Đang online: 1

Lượt truy cập:

Hội thảo khoa học “Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học từ tầm nhìn đến hiện đại”

22/12/2023

Thiết thực chào mừng 70 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và nằm trong khuôn khổ 70 năm Ngày thành lập Viện Văn học; được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm – VASS), chiều ngày 21/12/2023, tại trụ sở số 176 Thái Hà, Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học từ tầm nhìn đến hiện đại”.

HỘI THẢO KHOA HỌC “NHỮNG VẤN ĐỀ MỚI TRONG NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY VĂN HỌC TỪ TẦM NHÌN ĐẾN HIỆN ĐẠI”

 

Thiết thực chào mừng 70 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và nằm trong khuôn khổ 70 năm Ngày thành lập Viện Văn học; được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm – VASS), chiều ngày 21/12/2023, tại trụ sở số 176 Thái Hà, Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học từ tầm nhìn đến hiện đại”.

 

Ban Điều hành Hội thảo
Ban Điều hành Hội thảo

 

Tham dự Hội thảo, về phía Viện Văn học có các Phó Viện trưởng Viện Văn học: TS. Trần Thiện Khanh và TS. Phạm Văn Ánh; GS. Phong Lê, Nguyên Viện trưởng; PGS.TS. Vũ Thanh, Nguyên Phó Viện trưởng, cùng các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các bộ ngành, cơ quan nghiên cứu, trường đại học, trường phổ thông; các địa phương, các đơn vị thuộc, trực thuộc Viện Hàn lâm, các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin về Hội thảo.

 

TS. Trần Thiện Khanh, Phó Viện trưởng Viện Văn học phát biểu đề dẫn Hội thảo
TS. Trần Thiện Khanh, Phó Viện trưởng Viện Văn học phát biểu đề dẫn Hội thảo

 

Giữa thập niên 80 của thế kỉ XX, trước sự khủng hoảng kinh tế và xã hội, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “đổi mới là con đường vươn lên đáp ứng đòi hỏi của thời đại…, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn, Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra một bước ngoặt phát triển mới cho đất nước. Gần 40 năm qua công cuộc đổi mới đất nước đã đạt nhiều thành tựu, trong đó có lĩnh vực văn hóa văn học. Một trong những nguyên nhân đưa đến sự thành công trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ là sự thay đổi trong quan điểm, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự thay đổi này tạo ra các thiết chế mới, quy ước diễn ngôn mới, một tầm nhìn mở rộng và định hướng mới cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, tạo ra những không gian mới cho sự thực hành sáng tạo, nghiên cứu, giảng dạy và tiếp nhận văn học.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Văn Ánh, Phó Viện trưởng Viện Văn học nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các quý vị đại biểu và nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo trong bối cảnh hiện nay. TS. Phạm Văn Ánh nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn để nhiều thế hệ cán bộ đã và đang công tác tại Viện Văn học, các nhà nghiên cứu, giảng dạy văn học trong cả nước có cơ hội gặp gỡ, công bố và chia sẻ những thành quả nghiên cứu khoa học mới; định hướng cho sự phát triển của hoạt động nghiên cứu, giảng dạy văn học thời gian tới từ nền tảng tri thức khoa học xã hội, nhân văn hiện đại. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện Văn học, đồng thời là sự kiện quan trọng nhằm hưởng ứng Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Trần Thiện Khanh, Phó Viện trưởng Viện Văn học cho biết, từ năm 1986 đến nay, rất nhiều lý thuyết văn học được giới thiệu, du nhập vào Việt Nam, gần như không thiếu lý thuyết hiện đại nào. Đây vừa là kết quả của sự đổi mới cơ chế tiếp nhận, đổi mới tư duy, vừa là tiền đề góp phần hình thành bộ khung tri thức mới, tầm nhìn mới về văn học, thúc đẩy việc tư duy lại nhiều vấn đề văn học, đánh giá, lí giải lại nhiều hiện tượng mà vì lí do nào đó của lịch sử chưa được nhìn nhận thỏa đáng, hợp lý; định hình cách chúng ta hình dung về văn học, kiến tạo các giá trị văn học trước những cơ hội, thách thức của hiện tại và tương lai. Có hàng loạt vấn đề đặt ra: Hoạt động sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy, tiếp nhận văn học cần chuyển động như thế nào từ tầm nhìn hiện đại hay từ tầm nhìn đó, văn học được mô tả và có vị trí, giá trị như thế nào trong đời sống? Tất nhiên, mỗi cách nhìn, tầm nhìn sẽ có một cách hình dung, miêu tả, định hướng khác nhau về sự thực hành các hoạt động văn học (bao gồm cả sáng tác, tiếp nhận, diễn giải…), vậy định hướng phát triển văn học ra sao từ tầm nhìn của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sư phạm? Nghiên cứu và giảng dạy văn học giờ đây hướng đến điều gì? Độc giả tìm kiếm, kỳ vọng gì đối với văn học? Văn học để làm gì?..

Tại Hội thảo, TS. Trần Thiện Khanh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề sau:

Một là, nhận diện sự hình thành và thay đổi các hệ hình tri thức khoa học xã hội và nhân văn hiện đại trên thế giới, từ đó xác định các tầm nhìn hiện đại về văn học, xác định các mô hình nghiên cứu và giảng dạy có tính phổ biến và mới mẻ.

