Loại hình Thơ mới Việt Nam 1932 - 1945
(trích Mở đầu chuyên luận Loại hình Thơ mới Việt Nam 1932-1945, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015)
Nguyễn Thanh Tâm
Thơ mới, một khái niệm cho đến giờ đã đặt chúng ta vào những phạm trù nghĩa khá đa dạng, cần phải suy xét kỹ lưỡng hơn. Bản thân khái niệm này đã hàm chứa trong đó sự tương sánh với Thơ cũ, đồng thời nó cũng mang ý nghĩa là một thời đoạn trong lịch sử thơ ca dân tộc, Thơ mới còn là một trào lưu, một phong cách, một kiểu – một loại hình thơ. Thậm chí, trong suy nghĩ về những động hướng của một nền văn học, thơ ca tiên tiến, Thơ mới còn đặt ra yêu cầu có tính cốt thiết về tư duy, tâm thế, bản chất của sáng tạo nghệ thuật. Loại hình Thơ mới Việt Nam 1932 - 1945 tập trung vào khía cạnh loại hình, kiểu/ lối Thơ mới nhằm chỉ ra tư cách loại hình của Thơ mới trong tương quan với những hình thái thơ trước và sau nó. Như thế, những vấn đề căn bản làm động lực cho sự lựa chọn nghiên cứu chính là: Thơ mới có phải là một loại hình thơ không? Những điều kiện sinh thành, vận động và phát triển của Thơ mới, đặc tính và cấu trúc của loại hình trên phương diện cốt yếu là kiểu tư duy cho phép Thơ mới hiện diện với tư cách loại hình trong tiến trình thơ trữ tình của Việt Nam. Những nghiên cứu đã có về Thơ mới đã manh nha đề cập đến vấn đề loại hình, tuy nhiên, sự nghiên cứu một cách hệ thống, giới thuyết rõ về loại hình thơ, loại hình Thơ mới với những tiêu chí loại hình cụ thể cho đến nay lại chưa có. Điều đó khiến cho vấn đề Loại hình Thơ mới trở nên hữu ích hơn trong lịch sử nghiên cứu Thơ mới nói riêng và tiến trình thơ Việt nói chung.
Nghiên cứu Thơ mới trong giai đoạn hiện nay thực sự là một thử thách. Trong các thư viện, trường học, viện nghiên cứu người ta có thể điểm ra hàng trăm công trình nghiên cứu về Thơ mới từ tác giả đến tác phẩm, khuynh hướng, trường phái, thi pháp, ngôn ngữ, phong cách, thể loại,… Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của triết học nhân sinh, triết học ngôn ngữ, khoa học xã hội nhân văn, sự du nhập của các lý thuyết, phương pháp nghiên cứu văn học hiện đại, Thơ mới lại có thêm cơ hội để được soi chiếu, thảo luận một cách toàn vẹn hơn. Hẳn những nhà nghiên cứu hiện nay không phủ nhận hướng nghiên cứu từ góc độ Phân tâm học, Cấu trúc luận, Hiện tượng luận, Nữ quyền luận, nghiên cứu Thơ mới từ lý thuyết diễn ngôn, lý thuyết Trường văn học, Nhân học văn hóa, Xã hội học văn học, Lý thuyết tiếp nhận, Giải cấu trúc,... đem đến nhiều gợi ý cho việc tiếp cận Thơ mới. Bên cạnh đó, vấn đề thực thể Thơ mới vẫn chưa được mô tả một cách toàn vẹn với sự vắng mặt của những tác giả, tác phẩm bàn nhì, bàn ba, những diễn ngôn góp phần kiến tạo Thơ mới nhưng không có mặt trong các “điện thờ” hay bị xem nhẹ, bị mặc nhiên biến thành các diễn ngôn phụ trợ, làm tôn lên các đỉnh cao. Mặt khác những nghiên cứu ở miền Nam thời kỳ 1954 - 1975 về Thơ mới cũng chưa được chú ý thỏa đáng để thấy rằng thành tựu nghiên cứu Thơ mới trong tri thức phổ thông vẫn đầy thiếu khuyết. Chuyên luận này, dành Phần II – Những mảnh vỡ loại hình để phục dựng một số khuôn mặt, có thể bị bỏ quên hoặc chưa được nhìn nhận đúng mức, như là một cách hình dung đầy đủ hơn về những mảnh ghép, những cá tính Thơ mới.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, những giá trị truyền thống đang chìm đắm trong khủng hoảng nội tại đòi hỏi được giải quyết, các tín hiệu mới từ phương Tây đang du nhập và ảnh hưởng mạnh mẽ, đòi hỏi được khẳng định, được sinh tồn, văn học là hình thái cơ bản để biểu đạt những vận động lớn lao, tinh vi ấy. Thơ mới đã hấp thu và biểu hiện trong mình những giao lưu vừa đa dạng, vừa phong phú, cả những bí ẩn còn chưa thể tường giải. Không chỉ là hiện tượng văn học, Thơ mới còn là một hiện tượng văn hóa, một hiện tượng xã hội, một trường văn hóa và thẩm mỹ, một loại hình diễn ngôn có tính khu vực.
