Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới
Hội thảo do Viện Văn học trực thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhà văn có sáng tác tiêu biểu trong thời kỳ Đổi mới, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, dịch giả và cơ quan truyền thông báo chí trong nước.
Tại Hội thảo Khoa học "Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới: Thực trạng và triển vọng”
Nội dung của Hội thảo tập trung vào các vấn đề đánh giá, phân tích, tổng kết một cách toàn diện về tình hình sáng tác văn học thời kỳ Đổi mới, những thành tựu, hạn chế của văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế… để từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm góp phần thúc đẩy văn học Việt Nam tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng sáng tác, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Hơn 70 tham luận của các nhà văn, nhà LLPBVH, dịch giả đã được gửi tới hội thảo, trong đó, gần 20 tham luận được Ban Tổ chức lựa chọn báo cáo chính thức tại Hội thảo. Các nhà văn với những tác phẩm tiêu biểu, những khuynh hướng sáng tác, những thay đổi trong sáng tác văn học, dự báo khả năng phát triển của văn học... là nội dung được đề cập trong các tham Luận tại HT.
Nhiều tham luận của Hội thảo cung cấp cái nhìn đa chiều, đa diện về văn học Việt Nam trong khoảng 30 năm trở lại đây như: Văn học Việt từ Đổi mới đến Hội nhập, nhìn từ lực lượng viết (GS. Phong Lê); Đội ngũ tác giả và các khuynh hướng phê bình văn học từ thời kỳ Đổi mới (Nguyễn Văn Long); Để tiểu thuyết Việt Nam vươn ra thế giới- nỗ lực từ nhiều phía (Trần Thị Mai Nhân); Đổi mới và thơ Đổi mới (Nguyễn Trọng Tạo); Bước chuyển hệ hình thơ Việt từ tiền hiện đại sáng hiện đại (Đỗ Lai Thúy); Sự nở rộ thể tản văn trong văn học thời Đổi mới và hội nhập (Nguyễn Bích Thu)…
Trước đó vào tháng 5/2014, Viện Văn học cũng đã tổ chức Hội thảo Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học cũng như những người yêu văn học Việt Nam. Hy vọng những Hội thảo lớn tầm quốc gia như thế này sẽ góp phần khẳng định vị trí, vai trò của văn học, và vì sự phồn vinh của văn học dân tộc trong thời đại mới(1).
Đức Anh
Nguồn: http://vanhocquenha.vn