Hai là, làm rõ những vấn đề mới (về phương pháp tiếp cận, về việc đánh giá những hiện tượng văn học mới, về các di sản văn học…v.v) trong nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học nước ngoài.

Ba là, trên cơ sở tổng kết những thành tựu, kinh nghiêm nghiên cứu văn học trước 1986, định hướng nghiên cứu văn học ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

Bốn là, phân tích, đánh giá, lý giải mối quan hệ giữa nghiên cứu văn học ở Viện Hàn lâm với thực tiễn giảng dạy ở các trường Đại học, giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; chỉ ra tính tích cực và sự tương thích của các lý thuyết, phương pháp tiếp cận đối với thực tiễn văn học dân tộc và sự ảnh hưởng của các thành tựu nghiên cứu lý luận, phê bình, văn học sử hiện đại đối với việc hình thành các tri thức văn học mới, việc xây dựng các chương trình ngữ văn, đào tạo văn học trong nhà trường.

Năm là, thảo luận về việc đổi mới giảng dạy và đào tạo văn học trong nhà trường trong bối cảnh mới và từ các hệ hình tri thức mới, các cơ hội và thách thức đối với việc giảng dạy văn học; kinh nghiệm đọc, dạy văn học của các quốc gia và việc vận dụng nó vào thực tiễn Việt Nam.

Hội thảo đã nhận được 71 tham luận của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, các nhà giáo, nhà giáo dục từ nhiều miền đất nước, từ các trung tâm khoa học, giáo dục, đến từ các Viện nghiên cứu, các Trường đại học, các Hội nghiên cứu. Đặc biệt, Hội thảo đã nhận được tham luận của các tác giả đến từ Trường Đại học Quốc gia St. Petersburg, Liên bang Nga.

 

Phiên làm việc của Tiểu ban 1
Phiên làm việc của Tiểu ban 1

 

Hội thảo tập trung thảo luận ở 02 Tiểu ban với các vấn đề: Những thành tựu, kinh nghiệm và định hướng nghiên cứu văn học ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Những vấn đề mới (về phương pháp tiếp cận, về việc đánh giá những hiện tượng văn học mới, về các di sản văn học...) trong nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học nước ngoài. Mối quan hệ giữa nghiên cứu văn học ở Viện hàn lâm với thực tiễn giảng dạy ở các trường đại học. Vấn đề đổi mới giảng dạy và đào tạo văn học trong nhà trường trong bối cảnh mới.

 

PGS.TS. Vũ Thanh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học trình bày tham luận tại Hội thảo
PGS.TS. Vũ Thanh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Làm rõ các vấn đề trên, các tham luận tại Hội thảo đã phân tích quá trình nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam và văn học nước ngoài. PGS.TS. Vũ Thanh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học có bài “Định vị truyện truyền kỳ và quá trình dân tộc hóa thể loại trong lịch sử văn học Việt Nam”; Nhà phê bình Lại Nguyên Ân (Hội Nhà văn Việt Nam) có những đánh giá mới từ trường hợp Văn Cao, nghĩ về hướng nghiên cứu chủ nghĩa hiện đại trong văn học Việt Nam thế kỷ XX. Tìm hiểu về những vấn đề mới trong giảng dạy văn học, nhiều học giả có những chia sẻ rất thú vị như “Vận dụng quy trình Tư duy thiết kế (Design Thingking) trong đổi mới giảng dạy văn học- Những khả năng và triển vọng” của TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cùng chia sẻ vấn đề này, có TS. Lê Dương Khắc Mạnh, Trường Đại học Văn Hiến với những trăn trở về vai trò của truyền thông kỹ thuật số trong việc đổi mới phương pháp dạy Văn học hiện nay.

Nhìn chung, các ý kiến tại Hội thảo đã tập trung phân tích, thảo luận về những vấn đề xoay quanh mối quan hệ giữa nghiên cứu văn học một cách hàn lâm với thực tiễn giảng dạy trong các trường đại học. Từ đó, chỉ ra sự tương thích của các lý thuyết, phương pháp tiếp cận đối với thực tiễn văn học dân tộc và ảnh hưởng của các thành tựu nghiên cứu lý luận, phê bình văn học sử, đồng thời nhận diện cơ hội và thách thức đối với việc giảng dạy văn học trong bối cảnh mới để từ đó đưa ra cách tiếp cận mới và cũng như phương pháp giảng dạy mới góp phần việc xây dựng các chương trình đào tạo ngữ văn trong nhà trường ngày một hiệu quả.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Vũ Thanh khẳng định các tham luận và ý kiến trao đổi được chia sẻ tại Hội thảo đều là những bài viết, những ý kiến có hàm lượng khoa học cao, đem lại nhiều thông tin, nhận định có giá trị, tổng kết nhiều phương diện trong nghiên cứu, giảng dạy văn học trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, nhiều bài viết có cách nhìn nhận mới hoặc áp dụng những lý thuyết khoa học mới (ký hiệu học, phê bình sinh thái, văn hóa học, phê bình giới, liên ngành…) vào nghiên cứu các giá trị văn học và giảng dạy văn học ở các cấp học. Sau buổi Hội thảo, các tham luận đạt chất lượng sẽ được Ban Tổ chức lựa chọn để xuất bản kỷ yếu./.

Nguyễn Minh Hồng

Nguồn: vass.gov.vn

Các tin đã đưa ngày: