TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu
Tới dự lễ kỷ niệm, về phía lãnh đạo Viện Hàn lâm có TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, chỉ đạo điều hành Viện Văn học; Về phía các cơ quan Trung ương có PGS.TS. Trần Khánh Thành – Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; TS. Đào Duy Tuấn, đại diện Văn phòng Chính phủ; PGS.TS. Vũ Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
Về phía lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Văn học có các Phó Viện trưởng: TS. Phạm Văn Ánh và TS. Trần Thiện Khanh; GS. Hà Minh Đức, Nguyên Viện trưởng; GS. Phong Lê, Nguyên Viện trưởng; PGS.TS. Phan Trọng Thưởng, Nguyên Viện trưởng; PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Nguyên Viện trưởng.
Về phía các đơn vị thuộc, trực thuộc Viện Hàn lâm có PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; PGS.TS. Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Q. Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học xã hội; Đại diện các cơ quan, tổ chức của Trung ương và địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học,… Đặc biệt là sự có mặt đông đủ của các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động đã và đang công tác tại Viện Văn học.
PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, chỉ đạo điều hành Viện Văn học đọc diễn văn khai mạc tại Lễ Kỷ niệm
Phát biểu khai mạc tại Lễ Kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Viện Văn học, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, trực tiếp chỉ đạo điều hành Viện Văn học trân trọng cảm ơn sự quan tâm, động viên và những tình cảm quý báu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Viện Hàn lâm, cùng toàn thể các vị đại biểu, khách quý đã dành cho Viện Văn học.
Trong diễn văn khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đã khái quát quá trình hình thành và phát triển, những thành tựu nổi bật của Viện Văn học trong 70 năm qua. Theo đó, Viện Văn học tiền thân là Tổ Văn học, thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học được thành lập tại mảnh đất Tân Trào lịch sử theo Quyết định số 34-QN/TW ngày 02/12/1953 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Một năm sau, Ban Nghiên cứu Sử, Địa, Văn được đổi tên thành Ban Nghiên cứu Văn học, Lịch sử, Địa lý (gọi tắt là Ban Nghiên cứu Văn, Sử, Địa). Qua một số lần sắp xếp lại tổ chức và thay đổi tên gọi, đến năm 1960, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 038-TTg ngày 06/02/1960 thành lập Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước, với nhiệm vụ nghiên cứu văn học, ngôn ngữ trong nước và ngoài nước nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, góp phần vào cuộc đấu tranh cho hòa bình và chủ nghĩa xã hội trên thế giới.
Cơ cấu ban đầu của Viện gồm 4 Tổ chuyên môn và Nhà xuất bản Văn hóa (sau đổi là Nxb. Văn học, chuyển sang Bộ Văn hóa). Đó là Tổ Cổ - Cận - Dân (tức văn học Cổ đại - Cận đại - Dân gian), Tổ Hiện đại và Lý luận, Tổ Văn học thế giới, Tổ Ngôn ngữ. Sau đó, Tổ Cổ - Cận - Dân tách ra thành 2 tổ: Tổ Dân gian, Tổ Cổ. Tổ Hiện đại và Lý luận tách ra thành 2 tổ. Bên cạnh đó, Viện có Phòng Tư liệu - Thư viện. Năm 1965, Nhóm văn học miền Nam, theo dõi cả bộ phận văn học giải phóng và bộ phận văn học ở các vùng đô thị... được thành lập. Nhóm này hoạt động trong sự hợp tác với Ban văn học miền Nam của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam…
Trong quá trình phát triển của Viện, sự ra đời của Tạp chí Nghiên cứu Văn học là một sự kiện hết sức quan trọng, đến tháng 7/1963 chuyển thành Tạp chí Văn học do nhu cầu gắn bó với thời cuộc. Từ thời điểm này, Tạp chí Văn học không chỉ là cơ quan ngôn luận của Viện mà thực sự trở thành diễn đàn rộng rãi của giới nghiên cứu, lý luận, phê bình và giới sáng tác văn học. Số bản in - chỉ riêng cho miền Bắc thời chiến có lúc lên đến hơn một vạn bản cho mỗi số.
