Ướm chân vào huyền thoại

24/03/2016

Ở thế gian là một huyền thoại khi Khơi ướm chân vào lục bát. Lục bát nâng Khơi lên, cho Khơi tựa vào để đi qua ngày tháng. Nhưng, lục bát cũng lập tức hút lấy sinh chất, thi chất của Khơi để “thoát thai hoán cốt”, cứu vãn tình thế đông cứng và trống rỗng. Bởi thế mà với Khơi, ướm chân vào huyền thoại vừa nuôi dưỡng những hy vọng diệu kỳ vừa khắc khoải lưu đầy.

ƯỚM CHÂN VÀO HUYỀN THOẠI

(Về tập thơ Ở thế gian của Đỗ Trọng Khơi, nxb Phụ nữ, 3/2016)

                                                                       

 Nguyễn Thanh Tâm

 

Đời Khơi, thơ Khơi cho ta hiểu rằng anh chưa bao giờ tuyệt vọng, dẫu hiện hữu đó mang đầy bi kịch, có thể là căn cứ cho một cuộc tự quyết cùng thiên thu. Ướm chân vào huyền thoại nên sinh hạ những huyền thoại, đó là nguyên ủy của hiện sinh Đỗ Trọng Khơi và hiện hữu Ở thế gian.

Lục bát đã trở thành huyền thoại trong lịch sử văn học Việt Nam. Ở đây, huyền thoại được hiểu như cách mà R. Barthes đã trình bày, tức là, lục bát là một hình thức, một ký hiệu, một giá trị. Và bởi, giá trị, vai trò của lục bát quá lớn nên nó càng thể hiện phẩm chất huyền thoại trong trong đời sống thơ ca Việt Nam. Khi đó, giá trị của lục bát không chỉ thể hiện ở hình thức mà bản thân hào quang huyền thoại của nó cũng mang nghĩa. Nói theo ngôn ngữ “phổ thông” hiện nay, lục bát là một đại tự sự và sức ảnh hưởng của nó đối với thơ Việt quả là chưa bao giờ giảm sút. Ở thế gian của Đỗ Trọng Khơi là một tập thơ lục bát, vì vậy, hiển nhiên trường ảnh hưởng của lục bát đã bao trùm lên toàn bộ thi giới.

Lục bát, khi đã trở thành hình thức, khái niệm nó trở nên trống rỗng. Câu chuyện sẽ nhạt nhẽo nếu chỉ còn những mô tả về hình thức đã được xác lập, bị đông cứng. Cái chết của những văn bản lục bát chính là ở chỗ nó chỉ làm cho sự trống rỗng kia trở nên đồ sộ. Đa phần các nhà thơ lục bát đều ý thức được điều này xuất phát từ chính nhu cầu và đòi hỏi kháng cự tình trạng trống rỗng của hình thức thể loại. Nhưng, trong thực tế, người làm được không nhiều. Bởi vậy, mọi người thường nói theo phong trào là “lục bát dễ làm nhưng khó hay”. Thiết nghĩ, thứ lục bát dễ làm cũng chỉ là cái vỏ kén đã khô xác mà thôi. Như đã nói, huyền thoại luôn có xu hướng mở và dung nạp các lớp biểu đạt, các ký hiệu mới cho phép nó vận động thoát ra khỏi trạng thái trống rỗng của hình thức.

Ướm vào dấu chân huyền thoại, Ở thế gian của Đỗ Trong Khơi mang đời sống của một huyền thoại mới. Đúng hơn, Khơi đã huyền thoại hóa cuộc sống ở thế gian của mình bằng một huyền thoại. Khơi lưu trú, nương náu vào thơ lục bát “cung bậc là máu, ngôn từ là xương”, đọng lại từ những ngày tháng nhọc nhằn và kỳ diệu: Ta phiến đá sống bên đường/ Trái tim lặng lẽ thấm hương sắc mùa (Phiến đá sống). Đời sống ngặt nghèo ở thế gian đã khiến Khơi lắm khi thấy mình “U ơ phiến đá góc trời khói sương”. Trái tim tưởng cũng nguội lạnh dần để đông thành kiếp đá, để trơ lì thành một nỗi vô tri. Không hiểu sao, tôi cứ hình dung về Khơi như là kiếp đá - Kiếp đá nơi góc trời, bên đường, u ơ, lăn lóc và bị bỏ rơi. Nhưng không, trái tim không chịu nguội lạnh, giọt máu thấm đẫm hương đời đã biến kiếp đá thành huyền thoại, đánh thức (thậm chí là cứu rỗi) những kiếp đá khác. Nương náu Ở thế gian, Khơi tựa vào lục bát, tựa vào một huyền thoại. Lục bát cho Khơi cảm giác được sống, được an trú trong cõi đời bằng sự thanh thản và khoan thai. Ở đó, tố chất khoan thai của lục bát đã gặp gỡ với điệu sống, nguồn sống và nguyện cầu ở Khơi trong bi kịch của thân phận. Lục bát cho Khơi sống lại, và chính Khơi cũng làm sống lại sắc thái khoan thai của huyền thoại lục bát: Ngõ nhà non lại màu rêu/ Vườn nhà chim ngỏ đủ điều ngây ngơ (Tựa). Đến giờ, chẳng thể nào vin vào nhịp chẵn, vần bằng để lí giải cho tính khoan thai, nhịp nhàng của lục bát. Đặc tính ấy đã đông cứng thành hình thức, trống rỗng. Và, người ta cũng có thể làm những câu lục bát với nhịp lẻ cùng sắc thái gấp gáp, rắn đanh, giục giã. Thế nên, sắc thái khoan thai được tìm thấy ở điệu sống, nhịp sống của Khơi. Đành rằng đã hờn giận, chua xót, đau đớn, bi quan, uất ức,… nhưng sau tất cả, trái tim sâu trong lòng kiếp đá vẫn bồi hồi đập những nhịp thương yêu, khoan thai và đằm thắm: Nhẹ là bóng, ảo là trăng/ đêm nay có một vĩnh hằng bên tôi/ Giường một chiếc, gối một đôi/ trăng in một nửa, bóng ngồi một bên/ Cho hay cái gió trăm miền/ cái sương ngàn nẻo dồn lên một người/ Đã rằng xa lắm đôi mươi/ thưa rằng thương lắm da mồi tóc sương (Đêm nay). Đọc lục bát Ở thế gian của Khơi, cái trội lên là những cảm thức về mất mát, về những thiệt thòi, thiếu khuyết, những mặc cảm thân phận,… Nhưng, với Khơi, những bất hạnh của thân phận không khiến người ta rơi vào bi lụy, mà đó là nguyên liệu chưng cất nên chất sống. Chất sống giúp Khơi Ở thế gian, nâng Khơi lên bằng đôi chân nhịp nhàng của lục bát. Lục bát cho anh nhịp cầu để nối qua thời gian, năm tháng, bi kịch và chất thơ của lục bát Đỗ Trọng Khơi là “Lệ đòi kết máu làm hoa” nở góc quê nhà nhưng hương sắc đã lan tỏa “đâu đó rất xa ngoài mình”. Nếu không có một trái tim đòi sống, một khát vọng sống, phiến đá ấy đã chìm vào hư vô, đã lặng im dưới cỏ rêu. Thế nên, lời trái tim trong lòng kiếp đá Ở thế gian khiến điều tưởng chừng sẽ rơi vào vô tri bỗng trở thành huyền thoại. Sự sống của Khơi là một huyền thoại. Và, Khơi cũng làm cho thứ hình thức cứng lạnh của lục bát thức dậy bằng chính hương sắc cuộc đời thấm qua thịt da kiếp đá: Người đi đường mấy vòng tay/ Người về nghiêng mảnh sông gầy tìm nhau (Nhớ sông).

Ở thế gian, Khơi có được điệu sống khoan thai là dạng thức của trái tim và thái độ khoan dung, bình thản trước cuộc sống. Dẫu không tán thành sự quy chiếu tiểu sử tác giả cho cái tôi trữ tình trong thơ, nhưng rõ ràng, dưới áp lực của thân phận, đời Khơi là âm bản cho những hiện hình Ở thế gian. Nhưng, Ở thế gian đâu chỉ có điệu khoan thai, bình thản. Ám ảnh nhất trong thơ Đỗ Trọng Khơi lại chính là điệu sống dè dặt có nguyên cớ từ nỗi âu lo, hoang mang trên chính bi kịch của đời mình, trên chính những niềm hạnh phúc lớn lao, kỳ diệu mà anh nâng niu, gìn giữ. Khơi sợ! Đúng là trong thơ Khơi - Ở thế gian, có một nỗi sợ tiềm tàng, thường trực. Có thể nào khác được khi cuộc đời đánh bẫy anh bằng sự sinh ra rồi lại tước đoạt đi ở anh quyền được sống như một người thường: Như còn nơi đôi bàn tay/ nồng nàn tơ tóc những ngày đã trôi/ Chim muông ơi, cỏ hoa ơi/ nhiệm mầu nào trả tôi thời tươi xinh (Gọi). Sự lưu trú hình hài càng chật vật, ngặt nghèo thì sự ký trú vào thơ càng tha thiết, mãnh liệt. Nhưng, ngay trong không gian của trí tưởng, cảm xúc, cái tôi trữ tình ấy cũng vẫn còn băn khoăn, tha thiết mà dè dặt, hăm hở mà cứ phải lưỡng lự, vun vén mà đầy âu lo, hiện hữu mà ám ảnh hư vô, đời thực mà ngờ như hư ảnh: Ta về ở ẩn trong ta/ tấm thân cát bụi như là... thế thôi (Ta về cõi ta); Vô vi trong cõi vô thường/ thì dâng máu lệ về nương cõi nào?(Nghĩ); Ảnh hình tiềm thức, giờ đây/ người – hay ảo giác, tình đầy khói sương/ Giờ đây giữ bóng gìn hương/ tôi đi như đã gần đường hư vô/ Giờ đây xa những mong chờ/ từ mơ lại đến cơn mơ khôn cùng (Ảo vọng); Ta giờ thiếu một ta thôi/ bao năm ta lạc ta rồi. Còn em?... (Núi nho nhỏ). Dường như, khoan thai, thanh thản chỉ là một khoảnh khắc, một lát cắt hay một thương thỏa trước những hoang mang luôn bám đuổi. Khơi không thoát ra được nên xúc cảm gợi lên nhiều u uẩn, băn khoăn, dè dặt và âu lo. Có lẽ, đó cũng là bản mệnh của một kiếp đời đã đôi lần chạm ngõ hư vô!

Ở thế gian là một huyền thoại khi Khơi ướm chân vào lục bát. Lục bát nâng Khơi lên, cho Khơi tựa vào để đi qua ngày tháng. Nhưng, lục bát cũng lập tức hút lấy sinh chất, thi chất của Khơi để “thoát thai hoán cốt”, cứu vãn tình thế đông cứng và trống rỗng. Bởi thế mà với Khơi, ướm chân vào huyền thoại vừa nuôi dưỡng những hy vọng diệu kỳ vừa khắc khoải lưu đầy.

 

Các tin đã đưa ngày: