PHÉP SOI GƯƠNG VÀ NGHỆ THUẬT TÂM LÝ CỦA L. TOLSTOI
Nguyễn Trường Lịch
Không thể kể hết những lời ngợi ca văn hào L. Tolstoi từ khi tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình và Anna Karenina xuất hiện cùng hàng ngàn trang tác phẩm khác, qua 100 tập sách của Toàn tập L. Tolstoi.
Giới văn nghệ cũng như đông đảo bạn đọc đều tìm thấy “Sức mạnh nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa Tolstoi chính là sự thâm nhập của bản chất quá trình xã hội vào quá trình tâm lý”. Tài phân tích tâm lý được thể hiện tuyệt vời nhất ở cuốn tiểu thuyết mang tên Anna Karenina (1874-1877)(1). Câu chuyện mối tình tay ba bắt nguồn từ trong gia đình bá tước Karenin, một đại thần quý tộc luống tuổi của triều đình Nga hoàng bên cạnh người vợ trẻ “đẹp mê hồn” quyến rũ và tràn đầy khát vọng sống đã khiến chàng đại uý kỵ binh Vrônxki điển trai, hấp dẫn kiểu tân thời say đắm và quyết tâm đeo đuổi chinh phục nàng. Nhưng sự đời không dừng lại đấy, mà con tạo xoay vần dẫn tới một vòng đua kép tình ái tay ba đan xen khá rắc rối và thú vị.
Anna / Vrônxki
Karenin ---- Vrônxki / Kiti -- - --- Anna
Về cốt truyện, hai nhân vật Anna và Kiti được đặt trong thế tương phản và số phận kết thúc của hai người hoàn toàn khác nhau, do đó qua Kiti, người đọc có thể hiểu sâu hơn về Anna và ngược lại qua Anna cũng nhận biết thêm về Kiti. Bài viết chỉ xin giới hạn ở thủ pháp soi gương - một thủ pháp sinh động, khác lạ trong nghệ thuật tâm lý. Văn hào Tolstoi ý thức rõ nét về lĩnh vực này: “Cần miêu tả xem mỗi nhân vật được phản ánh như thế nào ở những nhân vật khác”.
Tại phòng khiêu vũ ở Moxkva, Kiti lần thứ hai gặp lại Anna và bỗng mê vẻ đẹp của nàng, thán phục nhìn nàng nhảy “không mặc áo hoa cà như Kiti muốn; nàng mặc áo nhung đen cổ hở rất nhiều, để lộ đôi vai, bộ ngực tuyệt đẹp như tạc trên ngà voi, cổ và đôi cánh tay tròn với cổ tay nhỏ nhắn. Áo nàng đính toàn ren Vơniz. Trên mớ tóc đen không chút cầu kỳ, gài dải hoa păngxê nhỏ. Tóc nàng chải rất giản dị, chỉ trang điểm mấy búp nhỏ xõa xuống thái dương và gáy. Chuỗi hạt trai quấn quanh cổ nàng rắn chắc và tuyệt đẹp”.
Nhà văn đặc tả “cánh tay để trần” của Anna được nhắc lại nhiều lần mang nét đồng dạng với ngòi bút Flaubert - nhà văn Pháp mô tả “móng tay thon thon” của bà Bovary; đó là những chi tiết vật thể, còn các tiểu thuyết lãng mạn khác thường chú ý đến các hình ảnh, các lời bàn trừu tượng; tất nhiên cũng có thể có sự phối hợp giữa hai cách này(2).