Sự lớn mạnh của Viện Văn học cũng như sự phát triển của đội ngũ cán bộ khoa học của Viện đã góp phần quan trọng vào việc hình thành một số đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm như: Viện Ngôn ngữ học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu của Viện Văn học đã trở thành cán bộ cốt cán của một số cơ quan, tổ chức, Bộ, ngành: Bộ Văn hoá; Hội nghệ sĩ sân khấu; Nhà xuất bản Văn học; Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Báo Văn nghệ; Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam...Bên cạnh đó, số lượng cán bộ Viện Văn học cũng được bổ sung từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ các trường đại học trong nước. Giai đoạn đông, số lượng cán bộ lên đến 70 người. Đến nay, Viện có 46 cán bộ, trong đó có 42 cán bộ biên chế và 04 cán bộ hợp đồng, trong đó có 04 PGS. TS; 20 Tiến sĩ; 15 Thạc sĩ.
PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, với sự nỗ lực chung của tập thể lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ Viện qua các thế hệ, 70 năm qua Viện Văn học đã đạt được những thành tựu quan trọng ở nhiều lĩnh vực chuyên sâu: (i) Nghiên cứu lý luận văn học; (ii) Nghiên cứu văn học dân gian và văn học thiểu số; (iii) Nghiên cứu văn học cổ trung đại; (iv) Nghiên cứu văn học cận, hiện đại và đương đại; (v) Nghiên cứu văn học nước ngoài; (vi) Tạp chí Nghiên cứu Văn học là diễn đàn khoa học hàn lâm, uy tín trong nước và quốc tế góp phần định hướng tư tưởng học thuật qua các thời kỳ, đáp ứng xuất sắc nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa - văn học đất nước; (vii) Cung cấp hiệu quả và chất lượng nhiều luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược phát triển nghiên cứu và giảng dạy văn học. Những đóng góp quan trọng Viện Văn học đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể và các cá nhân:
Năm 1979: Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Viện Văn học và Huân chương lao động Nhì cho Tạp chí Văn học.
Năm 1985: Hội đồng Nhà nước, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Viện Văn học.
Năm 1990: Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tạp chí Nghiên cứu Văn học
Năm 1999: Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Viện Văn học
- Giải thưởng Hồ Chí Minh: GS. Đặng Thai Mai, GS. Cao Xuân Huy, Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan, Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh, GS.VS. Hồ Tôn Trinh (Hoàng Trinh), Nhà phê bình Hoài Thanh, GS. Hà Minh Đức, Nhà thơ Hoàng Trung Thông.
- Giải thưởng Nhà nước: Nhà thơ Hoàng Trung Thông, GS. Hà Minh Đức, GS. Phong Lê, PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh, PGS.TS. Thành Duy (Nguyễn Văn Truy), PGS.TS. Phan Trọng Thưởng, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp.
- Huân chương Độc lập hạng Nhất: GS.VS. Hồ Tôn Trinh (Hoàng Trinh), Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục.
- Huân chương Độc lập hạng Ba: Nhà thơ Hoàng Trung Thông, PGS. Vũ Đức Phúc.
- Huân chương Lao động hạng Nhất: GS. Hà Minh Đức
- Huân chương Lao động hạng Nhì: PGS.TS. Phan Trọng Thưởng
- Huân chương Lao động hạng Ba: PGS.TS. Trương Đăng Dung, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, PGS.TS. Vũ Thanh.
Bên cạnh đó, có một số nhà khoa học của Viện được quốc tế tôn vinh và nhiều nhà khoa học thuộc các thế hệ khác nhau cũng nhận được giải thưởng của Trung ương và địa phương.
Phát biểu chúc mừng Viện Văn học, thay mặt Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch Phan Chí Hiếu nhiệt liệt chúc mừng Viện Văn học tròn 70 tuổi và đánh giá cao những thành tích, sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi qua các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động và đạt được nhiều thành tựu, có nhiều đóng quan trọng cho Viện Hàn lâm và cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, đặc biệt trong hoạt động nghiên cứu văn học, lý luận văn học. Với những thành tựu đã đạt được, Viện Văn học và nhiều tập thể, cá nhân, các nhà khoa học của Viện qua các thời kỳ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng và nhiều danh hiệu cao quý.
Quang cảnh Lễ Kỷ niệm
Thay mặt Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm, Chủ tịch Phan Chí Hiếu gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các thế hệ lãnh đạo, các công chức, viên chức, người lao động của Viện Văn học đã không quản ngại khó khăn vất vả, phát huy truyền thống đoàn kết, chung tay góp sức xây dựng Viện Văn học được trưởng thành, lớn mạnh như ngày hôm nay; đồng thời cảm ơn các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia, các nhà khoa học đã luôn quan tâm, hỗ trợ cùng Viện Văn học, cùng VIện Hàn lâm kể cả trong những ngày tháng hết sức khó khăn, và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp hiệu quả của các đồng chí, các đơn vị trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Viện Văn học còn gặp một số khó khăn vướng mặc và có những hạn chế nhất định, đặc biệt chưa khai thác, phát huy hết truyền thống, bản sắc, tiềm năng, thế mạnh với bề dầy 70 năm xây dựng trưởng thành của Viện Văn học.