Các nhà nghiên cứu, những người quan tâm có thể liệt kê nhiều công trình nghiên cứu lớn nhỏ, ở mọi cấp độ về Thơ mới. Tuy nhiên, xem xét Thơ mới từ lý thuyết loại hình với một hệ nguyên tắc nhận diện, đặt trong tiến trình thơ Việt từ khởi thủy đến hiện đại hay nhìn ra nền thơ cận hiện đại của các nước trong khu vực Đông Á lại là vấn đề chưa được luận giải một cách hệ thống.
Nghiên cứu Thơ mới, quy luật sáng tạo của loại hình thơ này (một loại hình thơ phát triển rực rỡ bậc nhất trong lịch sử thơ trữ tình Việt Nam) giúp chúng ta có cái nhìn chân xác hơn về diễn trình và sự vận động của mỹ học thơ ca dân tộc. Từ đó, hình thành những nhận thức có tính nguyên lý về mỹ học của loại hình thơ trữ tình nói chung.
Việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập, thưởng thức Thơ mới cần có những định hướng đa dạng hơn, toàn diện hơn để phù hợp với sự đa dạng, phong phú, tính phức tạp của bản thân Thơ mới. Đồng thời, trong bối cảnh đương đại, việc nhận diện một hiện tượng thơ ca của quá khứ lại càng phải được tiến hành một cách toàn diện bởi chính những công cụ của thời đại sau soi chiếu lại các hệ giá trị của thời đại đã qua. Thơ mới cần được nghiên cứu dưới góc độ là một hiện tượng văn hóa. Điều đó thiết nghĩ sẽ được bổ sung chính từ những kết quả nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều thế hệ,... Chuyên luận đem đến những kiến giải có tính tổng quát về Thơ mới trên phương diện là một loại hình thơ, đóng góp vào lịch sử diễn giải, nghiên cứu và định vị Thơ mới Việt Nam 1932 - 1945 trong tiến trình thơ Việt Nam từ khởi thủy đến hiện đại và đề xuất nghiên cứu Thơ mới trong bối cảnh thơ ca khu vực Đông Á thời cận hiện đại.
Xem xét Thơ mới trong tính tự trị của một trường văn học cùng với sự lý giải từ các thiết chế, bối cảnh tạo nên “chân lý”, “tri thức”, “quyền lực” (M. Foucault) của diễn ngôn Thơ mới, hẳn người nghiên cứu sẽ hiểu vì sao Thơ mới được sinh ra, tồn tại, vận hành và tiêu vong, kể cả những “đứt đoạn” mang sử tính trong diễn trình của thơ Việt từ khởi thủy đến hiện đại. Sự phân tranh Mới - Cũ chính là sự đối thoại tranh giành quyền lực của các diễn ngôn. Chân lý của thời đại luôn là sự áp chế và loại trừ những tri thức, chân lý của thời đại khác, của các diễn ngôn khác. Hệ thống thiết chế mới được dựng nên là căn nguyên của sự sinh thành một diễn ngôn mới, tạo nên các trật tự diễn ngôn như ta đã thấy. Diễn ngôn về diễn ngôn Thơ mới, nhà in, báo chí, chữ quốc ngữ, sự truyền bá văn hóa phương Tây, sự biến đổi của đô thị phong kiến phương Đông sang mô hình đô thị kiểu phương Tây, sự hình thành các giai tầng mới, con người thị dân tư sản,… chính là những thiết chế, những “huyền thoại” có hiệu lực áp chế, giải trừ các thiết chế lỗi thời, xác lập quyền lực của nền văn hóa tư sản trong đó có Thơ mới.
Nghiên cứu Thơ mới từ góc độ loại hình giải quyết được một vấn đề quan trọng nhất của bản thân diễn ngôn Thơ mới chính là mối quan hệ: chân lý – quyền lực/ tính hợp thức của nó với các diễn ngôn của quá khứ (của nó) và diễn ngôn hình thành sau nó (với tham vọng phủ định, chôn vùi Thơ mới). Dù cho các nghiên cứu đã có về kết cấu, giọng điệu, thể loại, vẫn cần phải xem xét Thơ mới trong tư cách là một loại hình, một chỉnh thể vẹn nguyên. Lý thuyết loại hình với quan điểm về “định tính loại hình” xem kết cấu, giọng điệu, thể loại,… là những cấp độ nhỏ hơn của bản thân một loại hình thơ (tiểu loại hình), lại vừa là những tham số để khảo sát loại hình tổng quát: Thơ mới. Chính vì thế, bản thân các tham số ấy chưa đủ tư cách trở thành một “phổ niệm loại hình” (Stankevic) khi đặt trong tương quan với loại hình Thơ trung đại và Thơ sau Thơ mới. Trên tinh thần đó, chuyên luận giới thuyết về lý thuyết loại hình trong nghiên cứu văn học và thơ ca hướng đến việc mô tả, lý giải và khẳng định: Thơ mới là một loại hình thơ trong tiến trình thơ trữ tình Việt Nam từ khởi thủy đến hiện đại; mô tả lịch sử nghiên cứu vấn đề Loại hình Thơ mới, đồng thời chuyên luận cũng mở ra hướng nghiên cứu loại hình Thơ mới như một hiện tượng có tính quy luật trên phạm vi Đông Á đầu thế kỷ XX.