DẪN NHẬP: LIÊN KẾT NGỮ VĂN HỌC, THỰC HÀNH CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN
Micheller Warren(*)
Mọi hiện hữu – dù không được biết đến – của một nền văn hóa riêng biệt, ngay cả khi chúng im lặng, vẫn là nhân tố kết nối tích cực trong Mối Liên Hệ rộng lớn, phổ quát.
Édouard Glissant, Thi pháp của Liên hệ
Chủ nghĩa nhân văn… phải đào xới cái im lặng, thế giới của những kí ức, những kẻ lang thang, những cộng đồng sống sót, những nơi chốn của sự loại trừ và vô hình…
Edward Said, Sự trở lại với Ngữ văn học
Những hình ảnh tiêu cực của ngành Ngữ văn học vốn luôn phong phú. Nhiều định kiến đã gán thực hành ngữ văn học với việc truy tìm những tiểu tiết ngôn ngữ bí ẩn, tách khỏi vấn đề diễn giải vốn chiếm lĩnh phê bình chính mạch; người ta cũng thường nghĩ lĩnh vực này hàm ẩn một quan điểm thực chứng về lịch sử, dễ bị trưng dụng cho những mục đích dân tộc chủ nghĩa. Thế nhưng, Ngữ văn học – hiểu như là một tập hợp các phương pháp mang tính kỹ thuật để tạo ra các lịch sử ngôn ngữ và các văn bản bị biên tập từ mọi thời đại – lại nằm bên dưới trải nghiệm đọc của con người trên các văn bản. Hơn nữa, các kĩ thuật của nó có thể giúp phê phán những cội nguồn và tính mạch lạc cũng dễ dàng không kém việc kiến tạo chúng. Bởi vậy, tôi cho rằng việc tư duy lại khái niệm Ngữ văn học sẽ có ích đối với chúng ta(1). Bên cạnh việc đem lại tri thức chuyên sâu về ngôn ngữ, Ngữ văn học có thể bao hàm một quan điểm được thừa nhận phổ biến về bản chất kiến tạo của văn bản tính (textuality) nhìn từ một nhãn quan xuyên lịch sử. Được tách khỏi việc nghiên cứu những giai đoạn lịch sử đặc thù (thời cổ đại, thời trung cổ), Ngữ văn học có thể điều hòa giữa những phương thức chuyên biệt nhất của quá trình sản tạo văn bản và những mối bận tâm rộng lớn nhất của phê bình, giữa các ngôn từ và những tình huống xã hội phong phú của chúng. Theo phương thức này, Ngữ văn học trẻ hóa những mối liên hệ dài lâu của nó với văn hóa và chủ nghĩa nhân văn, can dự vào một số những đối thoại sôi nổi nhất của phê bình đương đại.
Bằng cách minh họa, tôi muốn chuyển sang bản thân phê bình đương đại – cụ thể là tư tưởng của Eduard Glissant và Edward Said. Trong những lời đề từ ở trên, cả hai nhà tư tưởng đều liên hệ những khái niệm quan yếu của họ - lần lượt là Liên kết và chủ nghĩa nhân văn – với một sự im lặng đòi hỏi được phát lộ. Với cả hai, những im lặng là bộ phận không thể thiếu trong dàn hỗn âm của nền văn hóa mà chúng ta nghe được. “Truyền đạt” hay “khai quật” cái im lặng nghĩa là tìm cách tái cấu trúc những gì đã biến mất – địa hạt quan trọng nhất của ngành ngữ văn học. Ở đây những phương pháp mang tính kỹ thuật của ngữ văn học dùng để phục nguyên những đặc điểm bị khuất lấp của ngôn ngữ và văn bản đã vượt qua thời gian và không gian để thách thức sự im lặng mang tính trấn áp và hé lộ những tàng thư bị lãng quên.
Said kết nối trực tiếp nghĩa vụ của chủ nghĩa nhân văn - khai quật cái im lặng ấy - với ngữ văn học khi ông viết, đâu đó trong “Sự trở lại của Ngữ văn học”, rằng “Một lối đọc ngữ văn học đích thực luôn có tính chủ động; nó bao hàm sự đột nhập vào trong tiến trình của ngôn ngữ diễn ra trong các từ và khiến chúng bộc lộ những gì bị ẩn giấu, bị bỏ lửng, bị che đậy hay bị bóp méo trong bất cứ văn bản nào tồn tại trước chúng ta”(2). Nói cách khác, ngữ văn học hình thành chiều kích ngôn ngữ của chủ nghĩa nhân văn, được định nghĩa sau đó trong tiểu luận này như là một “phân tích đối lập giữa không gian của ngôn từ với những nguồn gốc và sự khai triển đa dạng của chúng trong không gian vật chất và xã hội”(3). Xuyên suốt tiểu luận của mình, Said nhấn mạnh những phẩm chất khác thường của ngữ văn học, một motif chủ đạo trong những tác phẩm sau này của ông. Quả thực, trong bài diễn thuyết trước Hội nghiên cứu Ngôn ngữ hiện đại Hoa Kỳ (MLA) với tư cách chủ tịch vào năm 2000, ông dường như đã có sự cộng hưởngvới Albert Cook khi Cook thực hiện bài diễn thuyết tương tự cách đây 100 năm: cả hai đều nhấn mạnh sự cao quý của ngữ văn học, thậm chí cả nguồn sinh khí nó thổi vào cuộc sống, như là yếu tố cốt yếu của một chủ nghĩa nhân văn đáng ngưỡng mộ(4). Ảnh hưởng sẽ còn lâu dài của Said thể hiện ở chỗ ông đã đặt ngữ văn học vào một cuộc thảo luận tích cực về những nguyên tắc rộng nhất của nghiên cứu văn hóa và văn chương trong bước ngoặt thế kỉ XXI.
Mang theo cam kết của các nhà nhân văn chủ nghĩa là khôi phục những kí ức và căn tính, Glissant và Said đã liên tục thảo luận về nội dung chính thức của ngữ văn học. Những gặp gỡ về tư tưởng giữa Said và Erich Auerbach trong suốt sự nghiệp của ông vẫn còn là chủ đề của rất nhiều cuộc tranh luận. Nhìn chung, qua những thảo luận này, người ta có thể thấy Said đã biến cuộc lưu vong khỏi nước Đức của Auerbach thành một biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn quốc tế theo nhiều cách khác nhau(5). Trái lại, trong tác phẩm của Glissant, những quy chiếu trở đi trở lại tới nhà ngữ văn học trung cổ cùng thời và là đồng nghiệp của Auerbach, Ernst Robert Curtius, lại nhận được khá ít sự chú ý. Curtius đã dần dần vắng mặt trong những cuộc tranh luận phê bình sôi nổi, dù cuốn sách chủ chốt của ông, Văn chương châu Âu và Thời Trung Cổ Latin, đến những năm 1990, vẫn thường được mô tả như “một tượng đài quốc tế vượt lên trên mặt bằng của những nghiên cứu văn chương mang màu sắc tỉnh lẻ”(6). Quả thực, Curtius và Auerbach đối lập nhau trên nhiều phương diện, cả về con người lẫn về tư tưởng triết học(7). Tuy nhiên, họ chia sẻ nhiều tiền đề cơ bản. Cả hai hiểu Ngữ văn học theo nghĩa rộng đến khác thường (nghĩa là, về bản chất, ngữ văn học chính là nghiên cứu văn chương)(8); cả hai đều kiến tạo chủ nghĩa nhân văn văn chương cắm sâu trong khu vực văn hóa cao cấp của châu Âu (trải dài từ tiền trung cổ cho đến thế kỉ XX); cả hai rõ ràng đều có ý đồ khai thác những yếu tố có tính chất kết nối tính toàn cầu mà họ nhận thấy trong lịch sử văn chương