Trước giai đoạn phát triển mới của đất nước và phát huy hơn nữa các kết quả, thành tựu trong 70 năm xây dựng và phát triển, Chủ tịch Phan Chí Hiếu đề nghị các đồng chí lãnh đạo, viên chức của Viện Văn học tiếp tục nỗ lực, cố gắng vượt qua các khó khăn, đóng góp công sức, trí tuệ cho các công việc của Viện Văn học và các công việc lớn của Viện Hàn lâm và tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, khẩn trương kiện toàn cấp ủy, lãnh đạo Viện Văn học và lãnh đạo các đơn vị cấp phòng; thực hiện ngay cấp đổi giấy phép cho Tạp chí Nghiên cứu Văn học và xử lý triệt để các vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Viện đã xuất hiện trong thời gian gần đây.
Thứ hai, tiếp tục phát huy, khẳng định hơn nữa vị thế của Viện là một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu về văn học của đất nước, trong đó cần tập trung các nguồn lực để nghiên cứu các công trình nghiên cứu lớn; dự báo các vấn đề xu hướng mới nhằm kịp thời tham mưu, cung cấp các luận cứ khoa học cho hoạch định đường lối chiến lược của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Thứ ba, tăng cường đạo tạo, phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu nhất là đội ngũ cán bộ trẻ có tâm huyết với nghề, có năng lực nghiên cứu và phẩm chất đạo đức tốt.
Thứ tư, chú trọng tổ chức bộ máy của Viện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, triển khai tốt quy định thực hiện chức năng nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Viện; ăng cường kỷ luật hành chính, chú trọng hoạt thiện các quy chế, quy trình nội bộ của Viện, chấp hành nghiêm các quy định, quy chế làm việc của Viện Hàn lâm.
Thứ năm, đổi mới lề lối làm việc, chú trọng ứng dụng CNTT, phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thứ sáu, tăng cường đoàn kết nhất trí, xây dựng môi trường học thuật liêm chính. Từng thành viên của Viện cần nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết vì mục tiêu phát triển của Viện
Phát biểu đáp từ, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, thay mặt Viện Văn học học tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện Hàn lâm và khẳng định với truyền thống đoàn kết, thống nhất, với lòng hăng say học tập và lao động, toàn thể cán bộ, viên chức Viện Văn học sẽ cố gắng vươn lên, tích cực xây dựng đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao để xứng đáng với những thành tựu trong quá khứ và đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.
Chủ tịch Phan Chí Hiếu chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
Nhân dịp này, Viện Văn học nhận được nhiều Thư Chúc mừng, lẵng hoa tươi thắm của các đại biểu tham dự cũng như các cơ quan, ban, ngành, đối tác trong và ngoài Viện Hàn lâm.
Sau Lễ Kỷ niệm, Viện Văn học tổ chức Hội thảo với chủ đề “Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học từ tầm nhìn hiện đại”. Hội thảo là diễn đàn thảo luận về những vấn đề mới, các dự án nghiên cứu, giảng dạy văn học. Đặc biệt, đây cũng là hoạt động thể hiện sự chủ động tích cực tham gia tổng kết “Văn học Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thành tựu, hạn chế, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”, một nhiệm vụ do Ban Bí thư giao cho Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì, Viện Văn học là đơn vị tham mưu và triển khai thực hiện về chuyên môn./.
Một số hình ảnh tại Lễ Kỷ niệm:
TS. Trần Thiện Khanh, Phó Viện trưởng Viện Văn học phát biểu tại buổi Lễ
GS. Phong Lê, Nguyên Viện trưởng Viện Văn học giai đoạn 1988-1995 phát biểu tại Lễ Kỷ niệm
GS. Hà Minh Đức, Nguyên Viện trưởng Viện Văn học thời kỳ 1995-2003 phát biểu tại Lễ Kỷ niệm
PGS.TS. Nguyễn Đức Minh chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các thế hệ lãnh đạo của Viện Văn học tại Lễ Kỷ niệm
PGS.TS. Nguyễn Đức Minh tặng hoa chúc mừng đội văn nghệ tham gia biểu diễn tại Lễ Kỷ niệm
Nguyễn Minh Hồng
Nguồn: Vass.gov.vn