở quốc gia này đã cho chúng ta thấy rằng không có vấn đề nào mà các quốc gia trong những hoàn cảnh tương tự tránh khỏi tình trạng mất ổn định và nổi loạn. Nó thể hiện những phản ứng tự vệ giống nhau, cô lập bản thân nó và quay trở lại với trạng thái thần học”(7). Có lẽ đây là những lời giải thích sáng rõ cho hiện tượng các nhà văn truyền kỳ đặc biệt quan tâm đến chủ đề về thế giới hồn ma – một trạng thái thần học đặc biệt liên quan đến “linh hồn luận” – và sử dụng nó làm đề tài để sáng tạo.
3. Bước tiến mới trong việc sử dụng chất liệu về thế giới hồn ma từ folklore
Trong khi một số các nhà nghiên cứu tin rằng folklore chính là di sản tốt nhất mà thời gian và trạng huống xã hội để lại, nó hoàn toàn không bị pha tạp bởi các vấn đề ẩn dụ về xã hội, chính trị, đạo đức, tâm lý một cách phức tạp như văn học viết. Và do đó, nó phong hóa và thể hiện các vấn đề cuộc sống một cách nguyên sơ nhất. Thì một số học giả đề cao tính hàn lâm của văn học, nhìn nhận folklore như sản phẩm của những người mù chữ, thiếu hiểu biết và vắng đi các kỹ xảo trong trình bày thì cho rằng văn học viết tiêu biểu ở chỗ nó khắc phục được những giới hạn của cái lĩnh vực ảnh hưởng chật hẹp của lời nói thành tiếng, và dó đó, có khả năng bước vào một thứ không gian rộng lớn không biết đến giới hạn. Xét về phương diện này, có thể nói truyện truyền kỳ đã tiến một bước dài trong việc vượt qua thành tựu của văn hóa dân gian để biến thành một thể loại độc lập, với nguyên tắc sáng tạo và trường thẩm mỹ riêng biệt.
Do đó, không ngạc nhiên khi con số thống kê chỉ ra rằng 1/3 trong tổng số các motif của truyền kỳ được tìm thấy trong bảng danh mục các motif của văn học dân gian. Tuy nhiên, truyện truyền kỳ trung đại không chỉ kế thừa và tiếp thu một lịch sử của sự quyến dụ, niềm đam mê, khát vọng chế ngự, cũng như cảm giác bất an với linh hồn và ma quỷ. Việc hấp thu các kỹ thuật tạo dựng motif từ trong folklore một mặt mang tính vô thức xuất phát từ văn hóa, môi trường sống và nền giáo dục mà nhà văn ấy được thụ hưởng, nhưng một khía cạnh quan trọng khác, nhu cầu sử dụng chất liệu dân gian trong tác phẩm văn học kỳ ảo là sản phẩm của sự tự ý thức về mặt kĩ thuật viết. Điều này đánh dấu quá trình chuyển tiếp của yếu tố kỳ ảo trong folklore như một đặc trưng về mặt tư duy, sang đến truyền kỳ đã phát triển thành một đặc tính về mặt nghệ thuật.
Có thể thấy, trong khi ma quỷ và các linh hồn trong folklore được xem là một trật tự không thể thiếu của tự nhiên và do đó, sự giao hòa và tồn tại hiển nhiên của nó trong đời sống cũng tựa như khí trời và nước uống, thì đến truyện truyền kỳ, không gian hồn ma được xem xét và tô đậm như là một lĩnh vực của cái bất thường. Con người sợ hãi khi đặt chân đến thế giới ấy. Nỗi hoang mang sẽ xảy ra với nhân vật khi phát hiện ra mình đang giao tiếp với linh hồn. Truyện truyền kỳ lúc này đã chạm vào được cái cốt lõi và đạt đến bản chất của truyện kỳ ảo khi xảy ra hiện tượng “sự đột nhập dữ dội của cái huyền bí vào khuôn khổ của đời thực”(8). Những câu chuyện trong Thánh Tông di thảo như Mai Châu yêu nữ truyện, Hoa quốc kỳ duyên, Ngư gia chí dị… và Truyền kì mạn lục – Hạng vương từ ký, Khoái Châu nghĩa phụ truyện, Mộc miên thụ truyện, Tây viên kỳ ngộ ký; Công dư tiệp kí (Vũ Phương Đề, đầu thế kỉ XVIII) với những truyện như Bộ đầu linh từ ký, Kim Tung thủy thần ký; Truyền kì tân phả với An ấp liệt nữ lục, Bích câu kỳ ngộ (Đoàn Thị Điểm, thế kỉ XVIII); Lan Trì kiến văn lục (Vũ Trinh, cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX) với những câu chuyện Tái sinh, hay ngộ tiền sinh, Tân truyền kì lục... đều ít nhiều mô tả hiện tượng này.