châu Âu để kháng cự lại chủ nghĩa dân tộc hung hăng (hãy chú ý tới điều kiện khắc nghiệt của hoạt động học thuật mà hai nhà nghiên cứu này đều từng trải qua vào những năm 1930 và 1940). Said thường xếp Curtius cùng với Auerbach vào chung trong dòng hướng của chủ nghĩa nhân văn ngữ văn học được mô tả theo nét nghĩa rộng nhất và cái mà ông gọi là “thông diễn học ngữ văn” (philological hermeneutics)(9). Trong khi đó, cách Glissant tiếp cận Curtius chứng thực một cách hiểu năng động về những mối quan hệ lịch sử, hình thành những nối kết mạnh mẽ giữa Ngữ văn học, Chủ nghĩa Dĩ Âu vi trung và chủ nghĩa nhân văn. Ở cách mà Glissant và Said thực hành ngữ văn học theo cách riêng của mình, hai học giả này đã xác lập hình mẫu cho một kiểu đối thoại học thuật đa chiều kích, kết nối ngữ văn học với tương lai của chủ nghĩa nhân văn và nhân loại nói chung.
Glissant thường xuyên gọi tác phẩm quan trọng European Literature của Curtius là “cuốn sách gối đầu giường” (un livre d’avant-dormir) (10) trong các sách và bài giảng của ông, vừa là sự đối lập lại vừa là khởi nguồn cho thi pháp lý tưởng của Glissant. Cuốn sách của Curtius chứng minh sự thống nhất và nhất quán của văn chương châu Âu bằng cách nhận diện một số lượng cố định các topos, hay các chủ đề truyền thống xuất phát từ văn chương Latin và được chia sẻ qua nhiều thế kỉ đến tận thời hiện đại. Như thế, theo Glissant, Curtius dễ dàng tạo ra hình ảnh một truyền thống châu Âu tĩnh tại bị làm nhiễu bởi sự năng động của Tân Thế giới. Trong Le discours antillais (Diễn ngôn Caribean), Glissant định nghĩa tiểu thuyết châu Mỹ một phần như là sự kế thừa và chuyển hóa topos về cảnh quan mà Curtius đã khái quát về văn chương châu Âu(11). Giống như Curtius, Glissant khẳng định rằng văn chương tìm thấy căn tính của nó trong một “diễn ngôn về cảnh quan” (parole du payssage). Trong khi văn chương châu Âu phát triển xung quanh chủ đề truyền thống là “suối và cỏ” (de la source et pré), thì văn chương Hoa Kỳ làm gián đoạn cái hiền hòa thôn quê này (locus amoenus) như một luồng gió “thổi tung và phủ bóng lên mặt đất như một cái cây lớn”(12). Từ những cái bóng che chở ấy, Glissant đưa ra một hình dung về tính hiện đại của châu Mỹ như là sự đoạn tuyệt, đối lập với tính hiện đại tuyến tính và liên tục của châu Âu. Ông định vị bản thân ông và văn chương Caribbean trong sự đối lập rạch ròi với cảnh quan của châu Âu: “Tôi không làm ăn trên đồng cỏ, tôi không chia sẻ sự thanh bình của dòng suối” (“Je ne pratique pas l’économie du pré, je ne partage pas la tranquilité de la source)”(13). Ở chỗ khác, Glissant đối lập đồng cỏ của châu Âu với hình ảnh của rừng già và bụi rậm; đối lập dòng suối hiền hòa với động đất và bão tố(14), đối lập cái nhịp nhàng, mực thước của cảnh quan châu Âu (“la mesure d’une mesure”) với “thái quá của thái quá” (“une démesure de la démesure”) mà Tân Thế giới say mê(15). Curtius nhìn thấy ở những cảnh tượng này một diễn ngôn về cảnh quan châu Âu bị thế chỗ bởi một tiến trình trộn lẫn căn tính không thể đoán trước (creolization)(16).
