(Tổ Quốc)- Nguyễn Hữu Sơn và tôi cùng học khoa Ngữ - Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và chúng tôi biết nhau từ khi còn là sinh viên. Thời điểm tôi sắp ra trường, cũng là lúc ông vào trường (1978). Tuy biết nhau cách đây gần 40 năm, nhưng phải đến khi tôi về công tác tại Việt Triết học, còn ông về công tác ở Viện Văn học cùng thuộc Ủy ban KHXH (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), tôi và ông mới ngày càng gần gũi và thân thiết nhau hơn.
Theo thời gian, qua năm tháng với những cuộc hội thảo, bàn luận về văn chương, những lần đi công tác tại Bắc Giang, hay những khi gặp nhau tình cờ, chỉ cần một ánh nhìn là chúng tôi có thể hiểu nhau.
Nguyễn Hữu Sơn như tôi biết
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn sinh ngày 16/10/1959, tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Ông tốt nghiệp đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Ngữ - Văn, chuyên ngành Văn học Cổ - Cận đại Việt Nam năm 1982. Sau đấy ông học chuyên tu Hán - Nôm (1986- 1989). Ngoài ra ông cũng đã tốt nghiệp đại học tiếng Trung năm năm 2004 và tiếng Nga trình độ C. Năm 1998, Nguyễn Hữu Sơn đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại viện Văn học với đề tài: Khảo sát loại hình tiểu truyện thiền sư trong tác phẩm “Thiền uyển tập anh”. Năm 2004, ông được phong học hàm Phó Giáo sư.
Từ năm 2006, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn được đề bạt làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu văn học kiêm Phó Bí thư Chi bộ. Đến năm 2012, ông giữ chức Phó Viện trưởng Viện Văn học, kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học của viện và năm 2013 làm Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Nghiên cứu văn học. Năm 2015, Nguyễn Hữu Sơn làm Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học. Ông hiện là Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Liên chi Hội Nhà báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong cuộc đời hoạt động khoa học, theo tôi biết chưa đầy đủ, Nguyễn Hữu Sơn đã có một khối lượng công trình khoa học về văn chương thật sự đồ sộ gồm bốn nhóm vấn đề: 1/ Chuyên khảo, sưu tập: 26 công trình; 2/ Tiểu luận, nghiên cứu, phê bình văn học: 174 công trình; 3/ Nghiên cứu, tham gia với tư cách chủ nhiệm, thành viên, đồng tác giả các đề tài cấp Nhà nước, cấp Trường đại học Quốc gia, cấp viện: 12 đề tài; 4/ Đào tạo hơn 60 Nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Thạc sĩ chủ yếu là về văn học Cổ - Cận đại Việt Nam. Ông cũng đã tham gia nghiên cứu, giảng dạy văn học Việt Nam Cổ - Cận đại, làm giảng viên kiêm nhiệm tại Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH & NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội từ 2006.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn còn viết và công bố hàng trăm bài báo trên các tạp chí chuyên ngành về văn học Cổ - Cận, những vấn đề về quan hệ giữa văn hóa và kinh tế trong phát triển và hội nhập, cũng như xem xét, định giá lại các giá trị văn chương tưởng chừng như đã được đóng đinh vào lịch sử, coi như đã giải quyết xong. Nhưng dưới con mắt của một nhà nghiên cứu lịch sử văn học, khi xem xét các tác phẩm văn chương nhất thiết phải đặt chúng vào bối cảnh lịch sử, thời điểm mà chủ thể sáng tạo, nhà thơ, nhà văn sống, viết và truyền bá những tác phẩm văn chương ấy, không được đem lăng kính chủ quan của những người hậu thế mang màu sắc chính trị và đạo đức để xem xét các giá trị văn chương của tiền bối. Đây là một quan điểm học thuật vừa khách quan khoa học vừa hiện đại của Nguyễn Hữu Sơn.
Nguyễn Hữu Sơn là người khá trầm tính, nhưng cũng không kém phần hài hước, hóm hỉnh, mang cốt cách của một nhà Hán học tân thời vừa uyên thâm về tri thức, vừa cập nhật và hiểu biết rộng những vấn đề của xã hội hôm nay. Cứ mỗi lần tôi và Hữu Sơn gặp nhau đều cơ man chuyện để nói, trao đổi và bàn luận về chuyện nghề, chuyện đời thật sự rôm rả và hết sức thú vị. Theo bản tính nghề nghiệp, Hữu Sơn bao giờ cũng muốn đi đến cùng mọi vấn đề, tìm cho được căn nguyên tạo nên hiện tượng, sự kiện, vấn đề... ấy rồi từ đấy mới tính đến việc giải quyết, tháo gỡ. Còn tôi lại nghiêng về khía cạnh báo, sinh lười đào sâu, suy nghĩ chỉ chủ yếu là đưa tin. Cùng một vấn đề nhưng từ hai cách tiếp cận khác nhau: khoa học và thông tấn, đã đem đến cho chúng tôi nhiều sự thú vị. Có thể nói hai chúng tôi bất cứ khi nào gặp nhau, chưa bao giờ hết chuyện, vui có, buồn có, cười ra nước mắt cũng có...