Tuy nhiên, so với folklore, trong truyện truyền kỳ sự nhận thức hồn nhiên về vạn vật hữu linh đã thay đổi nhưng nỗi khắc khoải về một thế giới siêu hình thì vẫn còn ám ảnh con người, thu hút con người – thể hiện một đẳng cấp khác biệt của nhận thức và cảm thức. Với cảm quan siêu hình về thế giới, các nhà văn trung đại rõ ràng đã tạo ra một vũ trụ, với khả năng đi qua những không gian mà xét theo logic là không thể xuyên qua. Bằng trí tưởng tượng và sự thăng hoa của khát vọng, cảm quan siêu hình có khả năng giúp con người vượt qua vách ngăn thực tại với tưởng tượng và thâm nhập một thế giới dường như phong phú và có ý nghĩa hơn. Ở đó, bằng những thủ pháp nghệ thuật đặc biệt, các nhà văn khiến cho độc giả bị đẩy về một vùng phi thực đích thực, tạo nên một thứ không gian kỳ ảo, nơi thần linh, ma quỷ và những điều huyễn tưởng đều có khả năng dự phần vào đời sống hằng ngày và ngược lại. Dư ba của cảm quan siêu hình để lại khiến cho con người được vỗ về, tạo nên một thứ diễn ngôn giải thoát được biểu hiện rõ ràng trong truyện truyền kỳ thời trung đại Việt Nam. Và hơn hết, sự quyến dụ của thế giới siêu hình về hồn ma và bóng quỷ trong thế giới ấy càng lớn bao nhiêu thì nỗi buồn khi thức dậy của các văn nhân càng sâu sắc bấy nhiêu.
Bên cạnh đó, có thể nhận thấy truyện truyền kỳ lúc này đã cố gắng cung cấp một hệ thống tình tiết phức tạp liên quan đến sự xuất hiện của hồn ma mà ở đó bối cảnh đã được trao truyền lý tính cao hơn nhằm giải thích cho những sự kiện vốn không thể nào giải thích trong folklore. Chẳng hạn, mặc dù dung lượng khá ngắn là một trong những nét đặc trưng của truyền kỳ nhưng những câu chuyện liên quan đến hồn ma và thế giới bên kia luôn xuất hiện tình huống thương thảo, đàm phán và trò chuyện giữa ranh giới quan trọng của hai cõi sống chết, qua đó tạo nên kịch tính và mối quan tâm chính của câu chuyện. Những câu chuyện liên quan đến thế giới hồn ma thường diễn ra theo hai xu hướng, đầu tiên là một người sống/hoặc chết tạm thời trải qua những thương lượng và khó khăn nhất định để đạt được mục đích trở lại dương gian từ thế giới của người chết (vì thế mà xuất hiện những câu chuyện trong đó nội dung chính là “trở về từ cõi chết” như Tái sinh trong Lan trì kiến văn lục, truyện Đối tụng ở Long cung trong Truyền kỳ mạn lục,… với các motif quen thuộc F81.1 Hành trình về cõi chết để mang người trở về từ cõi chết, F105. Người chết sống lại từ miền đất của cái chết, hay F93.1.1 Người chết đan lưới trên sông ngăn cho người sống trở về trái đất, F81.2 Hành trình xuống địa ngục để đòi lại giao kèo với quỷ dữ, E141. †E141 hay Hồn ma lừa dối để người ta không tìm thấy con đường quay trở lại ngôi mộ (9)). Ở một xu hướng ngược lại, hồn ma người đã khuất nhất định đạt được mục đích thâm nhập vào thế giới của người sống và để giải quyết một ân oán nào đó vẫn chưa kết thúc ở dương gian. Đây là câu chuyện về những hồn ma là quỷ dữ, chưa thể siêu thoát vì còn vướng nợ trần. (vì thế chúng ta có truyện ma báo oán với những motif tiêu biểu như †E200– – †E299 Trở lại một cách ác độc từ cõi chết, E211.2. †E211.2 Người yêu đã chết xuất hiện và cám dỗ mỗi tối ngay cả sau khi anh ta đã kết hôn với người phụ nữ khác. E230. †E230, Trở về từ cõi chết để trừng phạt, E232.4. †E232.4 Hồn ma trở về giết kẻ thù. E251.3.4. †E251.3.4 Ma rút đi hơi thở của con người (10)). Những câu chuyện với chủ đề hồn ma báo oán này xuất hiện rất nhiều trong truyện truyền kỳ của Nguyễn Dữ như Chuyện nghiệp oan của Đào thị, Chuyện yêu quái ở Xương Giang… Bằng những tình huống này, tác giả truyện truyền kỳ thể hiện mối quan tâm với bản chất của ranh giới và đã thử nghiệm nhiều cách khác nhau, tạo ra nhiều câu chuyện trong đó nhân vật thường tìm cách vượt qua các biên giới không gian và từ đó gây nên những bi kịch hoặc là những câu chuyện hết sức huyễn hoặc.
Mặt khác, ranh giới và sự xâm lấn ranh giới sống và chết trong truyện truyền kỳ trung đại Việt Nam, ở một phương diện nào đó còn gắn bó mật thiết với vấn đề dục tính, điều ít thấy trong folklore. Tình tiết truyện thường lặp lại với hai khuynh hướng trái ngược. Ở một thái cực, câu chuyện miêu tả sự kết hợp giữa hồn ma người đàn bà và người đàn ông ở dương gian cuối cùng mang lại những suy kiệt về mặt thể xác lẫn tinh thần và kết cục thường thấy là cái chết của người đàn ông. Ở một thái cực khác, từ tình dục đến tình yêu, sự kết hợp này trở thành một động lực khiến người đàn bà hồi sinh trở lại. Tình yêu lúc này được miêu tả như một thực thể làm dung hòa không gian âm dương cách trở. Sự nhận thức về dục tính như là nguồn cơn của tội lỗi, cũng là đỉnh cao thanh khiết có khả năng tái sinh con người đã thể hiện một tầm mức tư duy mới về bản chất sự sống và cái chết trong truyện truyền kỳ.
Cố nhiên là truyện truyền kỳ trung đại đã thừa hưởng những phẩm chất của thế giới quái dị từ trong truyện kể dân gian. Song nó sẽ không đạt đến giá trị lớn lao như vậy nếu chỉ dừng ở mức độ kể lại câu chuyện truyền thống. Truyện kể dân gian lúc này cung cấp một cái gì đó như cấu trúc xương sống của cốt truyện trong đó nhà văn viết truyện truyền kỳ đã thực hiện những thao tác phục dựng, tái thiết hoặc làm mới hoàn toàn trong tác phẩm kỳ ảo của mình. Trong Fairy Tale and Fantasy: From Archaic to Postmodern (Truyện cổ tích và truyện kì ảo: Từ cổ xưa đến hậu hiện đại), Maria Nikolajeva cho rằng văn học kỳ ảo là một sáng tạo có ý thức, nơi mà tác giả lựa chọn hình thức phù hợp và tốt nhất cho mục đích riêng của họ. Tuy nhiên, “văn học kỳ ảo rõ ràng đã khước từ mục đích ban đầu, cái tính chất nghi lễ của truyện cổ tích truyền thống”(11). Điều này tương tự đã xảy ra khi truyền kỳ trung đại Việt Nam hấp thu cốt truyện, motif về không gian kỳ ảo cùng với nhân vật quái gỡ, ma quỷ từ trong truyện cổ nhưng về bản chất đã có nhiều thay đổi. Mặc dù chứa đựng những motif đặc biệt từ gia tài của truyện truyền khẩu, nhưng không gian hồn ma trong truyền kỳ chứa đựng một số lượng lớn các biểu hiện siêu nhiên đa dạng và rất ấn tượng. Câu hỏi có hay không sự tồn tại của ma quỷ trên thế giới này, và câu trả lời có hoặc không được xem là khá rõ ràng trong các câu chuyện của văn hóa dân gian không làm thỏa mãn các nhà văn viết truyền kỳ. Họ hướng đến xây dựng một thế giới khác, không nhằm trả lời cho bản chất của sự tồn tại mà là ý nghĩa và đặc tính của thế giới đó trong bối cảnh văn hóa, xã hội của chính họ. Chủ đề về hồn ma lúc này mang nhiều tầng ý nghĩa như một nơi phóng chiếu của tâm lý con người, một đối tượng của niềm tin tôn giáo, một motif văn học, và cuối cùng, là một địa hạt gây mâu thuẫn về văn hóa và ý thức hệ.
Do đó, nhà văn truyền kỳ một mặt vẫn tái sử dụng các motif về không gian hồn ma nhưng những ý nghĩa về mặt nghi lễ, tín ngưỡng dần dần bị xóa bỏ, thay vào đó là những nội dung về mặt xã hội vốn không tồn tại trong các motif gốc ở folklore. Nhân vật lúc này vẫn có thể lên thiên đường, xuống địa ngục, trò chuyện với các linh hồn ở các thế giới khác, người lấy ma, thần phật, quỷ dữ sống cùng một mái nhà… nghĩa là chiếc áo khoác vẫn được gìn giữ, nhưng bản chất lễ nghi và tín ngưỡng dân gian đã bị lu mờ. Rất nhiều trong số đó ngầm thể hiện nỗi chán chường của bản thân người viết trước thực tế xã hội và mượn thế giới hồn ma để luận bàn về thế giới của con người. Không gian và motif mới mà truyền kỳ tạo nên lúc này chính là không gian liêu trai và những cuộc xâm lấn của nhân vật đến thứ không gian siêu hình mới ấy.
Trên nền tảng folklore để xây dựng nên không gian hồn ma với những sắc thái mới mẻ, rõ ràng các nhà văn viết truyện truyền kỳ không phải là không có dụng ý nghệ thuật. Họ ý thức rất rõ rằng “phi kỳ bất truyền”, và nếu kỳ ảo là “bất kỳ câu chuyện nào có hòa lẫn với những điều bất khả hoặc siêu nhiên”(12), thì việc sử dụng folklore là điều hết sức cần thiết. Đơn giản là vì trong khi cố gắng sáng tạo ra một thế giới thứ cấp đầy rẫy những điều phi thực, tác giả truyện truyền kỳ vẫn luôn muốn độc giả cảm thấy thế giới kỳ lạ này trở nên ấm cúng và gần gũi hơn với người đọc bằng cách sử dụng cái kỳ ảo từ trong folklore. Hay nói cách khác, nhà văn viết truyện truyền kỳ ý thức được rằng, chiều sâu văn hóa của thế giới không thể được tạo ra bởi các tác giả, và chỉ có thể khơi dậy khối năng lượng văn hóa vô tận trong tiềm thức ấy bằng cách sử dụng các mô thức thẩm mỹ của truyện kể dân gian. Do đó, không phải ngẫu nhiên khi các nền văn học viết, không chỉ ở Việt Nam, đều khởi đầu bằng cách sử dụng cái kỳ ảo – chất liệu truyền thống của truyện truyền khẩu, mà không gian hồn ma trong truyện truyền kỳ, có lẽ, là một minh chứng nổi bật nhất cho vấn đề này.
Kết luận
Việc có hay không sự hiện tồn của các linh hồn và bóng ma trên thế giới này là một câu hỏi luôn khát khao lời giải đáp. Nó thể hiện một cách mãnh liệt rằng từ sâu bên trong, các nền văn hóa luôn mong muốn về sự kết hợp giữa các chứng cứ xác đáng với niềm tin về cái siêu nhiên là luôn hiện hữu. Sự xuất hiện các câu chuyện về hồn ma trong folklore chưa thể giải tỏa những ham muốn đó và tác giả truyện truyền kỳ trung đại đã tiếp tục nối dài khát vọng trả lời câu hỏi về bản chất tồn tại của loài người. Tuy nhiên, không gian hồn ma trong truyền kỳ không phải là bản vẽ lại truyền thống trong folklore. Quá trình chuyển hóa của “cái kỳ ảo” từ chỗ là đặc trưng tư duy thành đặc trưng về mặt nghệ thuật trong truyện truyền kỳ đã khiến không gian hồn ma đã được nâng lên một tầm mức mới. Việc tiếp tục viết về chủ đề hồn ma từ folklore trong truyện truyền kỳ trung đại tựa như một vết nối xuyên lằn ranh giai cấp và là một trong những cách khiến những câu chuyện ma trong văn hóa dân gian truyền miệng được truyền qua thời gian và không gian.
CHÚ THÍCH
(1), (2) M.Cagan: Hình thái học của nghệ thuật (Phan Ngọc dịch). Nxb Hội Nhà Văn, H., 2004, tr 251- 254.
(3) E.M. Meletinsky: Thi pháp của huyền thoại (Trần Nho Thìn dịch). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H., tr 25.
(4) Lesvi Bruhl – Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên thủy (Ngô Bình Lâm dịch). Nxb Thế giới, H., 2008, tr 173
(5), (9), (10) S. Thompson: Motif – index of Folk – Literature, A Classification of Narrative Elements in Folk – Tale, Ballads, Myths, Fables, Medieval, Romances, Exempla, Local Legends, Indiana University Press, 1955– 1958, 607-700.
(6) Dẫn theo Cristina Bacchilega: “Calvino's Journey: Modern Transformations of Folktale, Story, and Myth”, Journal of Folklore Research, Vol. 26, No. 2 (May - Aug., 1989), pp. 81-98.
(7) Nguyen Nam: Jiandeng Xinhua and Truyền kỳ mạn lục: Adaption as Literary Interpretation, Harvad University, 2005, 172.
(8) http://www.viet– studies.info/NgoTuLap_Ma.htm
(11) Maria Nikolajeva: Fairy Tale and Fantasy: From Archaic to Postmodern. Wayne State University Press, 2003, 344.
(12) Brian Stableford: Historical Dictionaries of Fantasy Literature. The Scarecrow Press, 2005, 276.