Cái nhìn cảnh quan của Glissant cho thấy một sự gặp gỡ về thi pháp với Curtius, và qua đó, với văn chương châu Âu thời Trung Cổ(17). Glissant đều bàn khá cụ thể cả hai khía cạnh này trong Traité du tout monde (Đặc điểm của cái toàn thể). Sau các chương nối kết các vấn đề về nhịp điệu thơ, thời gian trung cổ và những lịch sử lâu dài của sự đa dạng, Glissant đã phát triển luận điểm từ chương 16 cuốn sách European Literature của Curtius. Suy tưởng đó được đặt tên là “Cuốn sách của thế giới” (Le Livre du Monde) - cụm từ này trực tiếp lặp lại hình ảnh mà Curtius đã gợi ra(18), nó in dấu thi pháp của Glissant lên khuôn khổ đã thiết định của “cuốn sách” này với tư cách một biểu tượng, kể cả khi nó biến đổi hình ảnh đó. Glissant xác định trong cuốn sách này tất cả những gì bất biến – tương phản với “cái chuyển động vô tận” (l’infiniment mouvant) của Internet(19). Tuy nhiên, với Glissant, những cái bất biến này lại đối lập với những sự trấn áp nặng nề của những hình ảnh truyền thống hoặc được thiêng hóa về tính cố định thường được gắn với những cuốn sách (và với ngữ văn học): “Nhiệm vụ của những cái bất biến không phải là tìm thấy một Cái Tuyệt đối mà ở chỗ chúng phải thiết lập Liên kết (Relation)” (La poussée des invariants ne fonde pas un Absolu, elle établit Relation”). Cuốn sách thế giới của Glissant hòa kết với “cái vượt ngưỡng” (démesure), thay vì nghiền nát nó(20). Và chỉ có sách, chứ không phải những hình thái phù du như Internet, mới có thể bảo lưu một ngôn ngữ thơ ca đủ phóng khoáng cho một hình ảnh tưởng tượng về cả hành tinh (a planetary imagination)(21).
Đối lập “lời nói” hằng ngày (langue) với “ngôn ngữ” (langage) có tính bền vững, Glissant trở lại với Curtius như là tác giả của một trong “những cuốn sách lớn” (livres épais) đã “cho chúng ta thời gian” (nous donnent le temps) để hình dung về một thứ ngôn ngữ như vậy, một thứ ngôn ngữ tạm thời gián đoạn với thứ lời nói đời thường không bền vững(22). Glissant hỏi, ông đi tìm điều gì trong những cuốn sách ấy?
Tôi hình dung chúng ta ở trong đó, trong những cuốn sách ấy, giống như một thứ môi giới. Có lẽ trên hết, chúng ta muốn tìm ở đó những dấu hiệu của một cái toàn thể cuốn hút ta ngày nay. Chúng ta muốn đặt vào đó những cái bất biến của chúng ta, và chúng ta muốn tìm hiểu xem bằng cách nào những văn bản ấy lại biết trước sự tồn tại của những cái bất biến đó. Sự kiên nhẫn nhọc nhằn của thời gian củng cố nơi chúng ta một cảm thức về độ dài, giúp chúng ta vững vàng trước những khúc quành thất thường trong cuộc lang thang quí giá. Tôi gọi đó là sự báo hiệu ngôn ngữ riêng của một con người. Đúng. Đó là cách chúng ta đọc những quyển sách lớn ấy.
Ở đây Glissant biến cuốn sách của Curtius (cùng với tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc Thủy Hử và Sự thăng trầm của đế chế La Mã [The Decline and Fall of the Roman Empire]) thành một dòng mạch khơi nguồn cho một suy tư, một mơ mộng về cuốn sách lớn của tương lai nhân loại. Cái toàn thể của Glissant (tout-monde) bao gồm những cái bất biến được xác định bởi các chủ đề truyền thống của văn chương châu Âu, không phải như những điểm cố định, mà như những giao điểm trong những liên hệ toàn cầu đầy năng động, được neo trong những cảnh quan đặc thù trong khi vẫn chiếm lĩnh một tỉ lệ rất lớn. Sử dụng cuốn sách của Curtius để suy ngẫm về ngôn ngữ của sự liên kết, Glissant xây dựng khái niệm về một thứ ngữ văn học pha tạp – một phương pháp để biên tập cho một cuốn sách thế giới kháng cự lại sự hợp nhất nguyên phiến.
Khái niệm liên hệ mang tính động mà Glissant đề xuất dường như là đối cực với tầm nhìn của Curtius về sự liền mạch tĩnh tại của châu Âu. Nhưng với Glissant, chính ở đây, người ta thấy rõ có một sự kết nối - chính tính đối cực lại đặt nền tảng cho một đối thoại, đó là một nơi chốn lý tưởng (locus amoenus) có sự biến hình phong phú trên khắp địa cầu để bao chứa một cái toàn thể năng động (dynamic totality). Cách Glissant sử dụng cuốn sách của Curtius – vừa như một biểu trưng của một truyền thống châu Âu thuần nhất và vừa như nguồn mạch cho một thứ ngôn ngữ của liên hệ - cho thấy bản chất lưỡng nguyên của phân tích ngữ văn học: nó vừa thiết lập vừa tháo dỡ sự mạch lạc, vừa củng cố vừa làm xói mòn truyền thống, vừa bội hóa vừa biệt hóa, vừa lang thang vô định vừa bắt rễ cố định (cái mà Glissant gọi là errance và racine(23)). Bởi ngữ văn học dao động giữa hai cực ấy, những kĩ thuật cố kết ý nghĩa và hình thức của nó lại quay ra chống lại cuộc mưu cầu những khởi nguyên duy nhất, những phả hệ liên tục, những mục đích luận lịch sử trơn tru, những hệ thống ngôn ngữ mạch lạc, những tôn ti bền vững, v.v… Nó quá cảnh giữa những thời khắc lịch sử riêng rẽ, can dự vào cả chủ thể tính và những nguyên tắc đạo đức của diễn ngôn công cộng (public discourse).
Một số bổ từ (modifier) gắn với ngữ văn học hướng đến kiểu tiếp cận này: phản nền tảng – antifoundational (Culler), phản – (Porter, Nietzsche 17), văn hóa (Rubin), rời rạc (Robins), xuất thần (El Alami), tính lưu vong (Harpham 111), xuyên lãnh thổ (Curthoys 155), đối lập (Porter, “Erich Auerbach” 121), hậu - (Warren, “Hậu ngữ văn học”), hậu học thuật (Sell), tái chế (Knapp), tái sinh (Curthoys 155), hoài nghi (Harpham 113), rậm rạp (Mallette 589), trần tục (Armstrong 140). Dẫu những từ ngữ này phát xuất từ những tiền đề rất xa nhau, chúng đều đồng thuận với ý niệm về cái toàn thể và liên hệ mà Glissant đề xuất, chúng trang bị cho ngữ văn học trở thành phương tiện để đi đến một tương lai nhân văn. Chúng cho thấy trong nhiều trường hợp, ngữ văn học đã không thể củng cố cho sự cố kết có vẻ như mang tính trung tính của ngữ cảnh xung quanh nó, và do đó, nó chấp nhận sống trong những địa hạt văn hóa chứa đựng nhiều nguy cơ(24).