Nhưng đến lần thứ ba, Kiti se lòng lại khi nhìn thấy Anna sánh vai cùng Vrônxki (người mà nàng đang đeo đuổi) trong vũ điệu mazurka, mà lẽ ra phải là với chính mình, chứ không phải với ai khác: “Cô bắt gặp ở nàng cái ánh mắt chói ngời và lung linh, nụ cười sung sướng và đắc thắng trên đôi môi bất giác run rẩy, vẻ duyên dáng chính xác và nhẹ nhàng trong mọi cử động”. Ở đây, dường như hình ảnh độc giả được chuyển thành khán giả đứng trước một màn kịch câm, hay một bức tranh không lời vẽ tả một “mối tình tay ba”đang lưu chuyển. Từ thủ pháp chân dung, nhà văn tạo nên một thủ pháp khác: - phép soi gương sinh động và lạ lẫm hơn. Chứng cớ là cô gái Kiti trẻ măng chỉ mấy hôm trước còn hồn nhiên vui vẻ như chim, như bướm, còn ngưỡng mộ sắc đẹp của Anna - như một bà chị -, thì nay cái nhìn sắc cạnh, và đầy ganh tị khi bước vào vũ hội: “Một sức mạnh phi thường như hút cặp mắt của Kiti dán vào mặt Anna. Trông nàng đầy sức quyến rũ, với tấm áo dài đen giản dị, đôi cánh tay tuyệt đẹp đeo đầy vòng, cái cổ rắn rỏi quấn chuỗi hạt trai, những búp tóc loà xòa, đôi chân nhỏ nhắn uyển chuyển duyên dáng, nét kiều diễm ấy có một vẻ gì ghê sợ và tàn nhẫn” (NTL nhấn mạnh).
Kiti còn nhìn thấy “trên nét mặt Vrônxki, xưa nay vốn lạnh lùng và thản nhiên, một lần nữa cô lại thấy cái vẻ bối rối và qụy lụy khiến cô sửng sốt: vẻ một con chó thông minh biết mình phạm lỗi…” (NTL nhấn mạnh).
“- Ngày mai bà nhất định đi ư ? - Vâng tôi định thế, Anna đáp, như ngạc nhiên vì câu hỏi táo bạo; nhưng ánh mắt lung linh và nụ cười của nàng như đốt cháy toàn thân chàng trong khi nàng nói câu ấy…”.
Còn bản thân Kiti khi mới bước vào phòng khách trong dáng điệu “ở vào những ngày sung sướng. Tấm áo dài không chút vướng víu, áo choàng vai đăng ten vẫn chỉnh tề, nơ còn mới nguyên; đôi giày hồng gót cao và cong không bó chặt, mà ôm khít bàn chân xinh xắn một cách dễ chịu (...). Dải nhung đen đeo mặt dây chuyền vàng hình trái tim, tao nhã quàng quanh cổ, trong gương, cô thấy hình như nó biết nói (...). Khi tới dạ hội, Kiti còn cười với nó lần nữa trong gương. Cô cảm thấy đôi vai và cánh tay trần của mình như bằng đá hoa lạnh (cảm giác cô thích hơn hết). Mắt cô long lanh và cặp môi tươi tắn bất giác mỉm cười: cô biết rõ là mình đẹp”...
Vẻ đẹp bề ngoài của Kiti càng được bộc lộ rạng rỡ hơn khi nàng nhìn vào góc trái gian phòng khách, nơi tinh hoa của xã hội thượng lưu đang tập trung ở đó với đủ sắc màu, mà “Chàng cũng có mặt ở đấy, Kiti chưa gặp lại chàng kể từ buổi tối cô cự tuyệt Lêvin”. Chính hôm nay cô đang tràn trề hy vọng, “chàng đến bên Kiti, nhắc lại lời cô đã hứa nhảy điệu vũ đối diện đầu tiên… Cô đợi chàng mời nhảy, nhưng không thấy gì. Cô ngạc nhiên nhìn Vrônxki, chàng đỏ mặt, vội mời cô nhảy. Nhưng chàng vừa quàng lấy tấm thân thanh tú và dạo bước thứ nhất thì âm nhạc dừng lại. Kiti nhìn kỹ khuôn mặt chàng kề sát mặt cô. Bao nhiêu năm sau, con mắt đầy tình tứ cô nhìn chàng lúc này và không được chàng đáp lại vẫn còn vò xé trái tim cô với một cảm giác hổ thẹn day dứt”.
Nhưng rồi đôi mắt đầy tình tứ ấy đã đổi khác khi thấy chàng nhảy với Anna khiến Kiti hoảng sợ phải trốn vào phòng bên, gieo mình xuống ghế bành. “Cô có vẻ như một con bướm vừa mắc vào đám cỏ, đang sắp sửa bay lên và giương đôi cánh sặc sỡ; một nỗi thất vọng ghê gớm vò nát trái tim cô” (...). “Có lẽ mình nhầm chăng? Có lẽ không đúng thế chăng?”. Kiti tự hỏi, rồi quay lại khiêu vũ, nhưng thật đáng buồn là Vrônxki không nhảy với cô nữa, mà lại nhảy với Anna. Kiti ngắm Anna một cách sợ hãi,... tuyệt vọng ngỡ ngàng: “Phải, chị ta có sức quyến rũ kỳ lạ và ma quái, Kiti nghĩ thầm”.
Cả ba bức chân dung không lời hiện ra thật sinh động trong một đêm vũ hội tưng bừng. Song nét nổi bật ở đây là tác giả diễn tả ba tâm trạng khác nhau qua sắc diện nhân vật biến đổi linh hoạt trong khung cảnh một “mối tình tay ba”, xuất hiện dưới ánh đèn rực rỡ của dạ hội, nơi không gian thị thành lộng lẫy mà xô bồ Moxkva, chứ không phải chốn kinh đô Peterbua cổ kính bình thản. Mối tình tay ba mới mẻ này nhuốm màu hiện đại hơn nhiều.
Không phải ai cũng có thể nắm bắt được bản chất vẻ đẹp của người thiếu phụ bất hạnh đang tràn đầy khát vọng sống này, chỉ có qua đôi mắt và đôi tay tài hoa của hoạ sĩ Mikhailov, - kiều dân Nga sống ở nước Ý -, Lêvin mới thấu hiểu và cảm mến Anna khi đến thăm nhà nàng, rồi ngẩn ngơ xao xuyến ngắm bức chân dung treo ở hành lang: “Đây không phải là tranh, mà là một người thiếu phụ đẹp mê hồn đang sống thực, với những búp tóc đen nhánh, với đôi vai và đôi cánh tay để trần, với nụ cười tư lự thấp thoáng trên cặp môi điểm hàng lông tơ mịn màng, và cặp mắt vừa dịu dàng, vừa đắc thắng đăm đăm nhìn”...
Ngọn bút uyển chuyển, sắc sảo đến mức kỳ diệu của nhà nghệ sĩ khiến cho vẻ đẹp mê hoặc của Anna được hiện hình đầy hấp dẫn. Phải chăng, ở đây tác giả còn muốn nói rõ thêm quan niệm về nghệ thuật:- người nghệ sĩ phải có tài năng thật sự thì mới nắm bắt được bản chất của đối tượng và mới có thể tạo nên ấn tượng sâu sắc nâng tầm giá trị của tác phẩm. Mặt khác, cũng là phép soi gương được vận dụng đối sánh qua cảm xúc của Lêvin khi ngắm nhìn bức chân dung người đẹp Anna, đến nỗi khi về nhà khoe với vợ, Kiti đã phát ghen lên. Cũng như nỗi lòng Anna, sau khi từ Moxkva gặp Vrônxki về lại thủ đô gặp chồng. Trước tình huống bộ ba chạm trán nhau trên sân ga, thì hình ảnh đập vào mắt Anna khiến nàng thảng thốt: “đôi vành tai ông ấy sao lại to đến thế kia”?
Cái tài của ngòi bút nhà văn là khắc hoạ được chuyển động thầm kín đến sửng sốt tâm trạng của nàng. Sau tám năm chung sống với chồng, sao mãi đến nay, “đặc biệt nàng ngạc nhiên về cái cảm giác bất mãn với bản thân khi nhìn thấy chồng” (tr.189).