Và những trang viết đầy tâm huyết
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn có bề dày kinh nghiệm của hơn 30 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, rồi làm quản lý cơ quan và tham gia giảng dạy, viết báo... Ông đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu khoa học lớn nhỏ và hàng trăm bài báo với nhiều thể loại khác nhau. Trước hết cần phải khẳng định một cách chắc chắn rằng, Nguyễn Hữu Sơn là người rất đam mê với văn học Cổ- Cận nói riêng và văn chương Việt Nam nói chung. Cùng với đấy là niềm đam mê giảng dạy, truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm cho các thế hệ học sinh. Ngoài ra Nguyễn Hữu Sơn cũng quan tâm đến dòng chảy văn chương và văn hóa Việt đương đại. Các hiện tượng văn chương đương đại tiêu biểu như Nguyễn Huy Thiệp, ông đã có những đánh giá nhận định theo cách riêng của mình dưới góc nhìn của một nhà khoa học chuyên nghiên cứ về văn chương. Trong gia tài kếch xù ấy, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu, luận giải các hiện tượng văn chương và văn hóa, chủ yếu là thi pháp tác giả và tác phẩm như: Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Đặng Thai Mai, Nguyễn Huy Lượng, Nguyễn Đổng Chi... Đối với mỗi hiện tượng ông đã có cách định giá để lại dấu ấn riêng.
Đặc biệt Nguyễn Hữu Sơn đã bỏ ra khá nhiều thời gian và tâm sức để nghiên cứu và lý giải một thời kỳ văn chương khá điển hình của nước ta trước Cách mạng tháng Tám- Phong trào Thơ Mới. Đây là một hiện tượng văn chương và văn hóa khá phức tạp và thú vị. Bởi ngay từ khi nó tham gia vào đời sống văn chương nước nhà từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước (1932-1941), ngay trong lòng Phong trào Thơ Mới đã chứa đầy mâu thuẫn, nhiều ý kiến trái chiều. Và rồi những người hậu sinh cũng có những đánh giá, nhận định rất khác nhau về nó. Thậm chí do những điều kiện khách quan của lịch sử mà Thơ Mới đã bị chìm xuống, có nguy cơ rơi vào quên lãng, từ sau 1945 đến 1986. Nhờ có đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước ta về chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội, từ sau năm 1986, người ta mới bắt đầu để ý và nhìn nhận lại Thơ Mới. Cũng từ đấy, Thơ Mới dần được trả lại giá trị lịch sử của nó.
Trong hàng trăm ý kiến thuận chiều có và trái chiều cũng có, Nguyễn Hữu Sơn có lẽ là người đầu tiên đưa ra quan điểm riêng của mình về Phong trào Thơ Mới một cách khách quan, khoa học, có thể chấp nhận được. Qua một loạt phân tích, đánh giá về những ý kiến khác nhau của những người trong cuộc, cuối cùng ông đi đến kết luận “Phong trào Thơ Mới như một diễn ngôn lịch sử”. Ông viết: ... chính tinh thần dân chủ, tự do trong sáng tạo đã làm nên tính sinh động, đa dạng, phong phú của phong trào Thơ mới, đặc biệt trên phương diện hệ thống chủ đề. Cần thấy rõ hệ thống chủ đề trong Thơ mới khác xa với kiểu sáng tác theo định hướng đề tài qui phạm, theo ngành nghề, theo mẫu nhân vật, theo mùa vụ, theo ngày kỷ niệm. Thơ mới định hình cả một hệ thống chủ đề nhưng không có kiểu chủ nghĩa đề tài và nội dung công lợi...
Chỉ tồn tại hơn mười năm nhưng phong trào Thơ mới đã làm nên một cuộc cách mạng trong thi ca, tạo lập một thời đại thi ca với sự khẳng định chân xác vai trò chủ thể tác giả cũng như khả năng tiếp nhận đồng đại các hiện tượng thơ thế giới để phát triển và hiện đại hóa nền thơ tiếng Việt. Về cơ bản, tự thân phong trào Thơ mới đã thể hiện là một kiểu diễn ngôn lịch sử gắn với một hệ thống những nguyên tắc thẩm mỹ, hệ thống thể loại, ngôn từ nghệ thuật và một đời sống phê bình dân chủ, không lặp lại, không dễ vượt qua... Kinh nghiệm và giá trị diễn ngôn Thơ mới chắc chắn sẽ được phát huy và tiếp tục đồng hành cùng quá trình giao lưu, hội nhập và hiện đại hóa nền thơ dân tộc./.
Đỗ Ngọc Yên
Nguồn: http://vanhocquenha.vn/