Những tiểu luận được tập hợp ở đây đại diện cho ba mốc khởi đầu quan trọng trong truyền thống châu Âu mà Curtius và Auerbach đã định nghĩa hết sức thuyết phục – và được Said và Glissant định nghĩa lại, thuyết phục không kém. Những tiểu luận này cũng gặp gỡ với ngữ văn học nhân văn ở những cách thức mà chúng khai quật và đánh thức cái im lặng. Trong trường hợp “Khúc trữ tình cổ nhất của ngôn ngữ Romance” mới được phát hiện, ngôn ngữ văn học khởi nguồn không phải bằng các sử thi, thánh sử, chính trị hay bằng đá, mà nó bắt đầu từ sự thân mật, sự rủi ro của con người, với những mẩu, mảnh bị vứt bỏ của da động vật dễ hư hoại. Mỗi tiểu luận soi chiếu cận cảnh vào những nhân tố tưởng chừng bị khuất lấp (loạn luân, sinh đẻ, ý tưởng về cái mới), chú ý đến những nguồn mạch được nhận ra muộn, những kinh nghiệm riêng tư và tính liên văn bản xuyên lịch sử. Bằng những cách ấy, các tiểu luận giúp ta hình dung được về những người lao động đã làm nên sử thi Beowulf trong tiếng Anh, những khúc trữ tình xuất hiện sớm nhất trong tiếng Pháp ngữ, và một Dante trong tiếng Ý.
Với tư cách là một tập hợp các phương pháp mang tính kĩ thuật nhằm xác định những hình thức ngôn từ, những căn cước chung và những di sản lịch sử, ở đây ngữ văn học có thể là mọi thứ, ngoài trừ việc xem nó là một thứ tiền-thông diễn (prehermeneutic). Thay vì đi trước sự diễn giải, ngữ văn học giải quyết những tham số lý thuyết và văn hóa phức tạp. Vừa mang tính chất mô tả, lại vừa là hoạt động sáng tạo, ngữ văn học làm văn hóa hiện lên ở cấp độ vi ngôn ngữ (microlinguistic). Bằng cách duy trì, dung nhận cả tính đặc thù lịch sử lẫn bản chất giao tiếp xuyên lịch sử, nó giúp ta phân biệt giữa những phong cách địa phương và những tương đồng trên phạm vi rộng lớn hơn. Bằng cách này, nó có thể thách thức những giả định cơ sở về những văn bản nền tảng của văn chương châu Âu (như Beowulf hay Thần khúc), mà trước nay vẫn đóng một vai trò định đoạt thái quá trên sân khấu của chủ nghĩa nhân văn trong văn chương. Bằng cách làm lung lay những nền tảng tưởng chừng như chắc chắn ấy, ngữ văn học có thể hỗ trợ cho công cuộc xây đắp những chủ nghĩa nhân văn sắc sảo hơnq
ĐỨC ANH dịch
TRẦN NGỌC HIẾU hiệu đính
(Theo “Introduction: Relating Philology, Practicing Humanism”, PMLA, Volume 125, Number 2, March 2010, pp. 283–288)
_____________________
(*) GS - Trường Cao đẳng Dartmouth (Hoa Kỳ).
(1) Tôi đã từng có một biện luận đầy đủ cho luận điểm này trong Hậu ngữ văn học; xem các tranh luận liên quan ở Holquist, “Forgetting”, “Why We”, Knapp và Frank.
(2) E. Said, “Sự trở lại với Ngữ văn học”, đăng trên Humanism and Democratic Criticism. New York 2004, tr.59.
(3) E. Said, Tlđd, tr.83.
(4) E. Said, “Presidential Address”. Những tuyên bố tương tự xuất hiện trong “Sự trở lại với Ngữ văn học” tr.58, 68.
(5) E.g. Brennan; Mufti; Rubin; Hussein; Armstrong; Lindenberger 208-10; Apter; Harpham 110-17; Curthoys; Spanos 151-96. Auerbach bị buộc rời vị trí của mình tại University of Marburg năm 1935; sau khi dạy ở Istanbul từ 1936 tới 1947, ông sống tại Hoa Kỳ cho đến lúc mất.
(6) Peter Godman, “Những ý tưởng của Ernst Robert Curtius và Khởi nguyên của ELLMA.” Lời bạt trong cuốn European Literature của Curtius. Tr. 599.
(7) Về một số điểm phức tạp trong quan hệ giữa Auerbach và Curtius: Auerbach, “Philology” 13-14, “Epilegomena”; Fitzgerald; Nichols 63-64; Ziolkowski 156-157; Green; Gumbrecht 25, 33-34. Curtius phê phán Chủ nghĩa xã hội Dân tộc trong những năm 1930 nhưng vẫn ở lại Đức và được bổ nhiệm chức vụ ở một trường đại học (d. 1956), việc này tạo ra những lời buộc tội ông là tự thỏa mãn về đạo đức (cf. Spitzer 431; Spender; những thảo luận sắc sảo hơn có thể tìm trong Ziolkowski; Godman; Richards; Landauer, Porter, “Erich Auerbach”).
(8) Auerbach, Literary Language 6; Curtius, European Literature 383. Đọc thêm các cuốn sách: Auerbach, Introduction, và Curtius, Gessammelte.
(9) Said, “Dẫn nhập” xi, xiii, Beginnings 7, 20, 142, World 142, 154, 166, 250; cả hai đều được viết từ cùng “một nỗi kinh sợ thôi thúc” (Culture 47). Những người khác coi quan niệm về thời Trung cổ lấy châu Âu làm trung tâm của Curtius như một dạng khác của “chủ nghĩa nhân văn toàn cầu” (worldly humanism) (cf. Godman 613; Dronke 1104-05; Hartman 376; Uhlig 43; Ziolkowski; Armstrong 137; Curthoys 171n18).
(10) Édouard Glissant, La Cohée du lamentin. Gallimard, 2005, tr. 97
(11) Ernst Robert Curtius, European Literature and the Latin Middle Ages, Willard R. Trask dịch, Princeton UP, 1990, ch. 10.
(12) Édouard Glissant, Le discours antillais, Seuil, 1981, tr. 255.
(13) Édouard Glissant, Tlđd, tr. 255.
(14) Dẫn theo La Cohée du lamentin, Édouard Glissant, tr. 97; Traité du tout-monde, Édouard Glissant và Alexandre Leupin, Gallimard 2008, tr. 56.
(15) Édouard Glissant, La Cohée du lamentin. Gallimard, 2005, tr. 97
(16) Creolization là thuật ngữ mô tả quá trình trộn lẫn người bản địa, người gốc châu Âu, người gốc Phi ở Hoa Kỳ vào thời kì hình thành nhà nước mới. Từ này được Glissant trưng dụng để chỉ hiện tượng các ngôn ngữ, văn hóa giao thoa và trộn lẫn với nhau – ND.
(17) Tôi có thảo luận về một số liên hệ này trong Creole Medievalism, ch.5.
(18) Ernst Robert Curtius, Tlđd, tr. 392-93.
(19) Édouard Glissant, Traité du tout-monde, Gallimard 2008, tr.160-61.
(20) Édouard Glissant, Tlđd, tr.162.
(21) Édouard Glissant, Tlđd, tr.163.
(22) Édouard Glissant, Tlđd, tr.164.
(23) Édouard Glissant, Poétique de la Relation. Gallimard, 1990, tr.27-28.
(24) Như James Porter ghi lại trong phân tích của ông về Friedrich Nietzsche: “Ngữ văn học không hé lộ quá khứ. Nó khám phá thực tại trong ánh sáng của tương lai vĩnh hằng của quá khứ (in the light of the past’s endless futurity) (James Porter, Nietzsche and the Philology of the Future, tr. 14): Nietzsche tìm kiếm trong cái bóng những cách thức mà qua đó ngữ văn học truyền thống xói mòn nền tảng của chính nó từ bên trong” (James Porter, Tlđd, tr. 17).
Nguồn: Bài đã đăng trên tạp chí Nghiên cứu Văn học, số tháng 7 (521) / 2015, tr. 70-77.