Nhớ lại thời kỳ đầu, ai mới gặp Vrônxki đều nhận thấy nét hấp dẫn, hùng hổ, xông xáo của chàng lồ lộ ra bên ngoài. Khi Lêvin đến nhà Kiti để tỏ tình, không ngờ cùng chạm trán với Vrônxki vừa xuất hiện cũng đang nhằm ve vãn nàng: “Vrônxki tóc nâu, người tầm thước, rất cân đối, khuôn mặt đẹp hồn hậu, vẻ rất bình tĩnh và tự tin. Trên khuôn mặt và toàn thân chàng, từ mớ tóc nâu cắt ngắn, chiếc cằm cạo nhẵn cho đến bộ đồng phục mới may rất chỉnh, tất cả đều vừa giản dị vừa sang trọng… Khi đi về phía cô gái, cặp mắt đẹp của chàng ngời lên một ánh trìu mến và một nụ cười sung sướng thoáng nở, vừa nhũn nhặn, vừa đắc thắng, (theo cảm giác của Lêvin), chàng cúi chào Kiti và chìa bàn tay thon thả, nhưng rộng cho cô bắt”...
Nơi đây, tác giả dùng phép soi gương để khắc hoạ các nhân vật có quan hệ mật thiết qua “vô vàn móc nối” xen lẫn vào nhau giữa vòng tình ái. Nói một cách khác, đó là phép phân giải các ấn tượng về một cá nhân nào đó thành những ấn tượng riêng biệt, do nó gây ra ở nhân vật khác. Hay có thể nói là “nhập thân vào kẻ khác” để sáng tỏ đối tượng định miêu tả. Điều thú vị và hấp dẫn là tâm trạng nhân vật dưới ngòi bút của Tolstoi không tĩnh tại, mà luôn lưu chuyển như nước ở dòng sông, gắn liền với hoàn cảnh sống theo thời gian và không gian cụ thể. Vẫn nàng Kiti mới ngày nào thờ ơ lạnh nhạt với bá tước Lêvin, thì nay trong lễ cưới tại nhà thờ, “Lêvin quay lại và sững sờ vì vẻ vui sướng rạng rỡ hiện trên nét mặt nàng; tình cảm đó bất giác truyền sang chàng. Chàng cũng cảm thấy thanh thản và vui vẻ như nàng”… Thế rồi Lêvin “thận trọng hôn đôi môi mỉm cười của Kiti, “hai cặp mắt ngỡ ngàng và rụt rè gặp nhau”...
Nghĩ lại câu chuyện trước đây, một buổi chiều khi nàng Anna bỗng nhiên xuất hiện giữa sân ga Moxkva náo nhiệt, nào ngờ Vrônxki sau giây phút đột ngột nhìn thấy Anna, thế là chàng công tước si tình mới ngày nào đang theo đuổi Kiti trẻ trung xinh đẹp để tán tỉnh, thì sau khi gặp Anna bỗng phớt lờ cô. Giữa đêm vũ hội, “Kiti bỗng thấy mình đối diện với Anna và Vrônxki. Từ lúc bắt đầu nhảy, cô chưa gặp lại Anna, và cô bỗng thấy nàng hoàn toàn đổi khác. Cô nhận ra trên nét mặt nàng những dấu hiệu phấn khởi rất quen thuộc với cô: phấn khởi của thành công. Cô thấy Anna đang say sưa trước sự ngưỡng mộ nàng. Kiti từng nếm trải thứ tình cảm đó, biết những triệu chứng của nó và cô nhìn thấy triệu chứng ấy trên nét mặt Anna: cô bắt gặp ở nàng cái ánh mắt chói ngời và lung linh, nụ cười sung sướng và đắc thắng trên đôi môi bất giác run rẩy, vẻ duyên dáng chính xác và nhẹ nhàng trong mọi cử động”...
“Mỗi lần chàng nói với Anna, mắt nàng lại sáng ngời lên và nụ cười rạng rỡ hé nở trên cặp môi đầy đặn. Nàng như gắng che giấu nỗi vui mừng, nhưng bất chấp ý nàng, nó vẫn nở bừng trên mặt. “Nhưng còn chàng?”. Kiti nhìn chàng và bỗng hãi hùng. Điều cô nhìn thấy trên mặt Anna phản chiếu lại trên mặt Vrônxki, rõ ràng như trong gương. Nào đâu là tư thế bình tĩnh và tự tin, cái vẻ bình thản và vô tư của chàng? Mỗi lần nói với nàng, chàng hơi cúi đầu xuống như kiểu muốn phủ phục, và trong mắt chỉ còn biểu lộ vẻ phục tùng và sợ sệt. Vẻ nhìn đó như muốn nói: “Tôi không muốn làm phật lòng bà, nhưng quả tôi chỉ muốn trốn đi, mà không biết trốn bằng cách nào. Mặt chàng có vẻ khác thường cô chưa từng thấy bao giờ”; “Nhưng đúng trước khi nhảy mazurka, trong khi người ta thu ghế lại và từng đôi một rời khỏi các phòng khách nhỏ để đến tập trung ở phòng lớn, Kiti bỗng sợ hãi và thất vọng. Cô đã từ chối năm bạn nhảy, và giờ đây không ai mời cô cả! (...). Cô cảm thấy tuyệt vọng quá rồi!”; “Kiti tiếp tục quan sát,và mỗi lúc một thấy se lòng”. Không, không phải sự ngưỡng mộ của đám đông đã làm chị ấy say sưa, mà là của một người thôi! Ai vậy? Có thể nào lại chính là Chàng?”...
Thế là Kiti chạy sang phòng bên khóc nức nở. Nét chính ở trường đoạn này là tác giả khắc hoạ tâm trạng Kiti đang đối diện trước tình huống khó xử: giữa Vrônxki và Anna đang “tình trong như đã”, mà nàng không ngờ tới! Rõ ràng là tâm trạng Kiti được hiện rõ qua sắc diện Anna và Vrônxki. Chính Kiti xao xuyến, đúng hơn, cô bắt đầu ghen với Anna, chứ ở đây tác giả không có dụng ý làm nổi bật lòng dạ Anna. Nếu tinh ý sẽ thấy ngòi bút sinh động đến kỳ diệu! Nhà văn kết hợp tả chân dung để khắc hoạ nội tâm, lại vừa gắn với độc thoại của chính người trong cuộc. Nhưng sau khi chinh phục được Anna, (đoạn tuyệt với Kiti) rồi cùng nàng chung sống và sinh đứa con gái, mà vẫn chưa ly dị khỏi vị bá tước, Vrônxki lâm vào bế tắc thất vọng thì chàng lại thấy mình khi soi qua gương: giống như bị thịt không hơn không kém: “Một khúc thịt ngu ngốc! Có thể nào mình lại như hắn được”?...
Phép soi gương ở ngòi bút Tolstoi biến hoá linh hoạt tạo được sức hấp dẫn kỳ lạ làm nổi bật “quá trình biện chứng tâm hồn” ở mỗi tính cách nhân vật được chi tiết hoá một cách cụ thể. Do đó, không nhàm chán khi cảm nhận trực tiếp, và mỗi nhân vật cứ hiện ra mỗi người một vẻ, thật khó quên. Thủ pháp này giúp nhà văn tạo nên các hình tượng khách quan, sinh động, khiến người đọc liên tưởng đến phép “tá khách hình chủ” trong văn thơ cổ điển Trung Hoa và Việt Nam.
Từ đấy, có thể khẳng định như K. Fêđin: “Tolstoi không bao giờ già cỗi cả. Ông là một trong những thiên tài, mà ngôn từ khác nào dòng nước nuôi dưỡng sức sống. Nguồn nước chảy mãi không bao giờ vơi. Chúng ta sẽ còn mãi mãi đến cùng nguồn nước ấy và chúng ta cứ ngỡ như chưa một lần nào trong đời mình được uống thứ nước trong veo tinh khiết và tươi mát đến thế”(3)...
_____________
(1) L. Tolstoi: Anna Karenina. Nxb. Văn học, H, 1978. Các trích dẫn tác phẩm trong bài đều theo sách này.
(2) Xin xem Nguyễn Trường Lịch: Đêm trăng huyền diệu Natasa và tâm trạng Anđrây, trong sách Con mắt tiếp nhận văn chương. Nxb. Văn học, H, 2002, tr.87-91.
(3) K. Fêđin: Nhà văn, nghệ thuật, thời đại. Pravda, số tháng 10-1968 (Tiếng Nga).